Bản tin thời sự sáng 1/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là phát hiện thêm 12 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại Quảng Nam và Đà Nẵng, bệnh nhân Covid-19 thứ 3 ở Việt Nam tử vong, từ 0h ngày 1/8, Hà Nội và một số địa phương cấm quán bar, karaoke, quán vỉa hè hoạt động, EVFTA sẽ bắt đầu được thực thi từ ngày 1/8...

Dịch Covid-19: Thêm 12 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại Quảng Nam và Đà Nẵng, Việt Nam có 558 ca bệnh

Sáng 1/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết đã ghi nhận 12 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Việt Nam hiện có 558 ca bệnh.

Bản tin thời sự sáng 1/8 ảnh 1

Người dân Hà Nội tới xét nghiệm nhanh sau khi trở về từ Đà Nẵng

Tính đến 6h ngày 1/8, Việt Nam có tổng cộng 558 ca mắc Covid-19, trong đó 302 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 116 ca. Tính từ 18h ngày 31/7 đến 6h ngày 1/8, Việt Nam ghi nhận 12 ca mắc mới.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 91.462 người. Trong đó, 953 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 18.063 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 72.446 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này đã có 373/558 ca bệnh Covid-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 66,8% tổng số ca bệnh. Hiện tại, Việt Nam đã có 3 ca tử vong.

Tính đến sáng ngày 1/8, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, có 14 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 - 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 169 bệnh nhân dương tính với virus gây Covid-19.

Ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong vì mắc Covid-19 tại Đà Nẵng

Bệnh nhân tử vong lúc 4 giờ 55 phút ngày 1/8/2020 tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Tiền sử bệnh nhân mắc các bệnh: Bạch cầu cấp dòng tủy kháng trị, đái tháo đường...

Bản tin thời sự sáng 1/8 ảnh 2

Sáng 1/8, Bộ Y tế thông báo bệnh nhân 499 (BN 499) tử vong do ung thư đường máu ác tính, viêm phổi nặng và Covid-19.

BN 499 tên là T. T. B.T. nữ, sinh năm 1952, nhập viện ngày 28/07/2020 tại Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng.

Tiền sử bệnh nhân mắc các bệnh: Bạch cầu cấp dòng tủy kháng trị, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp.

Bệnh nhân tử vong lúc 4 giờ 55 phút ngày 1/8/2020 tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Theo giáo sư Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu, thành viên Tiểu ban điều trị BCĐ Phòng chống Covid-19, nguyên nhân tử vong của bệnh nhân: ung thư đường máu ác tính không đáp ứng hoá chất giai đoạn cuối, viêm phổi nặng và Covid-19.

Như vậy, đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh Covid-19.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu có hiệu lực từ ngày 1/8

Ngày 31/7, Ủy ban Châu Âu (EC) đã ra thông cáo báo chí, nêu rõ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ bắt đầu được thực thi từ ngày 1/8.

Bản tin thời sự sáng 1/8 ảnh 3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ ký kết EVFTA tại Hà Nội hồi tháng 6/2019

Trong thông cáo, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nêu rõ, kinh tế châu Âu hiện cần mọi cơ hội để khôi phục sức mạnh sau cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Các hiệp định thương mại như EVFTA có hiệu lực sẽ mang đến cho các công ty của châu Âu cơ hội tiếp cận các thị trường mới nổi và tạo công ăn việc làm cho người châu Âu.

Chủ tịch EC tin tưởng mạnh mẽ, hiệp định này cũng sẽ trở thành cơ hội để người dân Việt Nam được hưởng một nền kinh tế thịnh vượng hơn, tham gia vào một sự thay đổi tích cực và có được nhiều quyền lợi hơn.

Về phần mình, Ủy viên Thương mại EU Phil Hogan tuyên bố, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 77 quốc gia có quan hệ thương mại với EU theo các điều kiện ưu đãi song phương. EVFTA giúp tăng cường liên kết kinh tế của EU với khu vực năng động ở Đông Nam Á và có tiềm năng sẽ góp phần phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng Covid-19. Hiệp định cũng cho thấy các chính sách thương mại có thể mang đến nhiều lợi ích về mặt xã hội.

Là hiệp định thương mại toàn diện nhất mà EU đã ký kết với một nước đang phát triển, EVFTA sẽ tiến tới loại bỏ thuế đối với 99% hàng hóa được giao dịch giữa EU và Việt Nam. Việc kinh doanh tại Việt Nam cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn đối với các công ty châu Âu khi giờ đây, các công ty này có thể đầu tư và được quyền tham dự vào các hợp đồng chính phủ với cơ hội cạnh tranh ngang bằng với các doanh nghiệp địa phương.

Từ 0h ngày 1/8, Hà Nội và một số địa phương cấm quán bar, karaoke, quán vỉa hè hoạt động

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị, từ 0h ngày 1/8 cấm triệt để tất cả các quán bar, quán karaoke, quán nước vỉa hè. Các nhà hàng bán hàng nhưng phải tiến hành giãn cách, 2 người cách xa 1m trở lên, khi mua hàng cũng vậy.

Bản tin thời sự sáng 1/8 ảnh 4

Từ 0h ngày 1/8 cấm triệt để tất cả các quán bar, quán karaoke, quán nước vỉa hè

Sở giáo dục và đào tạo các quận, huyện làm tốt công tác vệ sinh khử khuẩn, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang; các phòng thi phải được tổ chức vệ sinh; các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học sau mỗi ngày học phải tiến hành khử khuẩn.

Không chỉ TP. Hà Nội, các tỉnh Phú Yên, Đồng Nai, Quảng Ninh và Hải Phòng cũng chỉ đạo các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19.

Từ 0h ngày 1/8, các tỉnh đều tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở massage, karaoke, vũ trường, quán bar, các tụ điểm vui chơi, giải trí, các điểm truy cập Internet điện tử, các rạp chiếu phim. Yêu cầu hạn chế hội họp, tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người.

Quảng Ngãi: Thu hồi Dự án Nhà máy bột và giấy Tân Mai sau 11 năm cấp phép

Nguyên nhân thu hồi dự án là doanh nghiệp không có khả năng về tài chính để tiếp tục triển khai và Dự án không thuộc trường hợp giãn tiến độ, tính khả thi của Dự án không còn…

Bản tin thời sự sáng 1/8 ảnh 5

Dự án Nhà máy bột và giấy Tân Mai Quảng Ngãi bị thu hồi

Ngày 31/7, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi vừa có quyết định thu hồi diện tích 450.067 m2 đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (SKC) đối với Công ty CP Tập đoàn Tân Mai do chấm dứt hoạt động Dự án Nhà máy bột và giấy Tân Mai Quảng Ngãi tại xã Bình Long, huyện Bình Sơn.

UBND tỉnh giao diện tích đất thu hồi trên cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn quản lý để tổ chức giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Theo kết luận thanh tra của tỉnh Quảng Ngãi, toàn bộ thiết bị, công nghệ đầu tư doanh nghiệp đã mua từ nhà máy thanh lý tại Canada năm 2007 chưa hoàn thiện. Các động cơ điện công suất lớn, chuyên dụng và hệ thống mạch điều khiển động lực lệch chuẩn về cấp điện áp của lưới điện công nghiệp Việt Nam nên không sử dụng được.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư ra văn bản chấm dứt dự án đầu tư và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư theo quy định.

Nguyên nhân là doanh nghiệp không có khả năng về tài chính để tiếp tục triển khai và dự án không thuộc trường hợp giãn tiến độ; chưa có kỹ thuật về các thiết bị không đồng bộ, chưa xác định vị trí hệ thống và điểm xả thải của Nhà máy, diện tích trồng cây vùng nguyên liệu đã bị thu hồi năm 2016, tính khả thi của Dự án không còn.

Được biết, sau 11 năm cấp phép, đến nay, Nhà máy bột và giấy Tân Mai (Quảng Ngãi) có tổng vốn hơn 5.000 tỷ đồng vẫn trong tình trạng bỏ hoang, cỏ dại vây kín thiết bị nằm ngổn ngang trên đồi.

Cựu Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Thành Tài “gây thiệt hại 1.927 tỷ đồng”

Cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài bị cáo buộc vì tình cảm riêng giao trái luật 5.000 m2 đất "vàng" cho tư nhân gây thiệt hại 1.927 tỷ đồng.

Bản tin thời sự sáng 1/8 ảnh 6

Ông Tài và bà Thúy lúc bị bắt. Ảnh: Bộ Công an

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Nguyễn Thành Tài, 68 tuổi, về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015, khung hình phạt 10 - 20 năm tù.

4 người khác bị xác định vai trò đồng phạm là ông Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), Lê Thị Thanh Thúy (41 tuổi, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm và Công ty CP Đầu tư Lavenue), Nguyễn Hoài Nam (cựu Bí thư Quận 2) và Trương Văn Út (cựu Phó phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường).

Riêng bà Nguyễn Thị Thu Thủy (61 tuổi, cựu Giám đốc Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM) đã bỏ trốn, bị truy nã, cơ quan điều tra xử lý sau.

Hồi tháng 4, Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra bổ sung lần đầu, xác định thiệt hại do ông Tài và đồng phạm gây ra là hơn 250 tỷ đồng, bao gồm 4,7 tỷ là giá trị công trình trên đất lúc xảy ra vụ án và 248 tỷ đồng ngân sách chưa thu hồi được.

Tuy nhiên, sau nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, các cơ quan tố tụng xác định thiệt hại của vụ án là 2.554 tỷ đồng - tương đương giá trị quyền sử dụng đất. Do Công ty Lavender đã nộp ngân sách 647 tỷ đồng, nên thiệt hại còn 1.927 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định, Lê Thị Thanh Thúy lợi dụng mối quan hệ tình cảm cá nhân với ông Tài, gửi văn bản cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà, tự nhận Hoa Tháng Năm là công ty "có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, nhà hàng, khách sạn, có năng lực tài chính" để xin tham gia dự án không phải cạnh tranh, không đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu dự án. Thực tế, Công ty Hoa Tháng Năm chưa tham gia bất cứ dự án nào.

Do chịu tác động của ông Tài, ngày 23/7/2010, bà Nguyễn Thị Thu Thủy đề xuất thành lập pháp nhân mới là Công ty CP Đầu tư Lavenue, đồng thời kiến nghị cho Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm hợp tác đầu tư 30% vốn (trong tỷ lệ góp vốn 50% của Công ty Quản lý kinh doanh nhà) cùng thực hiện Dự án.

Từ sự chỉ đạo của ông Tài, các bị can Kiệt, Nam, Út dù biết hồ sơ dự án chưa đầy đủ, chưa được phê duyệt, chưa thẩm định... nhưng vẫn đề xuất ký các quyết định vi phạm pháp luật dẫn đến khu đất "vàng" bị chuyển nhượng sang công ty của Thúy.

Chuyên đề