Bản tin thời sự sáng 15/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tiếp tục được đề nghị chia làm hai đợt họp trực tuyến và tập trung, giảm thuế nhiên liệu bay xuống 2.100 đồng/lít và không được bán vé máy bay tràn lan…

Quốc hội chất vấn 'tư lệnh ngành', xem xét vấn đề nhân sự tại kỳ họp thứ 10

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tiếp tục được đề nghị chia làm hai đợt họp trực tuyến và tập trung, đồng thời có tổ chức phiên chất vấn, trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 tiếp tục được đề nghị chia làm hai đợt họp trực tuyến và tập trung. Ảnh minh họa

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 tiếp tục được đề nghị chia làm hai đợt họp trực tuyến và tập trung. Ảnh minh họa

Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 10 tới, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Kỳ họp thứ 10 tiếp tục được đề nghị tổ chức thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung.

Trong đó, đợt 1 họp trực tuyến dự kiến 9 ngày, thảo luận 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trình thông qua 3,5 ngày; chất vấn và trả lời chất vấn trong 3 ngày. “Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đề nghị bố trí tại đợt 1 để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan hữu quan có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng dự thảo Nghị quyết về chất vấn trước khi trình Quốc hội thông qua tại đợt 2”, ông Phúc nêu.

Sang đợt 2, họp tập trung 9 ngày để Quốc hội thảo luận các báo cáo kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; các dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng XIII; thảo luận các dự án luật; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác (nếu có)...

Cho ý kiến về tổ chức Kỳ họp 10, đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc chia kỳ họp thành 2 đợt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị nên để phiên chất vấn và trả lời chất vấn vào đợt 2 họp tập trung, đồng thời giảm thời gian xuống còn 2,5 ngày.

Thống nhất chia kỳ họp thành 2 đợt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các phiên thảo luận, cho ý kiến đưa vào đợt 1 họp trực tuyến, còn vấn đề kinh tế - xã hội, chất vấn đưa vào đợt 2, họp tập trung. Về nhân sự Chính phủ trình Quốc hội, phải dành vào phiên họp trực tiếp đợt 2.

Không được bán vé máy bay tràn lan

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không dừng bán vé trên hệ thống với các chuyến bay chưa được xác nhận kế hoạch bay.

Từ 1/7 đến nay, máy bay luôn trong tình trạng xếp hàng chờ đến cả tiếng tại sân bay Nội Bài mới tới lượt cất cánh vì chỉ còn khai thác 1 đường băng. Ảnh minh họa

Từ 1/7 đến nay, máy bay luôn trong tình trạng xếp hàng chờ đến cả tiếng tại sân bay Nội Bài mới tới lượt cất cánh vì chỉ còn khai thác 1 đường băng. Ảnh minh họa

Ngày 14/7, nội dung trên được Cục Hàng không Việt Nam đưa ra với các hãng không trong nước trước bối cảnh đường băng tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất cùng đang sửa chữa.

Các hãng hàng không chỉ khai thác theo kế hoạch bay theo giờ (slot), đã được Cục Hàng không xác nhận và cấp phép. Hãng nào cố tình mở bán vé trước khi được cấp slot hoặc thay đổi slot, Cục Hàng không sẽ hủy phép bay và thu hồi kế hoạch bay đã cấp.

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho hành khách, nhà chức trách hàng không yêu cầu các hãng hoàn tiền vé cho khách đã mua vé trên các chuyến bay phải hủy, trong trường hợp các chuyến bay này chưa có xác nhận slot.

Các hãng cần thay thế tàu bay nhỏ bằng tàu lớn hơn và tăng tần suất các chuyến bay tại các cảng hàng không lân cận Sân bay Nội Bài như Cát Bi, Thọ Xuân và gần Tân Sơn Nhất như Cần Thơ, Cam Ranh... để giảm tần suất khai thác bay tại hai sân bay lớn.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của việc sửa chữa đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất, tần suất khai thác theo giờ tại các sân bay đã giảm 30-35%.

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không, Sân bay Tân Sơn Nhất trước đây cho phép khai thác tối đa 44 chuyến cất, hạ cánh mỗi giờ, nay chỉ còn 32. Sân bay Nội Bài từ 34 chuyến mỗi giờ xuống còn 27. Các hãng hàng không trong nước đều được phân bổ slot theo giờ theo sự điều hành của Cục Hàng không.

Trong khi đó, các hãng hàng không đã bán vé trước nhiều ngày và vẫn bán tiếp trong dịp cao điểm hè, song khi tần suất bay bị giảm nên các hãng hàng không đã phải hủy nhiều chuyến bay hoặc điều chỉnh sang giờ bay thấp điểm, gây xáo trộn việc đi lại của nhiều hành khách.

Thông xe hầm chui hơn 500 tỷ đồng, xóa ùn tắc cửa ngõ Tây Bắc TP.HCM

Dự kiến hôm nay (15/7), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông sẽ thông xe nhánh hầm N2 thuộc Dự án Xây dựng hầm chui tại nút giao An Sương.

Nút giao thông 3 tầng An Sương sau khi hoàn thành sẽ giải quyết kẹt xe và tai nạn giao thông cửa ngõ Tây Bắc TP.HCM

Nút giao thông 3 tầng An Sương sau khi hoàn thành sẽ giải quyết kẹt xe và tai nạn giao thông cửa ngõ Tây Bắc TP.HCM

Dự án hầm chui N1 và N2 qua nút giao thông ngã tư An Sương có tổng mức đầu tư 514 tỷ đồng. Nút giao 3 tầng tại cửa ngõ Tây Bắc này được đánh giá là 1 trong 6 dự án trọng điểm của TP.HCM trong việc giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư), đến nay, sau 5 tháng tập trung thi công, nhánh hầm N2 đã hoàn thành đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, mỹ quan và được Sở GTVT cho phép thông xe để phục vụ người dân cùng các phương tiện lưu thông thuận lợi, an toàn hơn qua khu vực nút giao thông An Sương.

Các hạng mục còn lại của công trình (như các vị trí cải tạo vỉa hè, cải tạo mảng xanh, hoàn thiện mặt đường khu vực vòng xoay An Sương (phía trên đỉnh hầm)...) sẽ được các đơn vị tập trung triển khai thi công để hoàn thành toàn bộ công trình trong tháng 9 tới.

Giảm thuế nhiên liệu bay xuống 2.100 đồng/lít để 'cứu' hàng không

Vietnam Airlines đã ngừng việc hơn 6.000 lao động, doanh thu dự kiến giảm 49,3 nghìn tỷ đồng và mức lỗ lên đến gần 16 nghìn tỷ đồng.

Điều chỉnh giảm mức thuế đối với nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít xuống 2.100 đồng/lít

Điều chỉnh giảm mức thuế đối với nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít xuống 2.100 đồng/lít

Chiều 14/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định: Việc đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là một trong những giải pháp cần thiết. Việc này nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không nói chung và các doanh nghiệp hàng không nói riêng trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp đồng thời vẫn đảm bảo phù hợp với nguyên tắc quy định mức thuế bảo vệ môi trường.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, theo đánh giá, mức thiệt hại của ngành hàng không trước đại dịch rất nghiêm trọng. Số lượng khách hàng và số chuyến bay khai thác sụt giảm mạnh. Vietnam Airlines phải thực hiện ngừng việc với hơn 6.000 lao động. Dự kiến trong năm 2020, doanh thu Vietnam Airlines giảm 49,3 nghìn tỷ đồng và mức lỗ lên đến gần 16 nghìn tỷ đồng. Dòng tiền của Hãng dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 17 nghìn tỷ đồng trong năm 2020.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, dự báo thị trường vận chuyển năm 2020, nếu dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so với năm 2019.

Chính phủ đề nghị từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2020, mức thuế là 2.100 đồng/lít. Từ ngày 1/1/2021 trở đi, mức thuế tiếp tục áp dụng theo quy định hiện tại.

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giảm mức thuế đối với nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít xuống 2.100 đồng/lít là đảm bảo các nguyên tắc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết này.

Tròn 3 tháng Việt Nam không có ca mắc Covid-19 ở cộng đồng, chỉ còn 15 bệnh nhân dương tính

Đến hôm nay đã tròn 3 tháng Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, cả nước chỉ còn 15 bệnh nhân dương tính.

Việt Nam chỉ còn 15 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19

Việt Nam chỉ còn 15 bệnh nhân dương tính với virus gây COVID-19

Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 15/7, đã 90 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 233 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay và không ghi nhận ca mắc mới.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 12.337 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 79 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 11.855 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 403 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này đã có 352/373 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 94,4 % tổng số ca bệnh COVID-19 của nước ta.

Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay 50/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đều đã được Việt Nam điều trị khỏi

Tính đến sáng ngày 15/7, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 6 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện chỉ còn 15 bệnh nhân dương tính với Covid-19.

Trong các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế hiện nay, đa số đều có sức khoẻ ổn định. Hiện, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang điều trị đông bệnh nhân nhất với số lượng 15 ca bệnh; Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa - Vũng Tàu điều trị 2 ca bệnh; cơ sở cách ly 2 Khu công nghiệp Dung Quất; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu điều trị 2 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau điều trị 1 ca; Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam điều trị 1 ca.

Chuyên đề