Bản tin thời sự sáng 14/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chí phân loại cấp độ thích ứng Covid-19; đề xuất quy hoạch xây dựng hai đoạn đường sắt tốc độ cao đến năm 2030; Đà Nẵng thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11; Việt Nam nhận thêm gần 2 triệu liều vaccine Pfizer từ Mỹ; sân bay Nội Bài dùng 2.000 camera để truy vết F0; Hà Nội cho bán hàng ăn tại chỗ, taxi hoạt động trở lại từ 6h ngày 14/10…

Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chí phân loại cấp độ thích ứng Covid-19

Tiêu chí đánh giá 4 cấp độ thích ứng an toàn Covid-19 gồm tỷ lệ F0, độ bao phủ vaccine, khả năng thu dung, điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh.

Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chí phân loại cấp độ thích ứng Covid-19

Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chí phân loại cấp độ thích ứng Covid-19

Tối 13/10, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn (hướng dẫn) để thực hiện Quy định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19.

Có 3 tiêu chí đánh giá nguy cơ dịch bệnh. Thứ nhất là số F0 tại cộng đồng/100.000 dân/tuần. Thứ hai là tỷ lệ dân số từ 18 tuổi được tiêm ít nhất một liều vaccine. Trong tháng 10/2021, tối thiểu 80% người từ 65 tuổi được tiêm đủ liều vaccine; từ tháng 11/2021, 80% người từ 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine. Thứ ba, khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám chữa bệnh các tuyến.

Cụ thể, với địa bàn có hơn 70% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine, các cấp độ nguy cơ được phân loại gồm: cấp 1 có dưới 50 F0/100.000 dân/tuần; cấp 2 có 50 - 150 F0/100.000 dân/tuần; cấp 3 trên 150 F0/100.000 dân/tuần.

Với địa bàn có dưới 70% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine, cấp 1 có 20 F0/100.000 dân/tuần; cấp 2 có 20 - 50 F0; cấp 3 có 50 - 150 F0; cấp 4 trên 150 F0.

Địa bàn không đạt tiêu chí về năng lực y tế thì không được giảm cấp độ nguy cơ. Địa bàn không đạt tiêu chí về tỷ lệ tiêm vaccine phải tăng một cấp độ nguy cơ.

Bộ Y tế cũng nêu rõ, các tỉnh, thành căn cứ thực tế, độ bao phủ vaccine, mật độ dân cư, điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng ứng phó để điều chỉnh cấp độ dịch cho phù hợp.

Về xét nghiệm, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở làm xét nghiệm ngẫu nhiên nhóm nguy cơ cao.

Các địa phương không chỉ định xét nghiệm với việc đi lại của người dân; chỉ xét nghiệm với người đến từ địa bàn cấp 4 hoặc vùng phong tỏa; trường hợp nghi ngờ thì chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn cấp 3. Người đã tiêm đủ liều vaccine và F0 khỏi bệnh chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ.

Ngoài ra, các địa phương xét nghiệm tầm soát người có biểu hiện ho, sốt, khó thở, đau họng...

Đề xuất quy hoạch xây dựng 2 đoạn đường sắt tốc độ cao đến năm 2030

Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy hoạch xây dựng 2 đoạn đường sắt tốc độ cao đến năm 2030 là Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM.

Đề xuất quy hoạch xây dựng hai đoạn đường sắt tốc độ cao đến năm 2030

Đề xuất quy hoạch xây dựng hai đoạn đường sắt tốc độ cao đến năm 2030

Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ đã trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có đầu tư mới 2 đoạn đường sắt trên.

Ngoài ra, Bộ đề xuất xây dựng 8 tuyến đường sắt mới đến năm 2030 là Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; vành đai phía Đông Hà Nội; Hà Nội - Hải Phòng; Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ; Biên Hòa - Vũng Tàu; TP.HCM - Cần Thơ; TP.HCM - Lộc Ninh; Thủ Thiêm - Long Thành.

Đến năm 2050, ngành sẽ hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, TP.HCM, kết nối với cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế…

Trước đây, nhiều chuyên gia giao thông đề xuất đầu tư mới tuyến đường sắt Bắc Nam với dải tốc độ từ 160 km/h đến dưới 200 km/h để chở hàng hóa và hành khách, thay vì đầu tư đường sắt cao tốc tốc độ 350km/h chỉ chở người.

Đơn vị tư vấn lập quy hoạch cho rằng, mức độ hấp dẫn của đường sắt phụ thuộc vào tốc độ, chặng Hà Nội - Vinh nếu khai thác tàu tốc độ 350 km/h thì thị phần vận tải hành khách đạt 93%, trong khi tàu 200 km/h đạt 85%. Với chặng Hà Nội - Đà Nẵng, thị phần tương ứng là 75% và 33%; chặng Hà Nội - Nha Trang là 37% và 3%.

Còn với tuyến Hà Nội - TP.HCM, thị phần vận tải của tàu 350 km/h đạt 15%, trong khi loại hình 200 km/h chỉ đạt 0,3%, cho thấy gần như không thu hút được hành khách ở tốc độ này.

Đà Nẵng thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11

Thành phố Đà Nẵng muốn từng bước khôi phục hoạt động du lịch trong nước và quốc tế trong bối cảnh đã khống chế được dịch Covid-19.

Đà Nẵng thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11

Đà Nẵng thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11

Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, Sở đã trình UBND thành phố Đà Nẵng 2 phương án thí điểm đón khách quốc tế và khách nội địa.

Theo đó, từ tháng 11, Thành phố dự kiến bắt đầu đón 2 nhóm khách quốc tế. Nhóm thứ nhất là khách thương mại hoặc Việt kiều, nhập cảnh mục đích công vụ, thăm thân, hồi hương. Hành khách phải cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nhóm khách thứ hai theo mô hình hình tour du lịch hoặc combo du lịch trọn gói khép kín, với một số thị trường quốc tế có chính sách mở cửa du lịch và hộ chiếu vaccine. Trong đó, tập trung vào thị trường Hàn Quốc và Nga.

Các công ty du lịch của Hàn Quốc đang làm việc với Sở Du lịch và đã đề xuất đưa khách vào một tuần 2 chuyến. Với thị trường Nga cũng có công ty liên hệ và cho biết sẽ đưa vào Đà Nẵng từ 2.000 - 4.000 khách mỗi tháng.

Lãnh đạo ngành du lịch Đà Nẵng kỳ vọng khi Chính phủ mở lại các đường bay quốc tế, lượng khách sẽ quay trở lại Thành phố. Tháng 6/2022, Thành phố sẽ đăng cai tổ chức sự kiện Diễn đàn Phát triển đường bay châu Á 2022 (Routes Asia 2022).

Với khách nội địa, từ ngày 20/10, Đà Nẵng sẽ khôi phục du lịch tại chỗ để phục vụ người dân tại Đà Nẵng. Sau đó từ tháng 11 tổ chức mô hình "bong bóng du lịch" giữa Đà Nẵng với một số địa phương trong cả nước, có thể trao đổi nguồn khách, trước mắt là với Quảng Nam và Quảng Ninh. Khi Chính phủ cho phép khôi phục tất cả các hoạt động, Đà Nẵng sẽ đón khách du lịch trên cả nước.

Việt Nam nhận thêm gần 2 triệu liều vaccine Pfizer từ Mỹ

Trong nửa đầu tháng 10, Việt Nam nhận thêm 1.999.530 liều vaccine Pfizer do Mỹ trao tặng thông qua cơ chế phân phối Covax, theo đại sứ quán Mỹ.

Việt Nam nhận thêm gần 2 triệu liều vaccine Pfizer từ Mỹ

Việt Nam nhận thêm gần 2 triệu liều vaccine Pfizer từ Mỹ

Các lô vaccine này được Covax vận chuyển trực tiếp từ nhà máy Pfizer ở Kalamazoo, bang Michigan, Mỹ, gồm hơn 1,2 triệu liều tới TP.HCM và gần 790.000 liều tới Hà Nội trong các ngày từ 7 - 13/10, theo thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam ngày 13/10.

Số vaccine trên nâng tổng liều vaccine Mỹ đã trao tặng cho Việt Nam lên 9,5 triệu. Trước đó, Mỹ đã tặng 4 đợt vaccine cho Việt Nam với tổng cộng 7,5 triệu liều và dự định tiếp tục lên kế hoạch chuyển thêm vaccine cho Việt Nam.

Bên cạnh việc trao tặng vaccine qua cơ chế Covax, Mỹ cũng cam kết các khoản hỗ trợ trị giá 26,7 triệu USD giúp Việt Nam ứng phó dịch ngay từ khi Covid-19 bùng phát.

Mỹ đã cung cấp hơn 175 triệu liều vaccine Covid-19 cho hơn 100 nước trên thế giới và cam kết tiếp tục trao tặng vaccine trên toàn cầu khi có thêm nguồn cung.

Theo dữ liệu Nhà Trắng công bố hồi tháng 8, Việt Nam là một trong 10 quốc gia nhận nhiều vaccine nhất từ Mỹ. Quan hệ Việt - Mỹ đang trên đà phát triển tích cực những năm qua, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, an ninh hàng hải và hợp tác ứng phó Covid-19.

Hà Nội cho bán hàng ăn tại chỗ, taxi hoạt động trở lại từ 6h ngày 14/10

Từ 6h ngày 14/10, thành phố Hà Nội khôi phục hàng loạt hoạt động kinh doanh, dịch vụ, gồm ăn uống tại chỗ, mở cửa công viên, khách sạn và vận tải công cộng.

Hà Nội cho bán hàng ăn tại chỗ, taxi hoạt động trở lại từ 6h ngày 14/10

Hà Nội cho bán hàng ăn tại chỗ, taxi hoạt động trở lại từ 6h ngày 14/10

Công điện triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành chiều 13/10.

Theo đó, các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động bình thường từ sáng mai. Thành phố yêu cầu các đơn vị thường xuyên tự đánh giá nguy cơ, thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; khuyến khích làm việc trực tuyến.

Xe buýt, xe taxi được hoạt động theo công suất và hướng tuyến do Sở Giao thông vận tải hướng dẫn. Các bảo tàng, công viên mở cửa đón khách trở lại với số lượng không quá 10 người mỗi đoàn, đảm bảo khoảng cách, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch.

Khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú hoạt động trở lại không quá 50% công suất, đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh lưu trú và các biện pháp phòng, chống dịch.

Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn. Chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vacine phòng Covid-19; yêu cầu khách hàng quét mã QR.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ hướng dẫn, tổ chức hoạt động các loại hình giao thông hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy.

Sân bay Nội Bài dùng 2.000 camera để truy vết F0

Trung tâm điều hành tập trung của sân bay sẽ sử dụng dữ liệu từ camera và thông tin từ hãng hàng không để truy vết nếu có ca F0.

Sân bay Nội Bài dùng 2.000 camera để truy vết F0

Sân bay Nội Bài dùng 2.000 camera để truy vết F0

Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài Tô Tử Hà cho biết, đơn vị sẽ phối hợp với các hãng hàng không và các sân bay khác để lấy dữ liệu về hành khách khi phát hiện ca nhiễm Covid-19. Từ đó, hệ thống 2.000 camera được trang bị khắp sân bay sẽ truy vết theo hành khách, người có tiếp xúc gần và đi cùng chuyến bay.

Hệ thống camera rất hiện đại, có thể zoom cận cảnh, theo dõi quá trình di chuyển của hành khách cũng như biển số xe để sẵn sàng truy vết. Dữ liệu hình ảnh được quan sát tại phòng điều hành duy nhất, cũng như sự kết hợp chặt chẽ với các sân bay khác, giúp quá trình kiểm tra nhanh hơn.

Sân bay Nội Bài cũng lắp đặt các máy đo thân nhiệt tự động ở tất cả các cửa ra, vào kết hợp cùng nhân viên an ninh. Khi phát hiện người có thân nhiệt cao bất thường, hệ thống sẽ đưa ra cảnh báo, không cho làm thủ tục và sẽ được nhân viên an ninh, y tế xử lý theo quy trình phòng chống dịch.

Ông Hà cho biết thêm, ngoài đo thân nhiệt, hệ thống còn phát hiện người không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng quy định. Máy sẽ phát âm cảnh báo nhắc nhở bằng tiếng Việt. Ngoài ra, hệ thống loa cũng sẽ phát cảnh báo, nhắc nhở hành khách tuân thủ quy định phòng chống dịch.

Từ ngày 10/10, ngành hàng không bắt đầu khai thác thí điểm 19 đường bay nội địa chở khách đến hết 20/10.

Hiện có 46/234 chợ truyền thống tại TP.HCM đã hoạt động trở lại

Hiện có 46/234 chợ truyền thống đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch Covid-19 mở cửa trở lại. Dự kiến đến ngày 15/10, TP.HCM sẽ có 69 chợ được hoạt động.

Hiện có 46/234 chợ truyền thống tại TP.HCM đã hoạt động trở lại

Hiện có 46/234 chợ truyền thống tại TP.HCM đã hoạt động trở lại

Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, 46 chợ truyền thống đang hoạt động trở lại chủ yếu tập trung ở TP. Thủ Đức, Quận 1, 5, 10, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, huyện Cần Giờ, Củ Chi.

Trong đó có 8 chợ hạng 1 (Bến Thành, Tân Định, Hòa Bình, An Đông...); 7 chợ hạng 2 (Nguyễn Tri Phương, Bình Thới, An Lạc...) và 16 chợ hạng 3 (An Bình, Thạnh Mỹ Lợi, Xã Tây, Phú Thọ...).

Như vậy các địa phương đang đóng toàn bộ các chợ trên địa bàn gồm: Quận 3, 4, 6, 7, 8, Gò Vấp, Phú Nhuận, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè. Dự kiến đến ngày 15/10, TP.HCM sẽ mở lại thêm 23 chợ.

Các chợ dự kiến mở gồm: Chợ Bình Khánh (TP. Thủ Đức); Dân Sinh, Thái Bình, (Quận 1); Bàn Cờ, Nguyễn Văn Trỗi, Vườn Chuối (Quận 3); Phùng Hưng, Tân Thành, Đồng Khánh (Quận 5); Tân Mỹ (quận 7); Rạch Ông, Phạm Thế Hiển, Nhị Thiên Đường, Xóm Củi (Quận 8); Bình Hưng Hòa, Da Sà (Cây Da Sà), Khu phố 2, Bình Long, Kiến Đức (quận Bình Tân); Phú Nhuận, Trần Hữu Trang, Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận); Phước Lộc (huyện Nhà Bè).

Ứng dụng của Bộ Công an có thể kiểm tra người được hỗ trợ do Covid-19

Ứng dụng VNEID giúp kiểm tra mỗi cá nhân có thuộc diện hỗ trợ chính sách hay không, đã được chi trả chưa và bằng hình thức nào.

Thông tin hiển thị trên phần mềm

Thông tin hiển thị trên phần mềm

Bộ Công an cho biết, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) đã triển khai tiện ích quản lý công dân diện chính sách hỗ trợ Covid-19 tại 63/63 tỉnh, thành phố.

Hệ thống đã cập nhập thông tin của hơn 1,2 triệu trường hợp thuộc diện hỗ trợ khó khăn do Covid-19 theo Nghị quyết 68/NĐ-CP của Chính phủ. Trong số này, trên 1,1 triệu người đã được hỗ trợ.

Theo Bộ Công an, Nghị quyết 68 là chính sách quan trọng và được cộng đồng doanh nghiệp, xã hội kỳ vọng. Tuy nhiên, hình thức triển khai hỗ trợ chính sách này gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hiệu quả do giãn cách xã hội và vướng mắc thủ tục thực hiện.

Với sự vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 1/7, ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu dân cư, hệ thống bigdata vào công tác hỗ trợ chính sách của Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo công an cấp xã, cảnh sát khu vực phối hợp chính quyền địa phương cập nhật danh sách thuộc diện hưởng hỗ trợ.

Đến nay, phần mềm đã ghi nhận được đối tượng có thuộc diện hỗ trợ hay không, đã chi trả chưa, địa điểm chi trả tiền hỗ trợ và hình thức nhận trực tiếp hay chuyển khoản. Việc này làm đơn giản thủ tục hành chính, chi trả đúng người đảm bảo khách quan, minh bạch và tiết kiệm.

Bộ Công an đang tiếp tục cập nhật ứng dụng VNEID để bổ sung các chức năng: kiểm tra cá nhân có thuộc diện hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68; đọc mã QR trên căn cước công dân gắn chip để xác định diện hưởng hỗ trợ. Cán bộ chính sách và người dân tra cứu được ngay, không cần đầu tư hoặc thêm chi phí nào.

Bắt đầu rút quân bộ đội tăng cường cho TP.HCM hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 13/10

Từ ngày 13 - 15/10, các đơn vị do Bộ Quốc phòng cử đến TP.HCM hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 sẽ rút quân, trở về đơn vị.

Bộ đội hỗ trợ TP.HCM phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Bộ đội hỗ trợ TP.HCM phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Theo tin từ Bộ Tư lệnh TP.HCM, từ ngày 13/10, các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 ở TP.HCM bắt đầu rút quân khỏi các quận, huyện.

Theo kế hoạch, lực lượng quân đội sẽ rút quân từ ngày 13/10 đến hết ngày 15/10. TP.HCM sẽ tổ chức lễ tiễn cũng như cảm ơn các đơn vị hỗ trợ thành phố phòng, chống dịch Covid-19 suốt thời gian qua.

Trước đó, UBND TP.HCM đề xuất điều chỉnh, sử dụng lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Cụ thể, TP.HCM đề xuất rút quân theo 3 đợt đối với lực lượng do Bộ Quốc phòng và quân khu cử đến Thành phố. Đối với 1.656 cán bộ - chiến sĩ làm nhiệm vụ tại 531 trạm/tổ y tế lưu động, Thành phố đề xuất tiếp tục hỗ trợ địa phương đến hết tháng 11/2021.

Chuyên đề