Bản tin thời sự sáng 14/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM không bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2022; Viện kiểm sát đề nghị hủy án ly hôn của vợ chồng Trung Nguyên; đường băng 1A Nội Bài hoàn thành nâng cấp trước Tết Nguyên đán 2022; khai mạc chợ hoa xuân trên bến dưới thuyền vào ngày 17/1; đề xuất 5 phương án vị trí xây cầu Cát Lái…

TP.HCM không bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2022

TP.HCM không bắn pháo hoa đêm giao thừa mừng Tết Nguyên đán 2022, các hoạt động mừng xuân khác vẫn tổ chức bình thường.

TP.HCM sẽ không bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2022

TP.HCM sẽ không bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2022

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Võ Trọng Nam cho biết thông tin trên. Bắn pháo hoa là hoạt động thường xuyên vào dịp lễ lớn (30/4 và 2/9), Tết Dương lịch và Nguyên đán tại TP.HCM phục vụ người dân và du khách. Đây là lần thứ hai sau nhiều năm đô thị lớn nhất nước không bắn pháo hoa đêm giao thừa. Năm ngoái, Thành phố không bắn pháo hoa đêm giao thừa để phòng, chống dịch. Tết Dương lịch mới đây, Thành phố cũng không tổ chức bắn.

Tuy nhiên, theo ông Nam, nhiều hoạt động khác vẫn diễn ra như triển lãm mừng xuân; gặp mặt kiều bào; hội hoa xuân, chợ hoa Tết; lễ dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh; lễ hội đường sách; đường hoa Nguyễn Huệ; gặp mặt truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; sân khấu hóa kỷ niệm 233 năm chiến thắng Đống Đa...

Thành phố tiếp tục tổ chức trang trí ánh sáng nghệ thuật đường phố trên các tuyến đường: Nam Kỳ Khởi Nghĩa; Đồng Khởi; Lê Duẩn; Nguyễn Huệ; Võ Thị Sáu; Lê Lợi. Ông Nam cho biết, khoảng một tuần nữa, việc trang trí trên các tuyến đường này hoàn thiện.

Năm nay, nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nghệ An, Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang... không bắn pháo hoa đêm giao thừa.

Viện kiểm sát đề nghị hủy án ly hôn của vợ chồng Trung Nguyên

Quyết định giám đốc thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo bị Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị hủy, xét xử lại từ đầu do có nhận định không phù hợp.

Viện kiểm sát đề nghị hủy án ly hôn của vợ chồng Trung Nguyên

Viện kiểm sát đề nghị hủy án ly hôn của vợ chồng Trung Nguyên

Kiến nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao tại vụ Tranh chấp hôn nhân gia đình giữa ông Vũ và bà Thảo vừa được ban hành.

Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng các bản án trên có nhiều sai sót. Cấp sơ thẩm dùng chứng thư và báo cáo định giá tài sản doanh nghiệp hết hạn làm cơ sở chia tài sản là sai.

Kết quả thẩm định giá chỉ dựa trên báo cáo tài chính, danh mục tài sản phía ông Vũ đưa ra, không được phía bà Thảo xác nhận nên cần định giá lại. Cấp phúc thẩm đã bỏ qua việc này.

Kiến nghị thể hiện, bà Thảo là doanh nhân, có yêu cầu được chia cổ phần và vốn góp nhưng tòa án các cấp lại chia cho bà tiền, để ông Vũ nắm toàn bộ cổ phần là vi phạm quyền được kinh doanh của bà Thảo. Quyết định giám đốc thẩm buộc bà Thảo chấm dứt hoạt động kinh doanh bình thường là không phù hợp quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng nam nữ...

Việc nhận định nếu để bà Thảo tiếp tục là cổ đông quản lý, hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên sẽ khó khăn, ảnh hưởng sự ổn định và việc làm cho hàng nghìn công nhân bị VKSND Tối cao cho rằng không có cơ sở.

Kiến nghị còn nêu, bà Thảo ngoài nội trợ còn trực tiếp kinh doanh, góp phần tạo tài sản chung vợ chồng, sự phát triển của Tập đoàn Trung Nguyên. Trong mâu thuẫn ly hôn, tòa án các cấp không xem xét đầy đủ trách nhiệm của ông Vũ trong thực hiện nghĩa vụ của người chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình.

Do đó, cần tăng tỷ lệ % tài sản bà Thảo được chia, thay vì chỉ nhận 40% còn ông Vũ hưởng 60% như hiện nay.

Từ phân tích trên, Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hủy quyết định giám đốc thẩm cùng 2 bản án sơ, phúc thẩm trong vụ về phần chia tài sản chung, giao TAND TP.HCM xử lại.

Đường băng 1A Nội Bài hoàn thành nâng cấp trước Tết Nguyên đán 2022

Đường băng 11L/29R (1A) và các đường lăn tại sân bay Nội Bài dự kiến khai thác từ ngày 27/1.

Đường băng 1A Nội Bài hoàn thành nâng cấp trước Tết Nguyên đán 2022

Đường băng 1A Nội Bài hoàn thành nâng cấp trước Tết Nguyên đán 2022

Theo ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, đường băng 1A và các đường lăn S1, S2, S3, S3A, S5, S5A, S7 đã cơ bản hoàn thành. Nhà thầu đã lắp đặt thiết bị đèn hiệu, biển báo. Các đơn vị thi công đang hoàn thiện các hạng mục như dải bảo hiểm, vệ sinh bề mặt.

Công tác bay hiệu chuẩn kiểm tra đường băng và các hạng mục sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ 15/1.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Nguyễn Bách Tùng cho biết, cơ quan này đã kiểm tra hiện trường và yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long khắc phục các tồn tại để nghiệm thu, là cơ sở đưa đường băng vào sử dụng.

Cục Hàng không Việt Nam sẽ kiểm tra công tác nghiệm thu, cấp phép đưa vào khai thác trước 25/1 để đường băng 1A và các đường lăn khai thác từ 27/1.

Từ tháng 9/2021, đường băng 11R/29L (1B) đã hoàn thành sửa chữa, nâng cấp theo giai đoạn 1. Thời gian tới, đường băng 1A và các đường lăn hoàn thành, khai thác đồng bộ sẽ giúp các chuyến bay tại Nội Bài khai thác an toàn hơn và tăng tần suất.

Dự án cải tạo đường băng sân bay Nội Bài có tổng mức đầu tư 2.030 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn, bắt đầu từ tháng 7/2020, hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2022.

Khai mạc chợ hoa xuân trên bến dưới thuyền vào ngày 17/1

Chợ hoa xuân "Trên bến dưới thuyền" tại Bến Bình Đông, Quận 8 (TP.HCM) được tổ chức từ ngày 17 - 31/1 (15 - 29 tháng Chạp) với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Chợ hoa xuân "Trên bến dưới thuyền" tại Bến Bình Đông, Quận 8 (TP.HCM) được tổ chức từ ngày 17 đến 31/1

Chợ hoa xuân "Trên bến dưới thuyền" tại Bến Bình Đông, Quận 8 (TP.HCM) được tổ chức từ ngày 17 đến 31/1

Nội dung đề cập trong tờ trình do Sở Văn hóa và Thể thao vừa gửi UBND TP.HCM về kế hoạch tổ chức chợ hoa xuân Tết 2022. Chợ sẽ được tổ chức trên lề kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, ven đường Bến Bình Đông (từ đường Đình Hòa đến Nguyễn Chế Nghĩa) và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên đường Nguyễn Văn Của, Quận 8.

Chương trình sẽ có các tiết mục biểu diễn lân sư rồng, các loại hình nghệ thuật truyền thống trên 4 ghe bầu dọc kênh Tàu Hủ; thả đèn hoa sen, trang trí các tiểu cảnh trên đường Bến Bình Đông; tiểu cảnh phố ông đồ; trang trí đèn nghệ thuật; gian hàng ẩm thực; các hội thi thuyền hoa, nhà hoa, gói và trưng bày bánh tét...

Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố đề xuất 3 phương án tổ chức chợ hoa theo diễn biến tình hình Covid-19 tại TP.HCM. Chợ hoa diễn ra bình thường nếu nguy cơ dịch ở cấp độ 1; ở cấp độ 2, 3 và 4 sẽ cắt giảm lần lượt 25%, 50% và 75% các hoạt động, tiết mục của chương trình.

Chợ hoa tại khu vực Bến Bình Đông được duy trì từ sau năm 1975. Đến năm 2012, UBND Quận 8 triển khai thành chuỗi hoạt động hội hoa xuân. Từ năm 2021, chợ hoa được đưa vào chuỗi các sự kiện văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu của TP.HCM nhằm giữ gìn, phát huy nét văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc.

Đề xuất 5 phương án vị trí xây cầu Cát Lái

Nhà tư vấn đưa ra 5 phương án vị trí xây cầu Cát Lái, tổng vốn đầu tư hơn 7.200 tỷ đồng, nhưng Đồng Nai và TP.HCM chưa quyết định.

5 phương án về vị trí cầu Cát Lái

5 phương án về vị trí cầu Cát Lái

Dự án cầu Cát Lái nối TP.HCM và Đồng Nai được quy hoạch 20 năm qua, tương lai thay cho phà Cát Lái đang quá tải. Cách đây 6 năm, Thủ tướng đồng ý xây cầu, giao Đồng Nai chủ trì, lên các phương án gửi TP.HCM xem xét, thống nhất thực hiện. Cầu có thiết kế dây văng hai trục tháp, dài 650 m, rộng hơn 37 m, 6 làn ôtô và 3 làn xe thô sơ, lề đi bộ mỗi bên 1,5 m...

Trong 5 phương án Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) đưa ra, phương án một cầu có điểm đầu tại cuối nút giao Mỹ Thủy trên đường Nguyễn Thị Định (TP. Thủ Đức). Tuyến đi trùng với đường Nguyễn Thị Định tới bến phà Cát Lái, vượt sông Đồng Nai sang phía huyện Nhơn Trạch. Theo phương án này, chiều dài toàn tuyến khoảng 11,7 km.

Phương án hai, điểm đầu dự án tại đường ven sông Sài Gòn, đi dọc theo trục đường quy hoạch của khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi B và cắt đường Võ Chí Công tại cầu Kỳ Hà 3 và 4. Sau đó, tuyến dọc theo hành lang xanh của rạch Ngọn Ngay và vượt sông Đồng Nai sang huyện Nhơn Trạch. Chiều dài toàn tuyến hơn 10,6 km.

Đối với phương án ba, điểm đầu tuyến nằm trên đường vành đai 2, cách cầu Ba Cua khoảng 300 m. Tuyến đi thẳng vào khu vực cổng C của cảng Cát Lái và vượt sông Đồng Nai sang xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch. Toàn tuyến dài 12,4 km.

Ở phương án bốn, điểm đầu dự án nằm trên đường trục Bắc - Nam, cách Rạch Đĩa khoảng 2,4 km trên địa bàn huyện Nhà Bè và Quận 7. Tuyến đi về phía Đông, vượt qua rạch Tắc Bà Phổ, cắt đường Nguyễn Lương Bằng, đường Huỳnh Tấn Phát rồi vượt sông Đồng Nai sang huyện Nhơn Trạch. Theo phương án này, tuyến dài hơn 13,7 km.

Phương án cuối cùng, điểm đầu tuyến nằm trên đường trục Bắc - Nam, cách Rạch Đĩa khoảng 4 km trên địa bàn huyện Nhà Bè và Quận 7. Tuyến đi về phía Đông, theo trục đường quy hoạch Kho B đi qua Tổng kho xăng dầu Nhà Bè và vượt sông Đồng Nai sang huyện Nhơn Trạch. Chiều dài toàn tuyến gần 13 km.

Vietnam Airlines khôi phục dịch vụ ăn uống trên chuyến bay từ ngày 15/1

Theo Vietnam Airlines thông tin, hãng này sẽ phục vụ trở lại dịch vụ ăn uống trên chuyến bay sau thời gian dài hạn chế để phòng, chống dịch từ ngày 15/1 tới đây.

Máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines cất và hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất

Máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines cất và hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất

Đối với chuyến bay nội địa, Vietnam Airlines sẽ khôi phục gần như toàn bộ dịch vụ ẩm thực trên không cho hành khách khoang hạng thương gia.

Hành khách bay nội địa hạng phổ thông cũng sẽ được phục vụ các món ăn và thức uống đa dạng hơn so với trước đây.

Cụ thể, Vietnam Airlines sẽ cung cấp trở lại suất ăn nóng như cơm, mỳ kèm món tráng miệng vào bữa trưa và tối cho hành khách bay giữa Hà Nội và TP.HCM. Đối với các chuyến bay còn lại, hành khách được phục vụ bánh nóng, bánh mỳ Việt Nam hoặc bánh mỳ tươi đóng gói và có thể kèm món tráng miệng tùy vào hành trình bay...

Đối với các chuyến bay quốc tế trên 1 tiếng 15 phút, hành khách hạng thương gia sẽ được phục vụ suất ăn nóng kèm đồ uống, hành khách hạng phổ thông được phục vụ suất ăn nóng hoặc đồ ăn đóng gói kèm đồ uống. Các chuyến bay còn lại hành khách sẽ được phục vụ đồ uống.

Theo đại diện Vietnam Airlines, các dịch vụ được khôi phục để mang đến cho hành khách trải nghiệm trọn vẹn hơn trong điều kiện thích ứng an toàn và phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện nay của Việt Nam.

Thu hồi đề xuất có bằng lái ôtô dưới một năm không chạy trên cao tốc

Đánh giá chưa chặt chẽ, Sở Giao thông vận tải thu hồi nội dung góp ý người có bằng lái ôtô trong một năm không lái xe quá 60 km/h, không chạy trên cao tốc, chiều 13/1.

Ô tô chạy trên cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây

Ô tô chạy trên cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa thu hồi nội dung góp ý sau gần một tháng có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải góp ý sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2017 và 38/2019 về quy định đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Sở Giao thông vận tải Thành phố cho biết, quá trình nghiên cứu góp ý, sửa đổi các thông tư, cơ quan này tham khảo kinh nghiệm một số nước. Tuy nhiên, sở hiện nhận thấy việc tham khảo, đánh giá chưa đầy đủ, chặt chẽ nên xin thu hồi.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đang khẩn trương nghiên cứu hoàn chỉnh các nội dung góp ý và gửi về Bộ Giao thông vận tải trong thời gian sớm nhất nhằm sửa đổi các thông tư.

Liên quan đề xuất trên của Sở Giao thông vận tải, giám đốc một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe tại Quận 12 (TP.HCM) đánh giá có phần cảm tính. Mục đích của đề xuất nhằm hạn chế tai nạn, được hiểu người mới có bằng lái trong một năm chưa nhiều kinh nghiệm so với những người được cấp bằng lâu hơn là chưa đủ cơ sở. Bởi nhiều trường hợp có đã có giấy phép lái xe nhiều năm nhưng ít lái ôtô, hoặc hiếm khi đi đường cao tốc nên chưa đủ cơ sở để nói có kinh nghiệm nhiều hơn người nhận bằng một năm.

TP.HCM là địa phương có nhiều cơ sở đào tạo và sát hạch nhất cả nước. Hiện, Thành phố quản lý 79 cơ sở dạy lái, 25 trung tâm sát hạch cùng hơn 11,3 triệu giấy phép lái xe các hạng.

Bình Định đề nghị sửa 3 đường sạt lở do mưa lũ

Các tuyến Quốc lộ 1, 1D, 19 bị sạt lở, ngập do mưa lũ năm trước nên tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Giao thông vận tải có phương án khắc phục.

Quốc lộ 1D qua phường Ghềnh Ráng sạt lở tháng 11/2021

Quốc lộ 1D qua phường Ghềnh Ráng sạt lở tháng 11/2021

UBND Bình Định vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục đường bộ, Cục Quản lý đường bộ 3 về ba tuyến đường huyết mạch của Tỉnh. Những hư hỏng, xuống cấp trên các tuyến này xảy ra ở các đợt mưa lớn tháng 11/2021, ảnh hưởng đời sống, đi lại của người dân, nguy cơ tái diễn khi mưa lớn nếu không khắc phục kịp thời.

Cụ thể, tuyến tránh Quốc lộ 1 qua phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, bị ngập sâu 0,5 - 1 m trên chiều dài hơn một km. Cống không đảm bảo thoát nước.

Nút giao ngã tư Quốc lộ 1 với đường 19, thuộc phường Trần Quang Diệu, TP. Quy Nhơn bị ngập 10 - 20 cm. Trên quốc lộ 19, mưa lớn gây ngập 40 - 50 cm ở một số đoạn cầu Đen, cầu Trắng 2. Cống không đảm bảo thoát lũ.

Quốc lộ 1D qua phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn, bị đất đá, cây cối sạt lở từ taluy dương, vùi lấp nền đường, tràn qua đường gây ách tắc giao thông. Cục Quản lý đường bộ 3 đã chỉ đạo dọn đất đá, cây cối, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, gây nguy hiểm cho người và xe.

UBND Bình Định đề nghị bộ chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, khảo sát để có phương án xử lý triệt tình trạng trên, nạo vét hệ thống thoát nước...

Tháng 11/2021, mưa lớn ở miền Trung đã làm nhiều đoạn đường hư hỏng. Quốc lộ 1 từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa nhiều chỗ xuống cấp, xuất hiện hàng loạt ổ gà, được các đơn vị tạm thời khắc phục, sửa chữa.

Chuyên đề