Bản tin thời sự sáng 16/11

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là dự án đường 800 tỷ đồng tại TP.HCM dang dở sau 5 năm; cháy lớn tại một công ty sản xuất xốp trong khu công nghiệp ở Bắc Giang; lấy ý kiến điều chỉnh, bổ sung ngữ liệu SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều; phấn đấu thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trước Tết Nguyên đán Tân Sửu…

TP.HCM: Dự án đường 800 tỷ đồng dang dở sau 5 năm

Mặt bằng giao chậm khiến Dự án nâng cấp đường Lương Định Của, Quận 2, dài 2,5 km, tổng vốn 800 tỷ đồng sau 5 năm thi công vẫn chưa xong.

Xe chạy trên đường Lương Định Của, đoạn thi công dở dang gần giao lộ với đường Nguyễn Hoàng

Xe chạy trên đường Lương Định Của, đoạn thi công dở dang gần giao lộ với đường Nguyễn Hoàng

Khởi công năm 2015, Dự án do Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (hiện bàn giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông) làm chủ đầu tư. Đoạn nâng cấp từ nút giao đường Trần Não đến Nguyễn Thị Định, mở rộng lên 30 m cho 6 làn xe, dự kiến hoàn thành sau hai năm, giúp kết nối Quận 2 và 9, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ra vào trung tâm.

Tuy nhiên, do không có mặt bằng nên việc thi công Dự án bị đứt đoạn, chỉ có đoạn qua chùa Huê Nghiêm dài 200 m hoàn thành.

Ông Lê Ngọc Hùng - Trưởng Ban Quản lý dự án đường bộ 2 (thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM) cho biết Dự án chậm tiến độ do việc giải phóng mặt bằng chậm 4 năm so với kế hoạch.

Theo Chủ đầu tư, trước đó đoạn từ giao lộ Nguyễn Hoàng đến Mai Chí Thọ đã cơ bản hoàn thành mở rộng khoảng 8 m một bên đường. Bên còn lại thuộc Dự án Khu đô thị phát triển An Phú (phường An Phú), do Công ty CP Địa ốc Thủ Thiêm chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng. Nhưng đơn vị này chưa thỏa thuận xong và bồi thường cho 64 hộ dân ảnh hưởng bởi Dự án.

Lấy ý kiến điều chỉnh, bổ sung ngữ liệu SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều

Tài liệu gồm 12 trang với 2 nội dung chính, bao gồm giới thiệu một số ngữ liệu để giáo viên có thể sử dụng thay thế các bài đọc chưa phù hợp, hướng dẫn điều chỉnh một số từ ngữ trong bài.

Bộ sách giáo khoa lớp 1 Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa lớp 1 Cánh Diều

Nhà xuất bản Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố tài liệu điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều để xin ý kiến góp ý.

Tài liệu này được đăng tải trên trang lưu trữ phiên bản điện tử các cuốn trong bộ sách Cánh Diều lớp 1. Theo đó, tài liệu gồm 12 trang với 2 nội dung chính, bao gồm giới thiệu một số ngữ liệu để giáo viên có thể sử dụng thay thế các bài đọc chưa phù hợp, hướng dẫn điều chỉnh một số từ ngữ trong bài.

Cụ thể, trong tài liệu điều chỉnh đưa ra 11 bài đọc bổ sung cho 11 bài bị cho là không phù hợp, được Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu chỉnh sửa bổ sung cùng nhiều điều chỉnh liên quan đến từ ngữ trong các bài học.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, tài liệu này hiện đã được nhà xuất bản gửi hồ sơ lên Bộ Giáo dục và Đào Tạo đề nghị Hội đồng thẩm định phê duyệt, đồng thời cũng đưa lên mạng để xin ý kiến từ phía các giáo viên sử dụng sách giáo khoa, các nhà khoa học và xã hội từ ngày 14 - 20/11/2020.

Theo kế hoạch, Hội đồng thẩm định sẽ thẩm định lần cuối vào ngày 21/11 sau khi có ý kiến của các giáo viên gửi về. Dự kiến, trước ngày 30/11, nhà xuất bản có trách nhiệm hoàn thiện và gửi miễn phí về địa phương để bổ sung tài liệu này cho học sinh./.

Cháy lớn tại một công ty sản xuất xốp trong khu công nghiệp ở Bắc Giang

Một công ty thuộc Khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang xảy ra cháy khiến công nhân bị thương.

Hiện trường vụ cháy

Hiện trường vụ cháy

Cụ thể, khoảng hơn 12h ngày 15/11, đám cháy khởi phát tại một nhà xưởng của Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa xốp EPS chống cháy Sinuvina.

Thời điểm xảy ra vụ cháy, trong khu nhà xưởng đang có khoảng vài chục công nhân làm việc. Phát hiện sự việc, các công nhân bỏ chạy ra ngoài.

Nhận được tin báo, lực lượng chức năng địa phương đã triển khai xuống hiện trường dập lửa, sau đó khống chế được ngọn lửa.

Theo thông tin ban đầu, vụ hỏa hoạn làm 2 công nhân bị bỏng nhẹ được sơ cứu ngay, một công nhân bị nặng đã được đưa đi bệnh viện.

Hiện cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn.

Phấn đấu thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trước Tết Nguyên đán Tân Sửu

Các nhà thầu đang nỗ lực thi công ngày đêm để kịp thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trước Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Nút giao giữa điếm cuối cao tốc TP.HCM - Trung Lương và điểm đầu cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Nút giao giữa điếm cuối cao tốc TP.HCM - Trung Lương và điểm đầu cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Từ Tết này, ô tô có thể từ cao tốc TP.HCM - Trung Lương đi vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để về Quốc lộ 30, giảm tải cho Quốc lộ 1.

Các nhà thầu tham gia Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang huy động thiết bị, nhân lực, thi công cật lực ngày đêm.

Theo ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, sau hơn 1 năm nỗ lực thi công, đến nay toàn bộ Dự án đã đạt được gần 68% khối lượng.

Phần tuyến chính đã cơ bản nên hình hài của tuyến cao tốc trọng điểm về miền Tây. Từ nay đến cuối tháng 11, các gói thầu tập trung thi công hoàn thành toàn bộ hệ thống cầu. Đối với phần đường, sẽ thảm 10/51km bê tông nhựa C19. Những đoạn còn lại chưa thảm nhựa thì rải cấp phối đá dăm trên nền gia tải để thông xe. Hai bên đường sẽ rải cọc tiêu, dây phân làn, bố trí đầy đủ biển báo, biển chỉ dẫn giao thông…

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1 km, tổng mức đầu tư 12.500 tỷ đồng. Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang).

Đà Nẵng: Nhiều công trình ven sông bị sóng đánh tan hoang

Các công trình công cộng, bến du thuyền ven sông Hàn bị bão Vamco làm hư hỏng nặng.

Nhiều đoạn vỉa hè bị xói lở
Nhiều đoạn vỉa hè bị xói lở

Sóng sông Hàn đánh liên hồi vào khu vực bờ kè vỉa hè đường Như Nguyệt (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) vào đêm 14/11. Theo ông Nguyễn Minh Huy - Phó chủ tịch UBND quận Hải Châu, nguyên nhân do triều cường dâng cao, kết hợp với gió bão đẩy sóng từ biển vào khu vực cửa sông.

Từng đợt sóng đẩy nước lên vỉa hè, gây ngập tuyến đường Như Nguyệt và các khu dân cư Nguyễn Đức Cảnh, Cao Xuân Dục, Xuân Diệu... Nhiều nhà dân nền thấp bị nước tràn vào nhà. Tình trạng này chưa từng xảy ra, tính từ năm 2007 đến nay, khi hệ thống thoát nước của Thành phố được nâng cấp.

Sáng 15/11, nước đã rút, tuy nhiên bờ kè đường Như Nguyệt bị hư hỏng nặng. Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cho biết, khoảng 800 m vỉa hè bị bong tróc, 48 m lan can bằng inox bị đánh bật. Một đoạn bờ kè (do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Đà Nẵng quản lý) bị sóng đánh hư hỏng từ những đợt bão trước, nay trơ lõi thép. Nhiều đoạn vỉa hè bị xói lở. Chính quyền Thành phố đang thống kê thiệt hại.

"Sau bão, chúng tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu, đánh giá và đề xuất giải pháp kỹ thuật để xử lý", ông Lê Thành Hưng, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Đà Nẵng nói.

Chuyên đề