Bản tin thời sự sáng 11/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hơn 2 triệu liều vắc xin Moderna về đến Việt Nam; 4.088 ôtô được cấp thẻ ra vào TP.HCM phục vụ các nhu cầu thiết yếu; xét nghiệm nhanh Covid-19 tại sân bay Nội Bài; đề xuất siết hoạt động livestream, kiếm tiền trên Youtube, Facebook; 76.400 lao động của hơn 260 doanh nghiệp Bắc Giang sản xuất trở lại….

Hơn 2 triệu liều vắc xin Moderna về đến Việt Nam

Lô vắc xin Moderna đầu tiên đã về đến Việt Nam với 2.000.040 liều vào sáng 10/7. Đây là số vắc xin Covid-19 Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua cơ chế Covax. Trong đó một triệu liều được chuyển khẩn cấp cho TP.HCM.

Hơn 2 triệu liều vắc xin Moderna đã về đến Việt Nam

Hơn 2 triệu liều vắc xin Moderna đã về đến Việt Nam

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF), lô vắc xin này nằm trong số 80 triệu liều vắc xin mà Tổng thống Hoa Kỳ cam kết cung ứng từ nguồn vắc xin trong nước hồi tháng 5, trong đó gần 41 triệu liều được phân phối thông qua Cơ chế Covax.

Do nguồn cung vắc xin hạn chế trên toàn cầu, nên tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam còn ở mức thấp. Đến nay, mới có khoảng 4% dân số được tiêm vắc xin trong khi số ca lây nhiễm đang tăng mạnh trong một vài tuần qua.

Trong số hơn 2 triệu liều này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo chuyển khẩn cấp một triệu liều cho TP.HCM.

Vaccine Moderna, có tên khác là Spikevax, sử dụng công nghệ mRNA giống vaccine của Pfizer, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt ngày 30/4. Vaccine hiệu quả 90% ngăn ngừa được các ca nhiễm nCoV nghiêm trọng. Ưu điểm của nó là không cần bảo quản cực lạnh, giúp quá trình phân phối dễ dàng hơn. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, vaccine Moderna hiệu quả cao với biến thể Delta, nguồn gốc Ấn Độ.

Đây là lô vaccine Moderna đầu tiên về Việt Nam và là lô thứ 3 do cơ chế Covax cung ứng. Trước đó vào tháng 4 và tháng 5, Việt Nam đã nhận 2 lô vaccine AstraZeneca do Covax cung cấp, với tổng số khoảng 2,5 triệu liều.

4.088 ôtô được cấp thẻ ra vào TP.HCM phục vụ các nhu cầu thiết yếu

4.088 ôtô được cấp thẻ nhận diện ra vào TP.HCM để chở hàng hoá, chuyên gia, công nhân... phục vụ các nhu cầu thiết yếu khi Thành phố thực hiện Chỉ thị 16.

4.088 ôtô được cấp thẻ ra vào TP.HCM phục vụ các nhu cầu thiết yếu

4.088 ôtô được cấp thẻ ra vào TP.HCM phục vụ các nhu cầu thiết yếu

Thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM sáng 10/7, số xe của Sở Công Thương được cấp nhiều nhất với gần 1.700 ôtô, tiếp đến là Saigon Co.op (gần 600), cảng Calofi Hiệp Phước (gần 500), cảng Bến Nghé (432), Tổng công ty Tân cảng (275) cảng Bông Sen (244), Tân Thuận (203), Trường Thọ (123)...

Những ôtô được cấp thẻ sẽ theo lộ trình đăng ký, chạy qua 12 chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào Thành phố. Lực lượng chức năng thông qua mã QR trên giấy nhận diện, kết nối phần mềm của Sở Giao thông Vận tải nắm đầy đủ thông tin về phương tiện. Xe có thẻ được tạo điều kiện thuận lợi, tránh gây ùn tắc.

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM hướng dẫn các địa phương, đơn vị đăng ký xe ra vào trong 15 ngày Thành phố giãn cách xã hội. Những xe được ưu tiên cấp thẻ gồm: ôtô chở hàng thiết yếu, phục vụ sản xuất kinh doanh, vận chuyển hàng đến các cảng, khu công nghiệp; xe thuộc vùng Đông, Tây Nam bộ chở chuyên gia, công nhân; ôtô chở hàng quá cảnh qua TP.HCM.

Doanh nghiệp vận tải phải đảm bảo xe chạy đúng lộ trình, mục đích, thực hiện biện pháp phòng dịch. Tài xế, bốc xếp hàng phải được xét nghiệm SARS-CoV-2 và kết quả âm tính, đồng thời mang theo thẻ nhận diện cùng các giấy tờ liên quan...

TP.HCM là cửa ngõ giao thương giữa miền Đông, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên, nhất là lĩnh vực vận tải, hàng không, cảng biển... Do đó việc đảm bảo giao thông trong bối cảnh TP.HCM và nhiều địa phương xung quanh siết chặt ra vào để bảo đảm cung ứng hàng hóa không bị đứt mạch, ảnh hưởng sản xuất.

Xét nghiệm nhanh Covid-19 tại sân bay Nội Bài

Hành khách lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay

Hành khách lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay

Sáng 10/7, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bắt đầu phục vụ hành khách xét nghiệm nhanh Covid-19 tại quầy A28-A32 nhà ga hành khách T1. Nhiều khách đến lấy mẫu và có kết quả để đáp ứng điều kiện đi tàu bay trong thời điểm hiện nay. Chi phí dịch vụ xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế là 238.000 đồng mỗi lần, kết quả có sau 30 phút xét nghiệm.

Theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam, từ 9/7, tất cả hành khách trên các chuyến bay đến TP.HCM và ngược lại đều phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ.

Để phục vụ hành khách chưa có kết quả xét nghiệm, sân bay Nội Bài đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn lấy mẫu xét nghiệm phục vụ hành khách ngay tại sân bay từ 7h đến 17h hàng ngày. Đơn vị này lưu ý hành khách cần đến sân bay đủ thời gian để lấy mẫu.

Ngoài đến TP.HCM, hành khách đến một số sân bay khác như Cam Ranh, Rạch Giá, Phú Quốc, Liên Khương, Cần Thơ cũng phải có giấy xét nghiệm âm tính theo quy định của địa phương.

Đề xuất siết hoạt động livestream, kiếm tiền trên Youtube, Facebook

Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất chỉ các trang, tài khoản mạng xã hội đã đăng ký mới được livestream tạo doanh thu.

Các mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam

Các mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam

Đề xuất trên nằm trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Các loại hình báo chí không còn giữ vị trí độc tôn, người dùng dần chuyển sang các mạng xã hội như Facebook, Youtube, TikTok, Twitter, Instagram... để phục vụ nhu cầu giải trí, mua sắm...

Do đó, trong Dự thảo Nghị định, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Các cơ quan quản lý có quyền thực thi các biện pháp ngăn chặn trong trường hợp: cung cấp thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam, không hợp tác để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Với các trang web, ứng dụng cung cấp dịch vụ nội dung có từ 100.000 người truy cập thường xuyên 1 tháng phải thông báo, xác nhận thông báo hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông và phải phối hợp để xử lý thông tin vi phạm theo quy trình.

Các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Youtube phải yêu cầu các kênh, tài khoản tại Việt Nam có từ 10.000 người trở lên thông báo thông tin liên hệ với Bộ. Chỉ các kênh, tài khoản đã thông báo mới được livestream và cung cấp các dịch vụ có phát sinh doanh thu.

Bộ đánh giá các mạng xã hội xuyên biên giới này chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, các quy định hiện hành đối với hoạt động cung cấp thông tin, dịch vụ qua biên giới vẫn còn nhiều bất cập. Đây cũng là môi trường tồn tại nhiều thông tin vi phạm pháp luật, lan truyền tin giả, gây mất ổn định xã hội và bức xúc trong xã hội và cũng là gây bất bình đẳng với doanh nghiệp trong và ngoài nước.

76.400 lao động của hơn 260 doanh nghiệp Bắc Giang sản xuất trở lại

76.400 lao động làm việc của 262 doanh nghiệp tại Bắc Giang đã đi làm trở lại, dù tỉnh này xuất hiện thêm các ca nhiễm mới vài ngày qua.

76.400 lao động của hơn 260 doanh nghiệp Bắc Giang sản xuất trở lại

76.400 lao động của hơn 260 doanh nghiệp Bắc Giang sản xuất trở lại

Số lượng doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng thêm 40 đơn vị so với cách đây một tuần. Riêng trong ngày 9/7, đã có thêm 4.600 lao động tại các doanh nghiệp đi làm trở lại.

Một số đơn vị có lượng công nhân trở lại làm việc lớn như Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) 17.147 người; Luxshare14.834 người; Công ty TNHH Si Flex Việt Nam 2.841 người; Công ty TNHH Crystal Martin 3.722 người...

Các doanh nghiệp này trở lại sản xuất với mô hình "vùng xanh" (vùng an toàn), người lao động được phép đi làm bằng xe máy hoặc xe đưa đón của doanh nghiệp, xét nghiệm 1 lần 1 tuần. Các doanh nghiệp cũng áp dụng phần mềm quản lý công nhân, sắp xếp lại khu nhà trọ như các ký túc xá của doanh nghiệp.

Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ doanh nghiệp đón lao động ngoài Tỉnh vào làm việc. Tỉnh Bắc Giang cho biết cũng đang hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động mới, hiện đã tiếp nhận gần 41.500 người của 12 doanh nghiệp và giới thiệu cho doanh nghiệp tuyển dụng gần 5.000 lao động. Tỉnh Bắc Giang dự kiến trong tháng 7 hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp cơ bản quay lại toàn bộ.

Bắc Giang yêu cầu Ban Chỉ đạo khôi phục sản xuất hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm Covid-19, đón công nhân trở lại đi làm theo đúng quy trình sản xuất an toàn, phòng, chống Covid-19.

Tỉnh Bắc Giang yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tổ chức lại nhà trọ cho công nhân, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Đến nay, tổ công tác của Tỉnh đã thẩm định, cấp phép hơn 1.740 nhà trọ, nơi lưu trú, đáp ứng chỗ ở cho 62.000 công nhân.

Toàn tỉnh An Giang giãn cách theo Chỉ thị 15 từ 0h 11/7

Từ 11/7, tỉnh An Giang quy định nhà hàng, quán cà phê, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo hình thức mang về hoặc giao hàng tại nhà.

Toàn tỉnh An Giang giãn cách theo Chỉ thị 15 từ 0h 11/7

Toàn tỉnh An Giang giãn cách theo Chỉ thị 15 từ 0h 11/7

Ngày 10/7, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình ký quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 của Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh An Giang, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số huyện trong tỉnh An Giang xuất hiện nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, mặc dù vẫn được kiểm soát tốt.

Để kềm chế, kiểm soát hiệu quả sự lây lan, chủ động ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chỉ đạo giãn cách 15 ngày, từ 0h 11/7.

Cụ thể, tạm dừng các hoạt động hội nghị, họp, các sự kiện tập trung trên 20 người (trong một phòng), các cuộc họp dưới 20 người bố trí chỗ ngồi giữa các đại biểu tối thiểu 1,5 m.

Không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở và trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng; tạm dừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động tôn giáo tập trung từ 10 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; tạm dừng hoạt động các dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, nhà hàng ăn uống, tiệc cưới, vũ trường, quán bar, chợ đêm…

Các nhà hàng, quán cà phê, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại An Giang chuyển hoạt động kinh doanh theo hình thức mua mang đi hoặc giao hàng tại nhà, không phục vụ quá 10 người.

Tạm dừng hoạt động chợ đầu mối nông sản lớn nhất Bình Dương từ ngày 10/7

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng đã tạm dừng hoạt động chợ đầu mối nông sản lớn nhất Bình Dương.

Chợ Hàng Bông tạm dừng hoạt động từ ngày 10/7 đến khi có thông báo mới

Chợ Hàng Bông tạm dừng hoạt động từ ngày 10/7 đến khi có thông báo mới

UBND phường Phú Hoà, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cho biết đã tạm dừng hoạt động mua bán tại chợ Hàng Bông (phường Phú Hoà, TP.Thủ Dầu Một).

Đây là chợ đầu mối chuyên cung cấp các mặt hàng nông sản lớn nhất ở Bình Dương. Chợ tạm dừng hoạt động từ ngày 10/7 đến khi có thông báo mới.

Sáng 10/7, ngay sau khi có quyết định tạm dừng hoạt động chợ Hàng Bông, lực lượng chức năng đã giăng dây, đóng cửa chợ và phun xịt khử khuẩn phòng, chống dịch Covid-19.

Tất cả tiểu thương ở chợ Hàng Bông đều chấp hành việc tạm đóng cửa chợ để chung tay phòng chống dịch Covid-19.

Từ ngày 27/4 đến ngày 9/7, tỉnh Bình Dương ghi nhận 1.126 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Nhiều ổ dịch xuất hiện tại các công ty, xí nghiệp và nhà trọ công nhân.

Đến nay, có 5 địa phương ở tỉnh Bình Dương là TP. Thủ Dầu Một, TP. Dĩ An, TP. Thuận An, thị xã Tân Uyên và thị xã Bến Cát đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng

Bình Phước giãn cách xã hội từ 12h ngày 11/7

Tỉnh Bình Phước giãn cách xã hội huyện Chơn Thành theo Chỉ thị 16, dừng tất cả chợ tự phát trong 15 ngày, bắt đầu từ 12h ngày 11/7, nhằm ngăn Covid-19 lây lan.

Bình Phước giãn cách xã hội từ 12h ngày 11/7

Bình Phước giãn cách xã hội từ 12h ngày 11/7

Quyết định của Chủ tịch UBND Bình Phước Trần Tuệ Hiền cũng yêu cầu TP. Đồng Xoài, các huyện: Lộc Ninh, Bù Gia Mập và Hớn Quản giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Bộ Y tế đã công bố 15 ca Covid-19 ở tỉnh này.

Huyện Chơn Thành rộng hơn 380 km2, gồm một thị trấn và 8 xã, nằm ở phía Tây Nam Bình Phước. Theo đó, hơn 91.000 dân huyện này được yêu cầu ở tại nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Mọi người thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m và không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Phân xưởng, nhà máy sản xuất vẫn được hoạt động nhưng phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn. Các cơ quan nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà.

Đối với bốn địa bàn áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15, dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong phòng; không tụ tập 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện...

Các siêu thị, tiệm tạp hóa, nhà thuốc, cửa hàn xăng dầu và những cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm vẫn tiếp tục hoạt động và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế.

Chỉ tịch cũng yêu cầu các huyện, thị còn lại đóng cửa các kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như: karaloke, quán bar, vũ trường, massage, xông hơn, cơ sở bấm huyệt, làm đẹp...

Bình Phước gồm một thành phố, 2 thị xã và 8 huyện với hơn một triệu dân.

Bà trùm buôn lậu vàng ở An Giang bị bắt

Sau 8 tháng lẩn trốn lệnh truy nã đặc biệt, bà Nguyễn Thị Kim Hạnh, cầm đầu đường dây buôn lậu 51 kg vàng ở An Giang bị bắt; 7 đàn em cũng ra đầu thú.

Bà Nguyễn Thị Kim Hạnh khi bị bắt

Bà Nguyễn Thị Kim Hạnh khi bị bắt

Công an tỉnh An Giang cho biết, lệnh bắt bà Hạnh được thực hiện tại huyện Thoại Sơn.

Dưới vỏ bọc doanh nhân làm từ thiện, 7 đàn em là cánh tay đắc lực của bà trùm gồm: Lê Thị Bạch Vân, Nguyễn Hữu Phước, Phạm Tấn Lộc, Võ Văn Trung, Mai Thị Ngọc Phấn, Nguyễn Văn Lê, Phạm Thanh Sang lần lượt ra đầu thú.

Lực lượng chức năng đã đồng loạt khám xét nhiều tiệm kim hoàn có liên quan đến hành vi buôn lậu vàng ở huyện An Phú và TP. Châu Đốc, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật.

Sau thời gian dài điều tra, trưa 30/10/2020, Công an An Giang phối hợp lực lượng khác vây bắt Nguyễn Văn Minh, Võ Minh Tâm, Phan Văn Bồ, Trần Văn Hải khi nhóm này chạy vỏ lãi, chở 51 kg vàng từ Campuhia vượt biên giới vào TP. Châu Đốc.

Nhóm buôn lậu này chống trả quyết liệt. Hải bị khống chế cùng tang vật, 3 người còn lại nhảy lên vỏ lãi bỏ trốn nhưng đến tối thì bị bắt.

Công an An Giang xác định bà Kim Hạnh là người cầm đầu đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam, cùng 7 đàn em liên quan, nhưng họ đã bỏ trốn khỏi địa phương.

Lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm đối với bà Hạnh và nhóm đồng phạm được ban hành sau đó.

Chuyên đề