Bản tin thời sự sáng 14/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội công bố điểm thi vào lớp 10 trước ngày 1/7; hoàn thành hồ sơ di sản tư liệu bảo vật quốc gia Cửu đỉnh; sai phạm trong đấu thầu thuốc, 12 nguyên cán bộ Sở Y tế Đắk Lắk hầu tòa; đề xuất xây đường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang hơn 8.000 tỷ đồng…

Hà Nội công bố điểm thi vào lớp 10 trước ngày 1/7

Theo kế hoạch, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ công bố điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 cho thí sinh trước ngày 1/7.

Hà Nội công bố điểm thi vào lớp 10 trước ngày 1/7

Hà Nội công bố điểm thi vào lớp 10 trước ngày 1/7

Theo ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, dự kiến chậm nhất ngày 30/6, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ công bố điểm bài thi các môn của thí sinh trên cổng thông tin điện tử của Sở, sổ liên lạc điện tử và hệ thống hỗ trợ 1080.

Sau đó, Sở GD-ĐT sẽ họp xét duyệt và công bố điểm chuẩn trường chuyên và các trường THPT công lập không chuyên.

Từ ngày 1 đến 3/7 là thời gian để thí sinh xác nhận nhập học.

Trong 2 ngày 12 - 13/6, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội năm học 2021 - 2022 với sự tham gia của hơn 93.000 thí sinh và gần 15.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên đã diễn ra tại 184 điểm thi với gần 4.000 phòng thi.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 93.363. Tuy nhiên, số thí sinh vắng thi ở kỳ thi vào lớp 10 công lập không chuyên năm nay là 278; trong đó có 38 em không dự thi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (1 thí sinh diện F0, 20 em diện F1, 7 em diện F2 và 10 em diện thuộc vùng phong tỏa).

Đây là năm đầu tiên Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép mỗi học sinh được đăng ký dự tuyển tối đa vào 3 trường trung học phổ thông công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3.

Hoàn thành hồ sơ di sản tư liệu bảo vật quốc gia Cửu đỉnh

Cửu đỉnh Huế là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có giá trị cao về mặt văn hóa và lịch sử của dân tộc.

Bảo vật cửu đỉnh đã tồn tại gần 200 năm qua

Bảo vật cửu đỉnh đã tồn tại gần 200 năm qua

Sau 2 năm nghiên cứu và xây dựng hồ sơ di sản tư liệu cho bảo vật quốc gia Cửu đỉnh, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế vừa trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét trước khi đệ trình UNESCO công nhận Cửu đỉnh là Di sản tư liệu thế giới.

Cửu đỉnh là 9 đỉnh bằng đồng được khởi công chế tác vào cuối năm 1835 dưới thời vua Minh Mạng, được đặt tại sân Thế Tổ Miếu, Đại Nội Huế. Từ đó đến nay, Cửu đỉnh vẫn tồn tại nguyên ở vị trí này, là bản nguyên gốc và duy nhất, chưa từng sửa chữa.

Điều đặc biệt, Cửu đỉnh gắn liền với thụy hiệu của các vua nhà Nguyễn, được đặt ở vị trí đối diện án thờ các vua bên trong Thế Tổ Miếu. Cửu đỉnh Huế là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có giá trị cao về mặt văn hóa và lịch sử của dân tộc, chứa đựng những nội dung tư tưởng của một thời đại, tâm tư và ý niệm của con người về đất nước, vũ trụ và thiên nhiên.

Trải qua 200 năm tồn tại, đến nay, Cửu đỉnh vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu. Ngoài tính biểu trưng cho các vị vua, thể hiện quyền lực của vương triều nhà Nguyễn thì Cửu đỉnh như một bộ “Địa dư chí lược” của Việt Nam đầu thế kỷ XIX được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình với tổng cộng 162 họa tiết chạm nổi tinh xảo. Cửu Đỉnh gắn liền với con số 9, một con số thiêng liêng theo quan niệm phương Đông; cũng là tư tưởng chủ đạo vua Minh Mạng trong việc đúc Cửu Đỉnh cho triều đại mình: Tất cả các loại cảnh vật đều được chọn lọc và sắp xếp theo số 9.

Sai phạm trong đấu thầu thuốc, 12 nguyên cán bộ Sở Y tế Đắk Lắk hầu tòa

Các bị cáo đã phê duyệt 7 mặt hàng thuốc với giá trúng thầu nhóm 2 là hơn 5,3 tỷ đồng, trong khi giá thực tế chỉ hơn 3,3 tỷ đồng.

Sở Y tế Đắk Lắk, nơi 12 nguyên cán bộ sở từng làm việc

Sở Y tế Đắk Lắk, nơi 12 nguyên cán bộ sở từng làm việc

Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành cáo trạng và chuyển toàn bộ hồ sơ đến Tòa án Nhân dân cùng cấp để truy tố 12 người nguyên là cán bộ Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong việc đấu thầu thuốc xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk vào khoảng thời gian từ năm 2014 - 2015. Trong số 12 người bị truy tố, có nguyên là Giám đốc Doãn Hữu Long.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, vào đầu tháng 6/2014, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua thuốc khám chữa bệnh trong các cơ sở công lập năm 2014 - 2015.

Đến cuối tháng 6/2014, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt kế hoạch đấu thầu thuốc do Sở Y tế Tỉnh làm chủ đầu tư với tổng số tiền hơn 517 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện 365 ngày, hình thức lựa chọn nhà thầu qua đấu thầu công khai.

Căn cứ vào kết quả xét thầu sau đó, Sở Y tế Đắk Lắk và Liên danh Hoàng Vũ - Pymepharco đã ký kết 2 hợp đồng nguyên tắc đối với 7 loại thuốc nêu trên.

Theo kết luận của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, 7 mặt hàng thuốc trúng thầu chỉ đạt tiêu chuẩn nhóm 3, nhưng lúc đó các tổ chuyên gia, thẩm định, giúp việc và ông Doãn Hữu Long lại phê duyệt trúng thầu nhóm 2, vi phạm các quy định về đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế.

Cáo trạng xác định 7 mặt hàng thuốc có giá trúng thầu nhóm 2 là hơn 5,3 tỷ đồng, trong khi giá thực tế chỉ hơn 3,3 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 2 tỷ đồng.

Đề xuất xây đường cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang hơn 8.000 tỷ đồng

Tập đoàn Đèo Cả đưa ra hai phương án cho tuyến cao tốc kết nối Cần Thơ với Hậu Giang, trong đó đề xuất chọn phương án 1 với chiều dài 37km, tổng mức đầu tư hơn 8.027 tỷ đồng.

Quốc lộ 61C nối Cần Thơ với Hậu Giang hiện nay

Quốc lộ 61C nối Cần Thơ với Hậu Giang hiện nay

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang vừa làm việc với Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả về đề xuất phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang.

Theo Tập đoàn Đèo Cả, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đi qua TP. Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau) là tuyến giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL, đóng vai trò kết nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, từ TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong vùng.

Trong số 3 phương án tuyến của đơn vị tư vấn dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Tập đoàn Đèo Cả thống nhất với phương án 3, có tổng chiều dài 124,18km, tổng mức đầu tư 56.790 tỷ đồng và kết nối gần về phía TP. Vị Thanh của Hậu Giang. Đây cũng là phương án được UBND tỉnh Hậu Giang đề xuất với Bộ GTVT và báo cáo Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu.

Với phương án như trên, phía Tập đoàn Đèo Cả đưa ra 2 phương án cho đoạn cao tốc kết nối Cần Thơ - Hậu Giang. Phương án 1 có chiều dài 37km, điểm đầu giao với đường Nam Sông Hậu, điểm cuối giao với Quốc lộ 61B vào TP. Vị Thanh, tổng mức đầu tư 8.027 tỷ đồng. Phương án 2 có chiều dài 58,4km, điểm đầu giống với phương án 1, điểm cuối tại ranh giới 2 tỉnh Hậu Giang - Bạc Liêu, tổng mức đầu tư hơn 12.540 tỷ đồng.

Cả 2 phương án đều có vận tốc thiết kế giai đoạn 1 là 80km/giờ với 4 làn xe cơ giới, giai đoạn hoàn thiện vận tốc thiết kế 100km/giờ, mặt đường rộng 24,5m. Tập đoàn Đèo Cả đề xuất chọn phương án 1, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Thị xã Cai Lậy và huyện Cái Bè ở Tiền Giang giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 14/6

UBND tỉnh Tiền Giang vừa thông báo về việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên địa bàn thị xã Cai Lậy và huyện Cái Bè, từ 0h giờ ngày 14/6.

Thị xã Cai Lậy và huyện Cái Bè (Tiền Giang) giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h giờ ngày 14/6

Thị xã Cai Lậy và huyện Cái Bè (Tiền Giang) giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h giờ ngày 14/6

Lãnh đạo UBND thị xã Cai Lậy cho biết, trên địa bàn hiện có 1 bệnh nhân và 14 ca nghi mắc Covid-19. Địa phương đang chuẩn bị ban hành văn bản giãn cách theo Chỉ thị 16 toàn thị xã bắt đầu từ 0h ngày 14/6 cho đến khi có thông báo mới.

Đến thời điểm này, tỉnh Tiền Giang ghi nhận 13 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, trong có 12 người là cán bộ kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Chỉ thị 16 quy định, gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh.

Các phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài nếu thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (những nơi không bị đóng cửa, dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác.

Người dân phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Chỉ thị 16 yêu cầu người dân ở yên tại nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết.

Xét nghiệm tầm soát diện rộng cho công nhân PouYuen từ ngày 14/6

Cơ quan chức năng TP.HCM sẽ lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 10.000 công nhân Công ty TNHH PouYuen cư trú tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân, theo khu vực ưu tiên.

Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân PouYuen

Lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân PouYuen

Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Thị Ngọc Dung cho biết, từ ngày 14/6, Quận sẽ phối hợp cùng ngành y tế xét nghiệm tầm soát diện rộng cho công nhân Công ty TNHH PouYuen.

Theo bà Dung, lúc đầu, thực hiện phương án phòng chống dịch Covid-19, Quận dự định cho công nhân tạm nghỉ làm để xét nghiệm tầm soát. Tuy nhiên, qua rà soát, số lượng công nhân cư trú tại phường Tân Tạo quá đông, khoảng 12.000 - 13.000 người nên quận quyết định thu hẹp phạm vi tầm soát. Do đó, công nhân PouYuen trú tại phường Tân Tạo không được nghỉ làm như dự định trước đó.

Quận đang lấy mẫu xét nghiệm dần dần vì không thể cùng lúc lấy hết. Do đó, đang tính toán theo từng khu vực, ưu tiên điểm có nguy cơ cao.

Trước đó, ngày 9/6, Công ty PouYuen ghi nhận một ca dương tính là nữ công nhân làm việc tại phân xưởng may ở tầng 5, khu C. Ngành y tế đã lấy mẫu xét nghiệm 141 F1 và đưa đi cách ly tập trung, hơn 348 F2 làm việc cùng tầng với nữ công nhân này được cách ly tại nhà.

Công ty TNHH PouYuen Việt Nam thuộc Tập đoàn Pouchen, hoạt động từ năm 1996 với ngành nghề sản xuất chính là giày thể thao. Đây là doanh nghiệp có số công nhân đông nhất TP.HCM hiện nay với 56.000 lao động. Trụ sở doanh nghiệp nằm tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân, rộng khoảng 56 ha.

Chuyên đề