Bản tin thời sự sáng 13/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Cục Hàng không đề xuất tăng trần vé máy bay; "đất vàng" Đồng Nai giao cho doanh nghiệp không qua đấu giá; chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6%; sẽ có tour du lịch TP.HCM bằng trực thăng; mỗi lít xăng giảm hơn 800 đồng…

Cục Hàng không đề xuất tăng trần vé máy bay

Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất mức trần tối đa giá vé là 4 triệu đồng cho đường bay 1.280 km trở lên.

Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất tăng mức trần giá vé

Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất tăng mức trần giá vé

Cục Hàng không Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh mức giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa, tăng trung bình 3,7% so với khung giá hiện hành.

Cụ thể, đường bay 500 - 850 km tăng giá trần từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng (tăng 2,2%). Cự ly 850 - 1.000 km tăng từ 2,79 triệu đồng lên 2,89 triệu đồng (tăng 3,5%). Đường bay 1.000 - 1.280 km tăng từ 3,2 triệu đồng lên 3,4 triệu đồng (tăng 6,2%). Cự ly 1.280 km trở lên tăng từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng (tăng 6,6%).

Theo Cục Hàng không, việc điều chỉnh khung giá vé máy bay do giá nhiên liệu tăng đột biến từ đầu năm 2022. Cuối tháng 3, khi đà tăng của giá dầu thô có dấu hiệu chững lại thì giá Jet A1 vẫn tiếp tục tăng cao.

Hiện nay, giá trần vé máy bay được áp dụng từ năm 2015. Tháng 9/2015, giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á giảm từ 84,5 USD/thùng xuống còn 61,6 USD/thùng. Cục Hàng không Việt Nam đã điều chỉnh giảm trần giá vé máy bay khoảng 3,5%.

Tháng 3 vừa qua, Vietnam Airlines cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tăng giá trần vé máy bay và phụ thu nguyên liệu cho chặng nội địa.

"Đất vàng" Đồng Nai giao cho doanh nghiệp không qua đấu giá

UBND tỉnh Đồng Nai đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang công an để điều tra sai phạm trong việc giao gần 2,3 ha "đất vàng" ở Biên Hòa cho chủ đầu tư không qua đấu giá.

Khu dân cư Bình Đa mặt tiền đường Vũ Hồng Phô được xem là "đất vàng" của TP. Biên Hòa

Khu dân cư Bình Đa mặt tiền đường Vũ Hồng Phô được xem là "đất vàng" của TP. Biên Hòa

Động thái này được UBND tỉnh Đồng Nai đưa ra sau khi có kết luận thanh tra về trách nhiệm của ông Võ Văn Chánh, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai (hiện là Bí thư Thành ủy Biên Hòa) và nhiều cá nhân, tổ chức liên quan đến việc giao 22.977 m2 (gần 2,3 ha) đất trên đường Vũ Hồng Phô cho doanh nghiệp không qua đấu giá, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Kết luận thanh tra trước đó xác định, hành vi sai phạm của các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu của hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai, cần chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Đồng Nai xử lý theo quy định.

Khu đất này ở trung tâm TP. Biên Hòa, UBND tỉnh Đồng Nai cho Công ty liên doanh chế biến lâm sản Bihimex - Young Linh Bình Đa thuê. Năm 2012 hết hạn thuê, UBND Tỉnh thu hồi khu đất, giao cho Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) thuê với mục đích xây dựng Dự án Khu dân cư Bình Đa...

Thay vì giao lại quỹ đất này cho Trung tâm Phát triển qũy đất Tỉnh quản lý, đưa ra đấu giá, UBND tỉnh này lại cho Dofico thuê. Sau đó, công ty này đã dùng khu đất trên góp vốn với hai cá nhân khác thành lập Công ty CP Phát triển nhà Bình Đa (Bidaco) để thực hiện Dự án Khu dân cư Bình Đa.

Theo cơ quan thanh tra, quá trình triển khai thực hiện Dự án Khu dân cư Bình Đa, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định chủ trương đầu tư không đúng quy định; UBND TP. Biên Hòa vi phạm trong thỏa thuận địa điểm; còn Dofico đã có nhiều sai phạm trong thuê đất, gia hạn thuê đất, góp vốn thành lập Bidaco. Điều này dẫn đến UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định thu hồi 22.977 m2 đất do Dofico quản lý giao cho Bidaco thực hiện Dự án Khu dân cư Bình Đa không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là vi phạm Luật Đất đai 2013 và có dấu hiệu tội phạm vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6%

Hội đồng Tiền lương quốc gia đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ở mức 6% từ ngày 1/7.

Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7

Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7

Sáng 12/4, với đa số phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương quốc gia đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét. Đây là phương án duy nhất được Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra để bỏ phiếu kín.

Trước đó, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, đơn vị sẽ đưa ra thương lượng và đặt kỳ vọng lương tối thiểu vùng tăng ở mức 7 - 8% từ ngày 1/7.

Theo ông Hiểu, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hai năm nay, Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng khiến các doanh nghiệp không có sự điều chỉnh tiền lương cho người lao động. Lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu gần nhất là 1/1/2020 với mức ở vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu đồng; vùng III 3,42 triệu đồng và vùng IV 3,07 triệu đồng.

Nói thêm về lý do đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, cả nước đang chuyển sang giai đoạn phục hồi, phát triển, trong khi người lao động vẫn đang rất khó khăn vì cả dịch bệnh và bão giá.

Do đó, việc tăng lương tối thiểu vùng trong thời điểm này vừa để hỗ trợ giúp người lao động vượt qua khó khăn, vừa là động lực để tăng năng suất lao động, giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển mạnh.

Sẽ có tour du lịch TP.HCM bằng trực thăng

Tour dự kiến kéo dài từ 30 đến 60 phút, ngắm trung tâm thành phố, huyện Cần Giờ và địa phận tỉnh Long An từ trên cao.

TP.HCM xây dựng ản phẩm du lịch "Ngắm TP.HCM từ trên cao" bằng máy bay trực thăng EC-255

TP.HCM xây dựng ản phẩm du lịch "Ngắm TP.HCM từ trên cao" bằng máy bay trực thăng EC-255

Sở Du lịch TP.HCM phối hợp các ban ngành, Công ty Trực thăng miền Nam và các doanh nghiệp lữ hành, bay khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch "Ngắm TP.HCM từ trên cao" bằng máy bay trực thăng EC-255 với chuyến bay tầm ngắn và tầm trung.

Chuyến bay tầm ngắn có thời gian dự kiến từ 30 - 45 phút, gồm hai lộ trình: ngắm trung tâm TP.HCM và trung tâm TP.HCM kết hợp Cần Giờ. Chuyến bay tầm trung có thời gian khoảng 60 phút với lộ trình bay kết nối TP.HCM và Long An theo tuyến: trung tâm TP.HCM - Khu du lịch Cánh đồng bất tận (Long An) hoặc Cần Giờ (TP.HCM) - Khu du lịch Cánh đồng bất tận (Long An).

Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, “Ngắm TP.HCM từ trên cao" là sản phẩm lần đầu ra mắt tại Thành phố, dự kiến đưa vào khai thác nhân kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4 tới.

Trong sản phẩm "Ngắm TP.HCM từ trên cao", Sở Du lịch giữ vai trò kết nối các doanh nghiệp du lịch để xây dựng tuyến phù hợp. Bệnh viện Quân y 175 hỗ trợ sân đỗ trực thăng và an toàn y tế cho hành khách. Công ty Trực thăng miền Nam chịu trách nhiệm về lịch trình, an toàn và các quy định bay theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Mỗi lít xăng giảm hơn 800 đồng

Từ 15h ngày 12/4, mỗi lít xăng giảm 830 - 840 đồng; dầu hoả, diesel hạ 700 - 740 đồng.

Theo Liên Bộ Công Thương - Tài chính, với việc điều chỉnh này, giá xăng E5 RON 92 giảm về 26.470 đồng, xăng RON 95 là 27.310 đồng. Đây là đợt giảm giá thứ 3 liên tiếp từ cuối tháng 3 đến nay.

Giá các mặt hàng dầu cũng giảm, như dầu diesel hạ 700 đồng mỗi lít, về còn 24.380 đồng. Dầu hoả giảm 740 đồng, về 23.030 đồng một lít. Riêng dầu madut giữ nguyên giá.

Lần này, cơ quan điều hành tiếp tục dừng xả Quỹ bình ổn, trừ mặt hàng dầu madut mức chi quỹ là 481 đồng một kg. Cùng đó, mức trích Quỹ bình ổn với mặt hàng xăng tăng so với các kỳ trước. Cụ thể, mức trích vào Quỹ bình ổn xăng dầu là 550 đồng một lít xăng E5 RON 92 (kỳ trước là 0 đồng); xăng RON 95 là 650 đồng. Mức trích vào Quỹ bình ổn với dầu hoả là 350 đồng một lít (giảm 150 đồng so với kỳ trước), dầu diesel là 500 đồng. Kỳ này tiếp tục không trích Quỹ bình ổn với dầu hoả, dầu madut.

Hà Nội công bố quy hoạch bến xe

Bốn bến xe liên tỉnh nằm trong Vành đai 3 gồm Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm tiếp tục được khai thác, theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Bến xe nước ngầm nằm ở ngã ba đường Giải Phóng - Pháp Vân

Bến xe nước ngầm nằm ở ngã ba đường Giải Phóng - Pháp Vân

UBND TP. Hà Nội vừa công bố Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, 4 bến xe nằm trong Vành đai 3 tiếp tục được khai thác, về lâu dài sẽ được thay thế.

Các bến xe khách liên tỉnh mới được thành phố bố trí trên trục hướng tâm tại cửa ngõ giao với Vành đai 4, theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.

Cụ thể, bến phía Bắc sẽ được xây tại khu vực giao giữa đường Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hạ Long với đường Võ Văn Kiệt, huyện Sóc Sơn, diện tích 5 - 7 ha.

Bến Đông Anh tại khu vực giao giữa Quốc lộ 3 với đường Vành đai 3 Bắc sông Hồng, huyện Đông Anh, diện tích 5,3 ha.

Bến phía Đông Bắc (Cổ Bi) xây tại khu vực giao giữa Quốc lộ 1A với Quốc lộ 5, huyện Gia Lâm, diện tích hơn 10 ha.

Bến phía Nam tại hai khu vực là Duyên Thái nằm giữa Quốc lộ 1A cũ với đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (huyện Thường Tín) và khu vực Ngọc Hồi nằm phía Nam Khu công nghiệp Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì), tổng diện tích 11 ha.

Bến Yên Nghĩa (hiện có) rộng khoảng 7 ha. Bến phía Tây tại nút giao đường Vành đai 4 với đại lộ Thăng Long (huyện Hoài Đức), diện tích khoảng 5 - 7 ha. Bến Phùng tại khu vực giao giữa đường Vành đai 4 với Quốc lộ 32 (huyện Đan Phượng), diện tích khoảng 8 - 10 ha.

Trong đô thị trung tâm, 8 bến xe tải được quy hoạch gồm: Bến xe tải phía Bắc 15 ha; bến xe tải phía Đông Bắc (Phủ Lỗ) 10 ha; bến xe tải Yên Viên - Yên Thường 20 ha, có kết hợp với Trung tâm tiếp vận Đông Bắc 10 ha, tạo thành trung tâm vận tải hàng hóa quy mô 30 ha; bến xe tải phía Đông (Cổ Bi) 10 ha; bến xe tải Khuyến Lương 7 ha; bến xe tải phía Nam 10 ha; bến xe tải phía Tây Nam (Hà Đông) 10 ha; bến xe tải Phùng 10 ha.

Chuyên đề