Bản tin thời sự sáng 16/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Ninh Thuận vận hành đập ngăn mặn gần 700 tỷ đồng; xe siêu trường chở đoàn tàu Metro về Hà Nội; đề xuất làm sớm 2 tuyến đường trên cao ở TP.HCM; dừng thu phí trạm BOT Tân Phú…

Ninh Thuận vận hành đập ngăn mặn gần 700 tỷ đồng

Ngày 15/10, đập ngăn mặn trên hạ lưu sông Dinh có vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng được tỉnh Ninh Thuận đưa vào vận hành sau ba năm thi công.

Đập hạ mưu sông Dinh hoàn thành sau ba năm thi công

Đập hạ mưu sông Dinh hoàn thành sau ba năm thi công

Đập hạ lưu sông Dinh (TP. Phan Rang - Tháp Chàm) được thiết kế vận hành theo công nghệ mới, gồm 6 khoang điều tiết (mỗi khoang rộng 37,8 m) có thể đồng loạt nâng, hạ để xã lũ hoặc tích nước.

Các âu thuyền rộng 6,2 m, dài 21 m, được điều khiển tự động, đảm bảo cho các tàu thuyền du lịch qua lại. Công trình còn có cầu và đường dài 480 m, rộng 18 m, bốn làn ôtô và hai làn đi bộ, kết nối hai bờ TP. Phan Rang - Tháp Chàm với các huyện ven biển phía Nam.

Đập giúp ngăn nước mặn xâm nhập vào sông Dinh, đồng thời tạo thành hồ chứa nước ngọt dung tích 3,5 triệu m3 phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho các khu dân cư trong mùa khô hạn.

Dự án được đầu tư bằng ngân sách Trung ương và vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cùng một số nguồn khác, khởi công vào tháng 3/2017.

Sông Dinh, còn gọi là Sông Cái, sông lớn nhất Ninh Thuận chảy từ huyện Bác Ái, Ninh Sơn về Phan Rang - Tháp Chàm.

Xe siêu trường chở đoàn tàu Metro về Hà Nội

Đoàn tàu đầu tiên tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3) với 4 toa dài 80 m sẽ được xe siêu trường chở từ cảng Hải Phòng về Depot.

Toa tàu Metro Nhổn - ga Hà Nội được vận chuyển bằng xe siêu trường tại Pháp

Toa tàu Metro Nhổn - ga Hà Nội được vận chuyển bằng xe siêu trường tại Pháp

Theo kế hoạch của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), đoàn tàu đầu tiên sẽ cập cảng Hải Phòng ngày 24/10, sau khi rời cảng Dunkirk (Pháp) ngày 2/9. Đoàn tàu gồm 4 toa, rộng 2,75 - 2,95 m, dài 80 m.

Sau khi cập cảng, 4 xe siêu trường, siêu trọng sẽ vượt hơn 100 km chở đoàn tàu về khu Depot Nhổn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Xe chuyên chở là tổ hợp ôtô đầu kéo và cụm rơ-moóc thủy lực chuyên dụng 12 trục nối nhau, có hệ thống đèn tín hiệu, dây hơi phanh kết nối giữa các trục rơ-moóc.

Dự kiến khi đưa về Depot, đoàn tàu đầu tiên sẽ được căn chỉnh và trưng bày ở nhà ga S1 trên đường 32 vào tháng 11 để người dân tham quan. 9 đoàn tàu còn lại của tuyến số 3, đang được sản xuất tại Pháp, dự kiến sẽ đưa về Hà Nội năm 2021.

Tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội có 10 đoàn tàu hợp kim nhôm tiêu chuẩn châu Âu được một nhà thầu của Pháp sản xuất. Metro có khả năng chuyên chở 850 - 950 hành khách/đoàn tàu, với mật độ 6 - 8 người/m2 và khai thác với tốc độ thương mại 35 km/giờ, tốc độ thiết kế 80 km/giờ.

Tuyến đường này có tổng mức đầu tư hơn 36.000 tỷ đồng, chiều dài 12,5 km, bao gồm 8,5 km đi trên cao từ Nhổn đến Kim Mã và 4 km đi ngầm từ Kim Mã đến ga Hà Nội. Dự kiến năm 2021, đoạn tuyến trên cao qua 8 nhà ga sẽ được khai thác.

Đề xuất làm sớm 2 tuyến đường trên cao ở TP.HCM

Đường trên cao Số 1 và Số 5 có tổng đầu tư gần 33.000 tỷ đồng được Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất làm từ năm 2021 để giảm ùn tắc ở các cửa ngõ.

Lộ trình tuyến Số 1 đi qua các khu vực trung tâm thành phố

Lộ trình tuyến Số 1 đi qua các khu vực trung tâm thành phố

Đây là 2 trong số 55 dự án cấp bách vừa được Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư trong năm 2021, trình HĐND Thành phố thông qua chủ trương kế hoạch trung hạn 2021 - 2025.

Trong đó, tuyến Số 1 dài 9,5 km, 4 làn xe, từ nút giao Lăng Cha Cả chạy dọc theo đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ (Tân Bình) - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long (Phú Nhuận) - giao với Điện Biên Phủ (Bình Thạnh). Tại đây, tuyến tách một nhánh đi lên, nhánh còn lại kéo dài theo đường Ngô Tất Tố và kết thúc trước cầu Phú An (phường 22, Bình Thạnh), gần Metro Số 1. Mức đầu tư của tuyến khoảng 17.500 tỷ đồng.

Tuyến Số 5 (giai đoạn 1 từ Trạm 2 đi theo quốc lộ 1 đến An Sương) dài khoảng 21,5 km, mức đầu tư gần 15.500 tỷ đồng.

Hai dự án này đã được đưa vào danh mục lập đề xuất chủ trương đầu tư, giải quyết tình trạng ùn tắc ở các tuyến đường nội thành, nhất là cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sơn Nhất và tuyến quốc lộ 1 - đường vành đai 2 TP.HCM.

Đồng Nai: Dừng thu phí trạm BOT Tân Phú

Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo dừng thu phí trạm BOT Tân Phú trên Quốc lộ 20 tại Đồng Nai từ 20/10.

Tỉnh Đồng Nai từng cho rằng trạm thu phí đặt sai vị trí, kiến nghị di dời

Tỉnh Đồng Nai từng cho rằng trạm thu phí đặt sai vị trí, kiến nghị di dời

Chiều 15/10, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cơ quan này đã rà soát quy định hợp đồng dự án sửa chữa và nâng cấp quốc lộ 20, văn bản liên quan của Kiểm toán Nhà nước để tính toán phương án tài chính, xác định ngày dừng thu phí của dự án này.

Trong khi chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền, để bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, Tổng cục Đường bộ đề nghị tạm dừng thu phí tại trạm Tân Phú từ 14h ngày 20/10.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ cho biết, nhà đầu tư sẽ phải trả lại tiền vé tháng cho khách hàng tại trạm thu phí; đồng thời quyết toán dự án BOT theo quy định.

Dự án sửa chữa và nâng cấp quốc lộ 20 theo hình thức BOT bắt đầu thu phí từ ngày 16/10/2010. Dự án này từng bị nhiều lái xe phản ứng vì thu phí hoàn vốn sửa chữa nâng cấp quốc lộ 20 trên tỉnh Lâm Đồng song vị trí trạm tại Đồng Nai.

TP.HCM: Thêm nhiều lãnh đạo Công ty Alibaba bị bắt

Chiều 15/10, 2 Phó Tổng giám đốc Công ty Alibaba và 3 nhân viên bị bắt với cáo buộc tiếp tay cho Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thái Luyện lừa đảo.

Phó tổng giám đốc Công ty Alibaba Huỳnh Thị Ngọc Như livestream nói chuyện với khách hàng sau khi Luyện bị bắt.

Phó tổng giám đốc Công ty Alibaba Huỳnh Thị Ngọc Như livestream nói chuyện với khách hàng sau khi Luyện bị bắt.

Phó Tổng giám đốc phụ trách nhân sự Công ty Alibaba Đào Thị Thanh Lợi; Phó Tổng giám đốc phụ trách truyền thông Nguyễn Lê Hoàng Lan; Nguyễn Huỳnh Tú Trinh - nhân viên pháp lý, và 2 người khác bị Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an TP.HCM điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sáng ngày 15/10, PC03 cũng bắt Huỳnh Thị Ngọc Như - Phó Tổng giám đốc phụ trách đào tạo Công ty Alibaba, về cùng tội danh.

Theo điều tra, Nguyễn Thái Luyện và em trai Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực thành lập 23 công ty thành viên thuộc Tập đoàn địa ốc Alibaba.

Cơ quan điều tra đang mở rộng vụ án.

Khánh Hòa: Giám đốc Sở Ngoại vụ làm giả hồ sơ xin visa Mỹ

Ông Nguyễn Quốc Trâm, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ, bị cáo buộc làm giả hồ sơ xin visa để cùng người phụ nữ nhập cảnh Mỹ.

Ông Nguyễn Quốc Trâm khi giữ chức Sở Ngoại vụ hồi tháng 7/2015

Ông Nguyễn Quốc Trâm khi giữ chức Sở Ngoại vụ hồi tháng 7/2015

Hành vi sai phạm của ông Trâm khi còn đương chức (năm 2015 - 2016) được TAND TP. Nha Trang đưa ra xét xử ngày 27/10 về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Giả mạo trong công tác, khung hình phạt cao nhất 10 năm tù.

Liên quan vụ án, Nguyễn Thụy Phương Thảo (nguyên Kế toán Sở Ngoại vụ) bị cáo buộc đồng phạm của ông Trâm ở tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo cáo trạng, năm 2015 - 2016, ông Trâm đã chỉ đạo cấp dưới làm giả các tài liệu, bảng lương... cho Nguyễn Thị Ngọc Thảo (ngụ phường Vĩnh Thọ, lao động tự do) giữ chức Phó Chánh văn phòng Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa.

Tiếp đó, ông Trâm làm giả thư của Tập đoàn Trần Group, nội dung mời: "Nguyễn Quốc Trâm - Giám đốc Sở Ngoại vụ Khánh Hòa và Nguyễn Thị Ngọc Thảo - Phó Chánh văn phòng Sở đến Hoa Kỳ".

Các hồ sơ giả này được dịch sang tiếng Anh, gửi đến Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM đăng ký lịch phỏng vấn, xin cấp thị thực nhập cảnh cho ông Trâm và bà Thảo. Nhờ đó, Thảo đã xuất cảnh sang Mỹ.

Chuyên đề