Bản tin thời sự sáng 1/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM và 18 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội thêm 14 ngày; trả giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh qua đường bưu điện; Đà Nẵng cách ly xã hội từ 18h ngày 31/7; Hà Nội yêu cầu chỉ cấp giấy đi đường cho người đủ điều kiện; TP.HCM đề nghị các tỉnh phối hợp đưa người dân về quê…

TP.HCM và 18 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội thêm 14 ngày

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày đối với TP.HCM và 18 tỉnh, thành phố phía Nam.

Tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM và 18 tỉnh, thành phố phía Nam vẫn diễn biến phức tạp

Tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM và 18 tỉnh, thành phố phía Nam vẫn diễn biến phức tạp

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngày 31/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính có Công điện về phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày (kể từ ngày kết thúc giãn cách xã hội theo Công văn số 969 ngày 17/7 của Thủ tướng - tức là ngày 31/7 kết thúc đợt giãn cách xã hội).

19 địa phương này gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

Những tỉnh sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nếu đã kiểm soát được dịch bệnh, Thủ tướng cho phép có thể nới lỏng giãn cách theo từng khu vực trong nội bộ tỉnh.

Đối với khu vực liên tỉnh, phải có thỏa thuận, thống nhất với các tỉnh liên quan và phải báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trước khi quyết định.

Trước đó, chiều 31/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19. Ban Chỉ đạo thống nhất kiến nghị Thủ tướng tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam thêm 14 ngày.

Trả giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh qua đường bưu điện

Để tạo thuận lợi cho học sinh, Hà Nội sẽ trả học bạ, giấy chứng nhận kết quả thi THPT, giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS - THPT; bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh qua đường bưu điện.

Các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp trả giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh qua đường bưu điện

Các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp trả giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh qua đường bưu điện

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho nhà trường và học sinh trong việc trả - nhận: Học bạ, phiếu báo kết quả thi, giấy chứng nhận tốt nghiệp, bằng tốt nghiệp..., Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đề nghị các cơ sở giáo dục, các trường trên địa bàn Thành phố chủ động phối hợp chặt chẽ với Bưu điện thành phố Hà Nội, các đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính tại các quận, huyện, thị xã để tiến hành trả hồ sơ tại nhà cho học sinh.

Trước đó, thực hiện kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2021 của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố: Chậm nhất ngày 2/8, các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục từ xa trên địa bàn Hà Nội sẽ cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời cho thí sinh.

Cùng thời điểm này, các đơn vị, nhà trường cũng sẽ trả học bạ, giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1 (bản chính) cho thí sinh để các em kịp chuẩn bị cho việc đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2021.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 trong vòng 15 ngày, kể từ 6 giờ ngày 24/7 trên phạm vi toàn Thành phố nên Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị, trường học chưa tổ chức trả giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời, giấy chứng nhận kết quả thi và học bạ cho thí sinh.

Một triệu liều vaccine Sinopharm về TP.HCM

Bộ Y tế cho biết, TP.HCM đã nhận 1 triệu trong tổng số 5 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm do Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Sapharco) mua.

Vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc). Ảnh: Yicai Global

Vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc). Ảnh: Yicai Global

Đây là lô vaccine nhập khẩu đầu tiên của TP.HCM do Sapharco đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng mua và nhập khẩu dưới sự ủy quyền của UBND Thành phố.

Một triệu liều vaccine Vero Cell về TP.HCM lần này thuộc hợp đồng đặt mua 5 triệu liều của Sapharco với đối tác Sinopharm.

Tính đến ngày 31/7, TP.HCM đã được phân bổ 3 triệu liều vaccine, tương ứng khoảng 22,3% nhu cầu tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ phân bổ cao nhất cả nước đến nay.

Theo dự kiến phân bổ vaccine năm 2021, TP.HCM sẽ nhận khoảng 13,8 triệu liều, đảm bảo tỷ lệ khoảng 99% người trên 18 tuổi được tiêm. Riêng trong tháng 8, dự kiến TP.HCM sẽ nhận được 5 triệu trong số 13,8 triệu liều này.

Đến nay, TP.HCM đã tiêm được khoảng 1,5 triệu liều, trong đó 1,3 triệu người đã được tiêm 1 liều, gần 75.000 người được tiêm đủ 2 liều.

Trước đó, Bộ Y tế đã cử Đoàn công tác đặc biệt hỗ trợ công tác tiêm chủng cho TP.HCM nhằm đẩy nhanh tiến độ. Bộ cũng hướng dẫn triển khai tiêm chủng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Theo đó, người tiêm chủng bao gồm tất cả trường hợp từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu, người cao tuổi, trường hợp có bệnh lý nền, tăng độ bao phủ tiêm chủng. Huy động các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm y tế nhà nước và tư nhân, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành...

Vaccine của Sinopharm được Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp hôm 4/6, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt khẩn cấp trong tháng 5, được Trung Quốc cấp phép vào ngày 30/12 năm ngoái.

Vaccine Vero Cell được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm, mỗi liều 0,5 ml chứa với 6.5U kháng nguyên nCoV bất hoạt, được sản xuất tại Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Dược Sinopharm, Trung Quốc.

Đà Nẵng cách ly xã hội trên phạm vi toàn Thành phố từ 18h ngày 31/7

Từ 18h ngày 31/7, Đà Nẵng cách ly xã hội trên phạm vi toàn Thành phố, dừng tất cả cơ sở kinh doanh, kể cả đồ ăn bán mang về; người dân chỉ ra khỏi nhà khi cần thiết.

Người dân TP. Đà Nẵng khi đi ra ngoài cần có giấy đi đường, thẻ đi chợ kèm theo giấy tờ tuỳ thân

Người dân TP. Đà Nẵng khi đi ra ngoài cần có giấy đi đường, thẻ đi chợ kèm theo giấy tờ tuỳ thân

UBND Đà Nẵng vừa ban hành Chỉ thị 05 với các biện pháp cấp bách để phòng, chống Covid-19. Thời gian áp dụng từ 18h cùng ngày cho đến khi có thông báo mới.

Thực hiện giãn cách với những biện pháp cao hơn Chỉ thị 16, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu "cách ly xã hội trên phạm vi toàn TP. Đà Nẵng" theo nguyên tắc cách ly giữa các gia đình, tổ dân phố, thôn, xã, phường, quận, huyện.

Mọi người dân không được ra khỏi nhà; chỉ được ra khi đi mua lương thực, thực phẩm, cấp cứu, khám chữa bệnh, xét nghiệm Covid-19, tiêm chủng, mua thuốc chữa bệnh và các trường hợp khẩn cấp khác như thiên tai, hỏa hoạn.

Diện được ra khỏi nhà còn áp dụng với người đi công tác/công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở nhà nước, tác nghiệp báo chí; làm việc tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ và các nhà máy, cơ sở sản xuất được phép hoạt động; tham gia điều khiển phương tiện vận chuyển giao nhận hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu; vệ sinh môi trường đô thị, xử lý sự cố điện, nước, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông tin, phòng chống dịch theo quy định.

Người dân khi ra ngoài trong các trường hợp nêu trên cần có giấy đi đường mà Thành phố đã ban hành mẫu, thẻ nhà báo, thẻ đi chợ, kèm theo giấy tờ tuỳ thân. Tất cả cần tuân thủ nghiêm quy định 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp…

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ tạm dừng tất cả hoạt động, kể cả bán mang về tại cửa hàng ăn, uống. Các trường hợp được hoạt động là siêu thị, siêu thị mini, chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa bán hàng thiết yếu; dịch vụ vận chuyển giao nhận hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất và xuất nhập khẩu…

Hà Nội yêu cầu chỉ cấp giấy đi đường cho người đủ điều kiện

Công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà, chỉ những trường hợp thực sự cần thiết mới đến công sở.

Lực lượng công an kiểm tra điều kiện lưu thông của người tham gia giao thông

Lực lượng công an kiểm tra điều kiện lưu thông của người tham gia giao thông

Lãnh đạo TP. Hà Nội vừa yêu cầu thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, trước việc số ca mắc mới liên tục tăng những ngày gần đây và để tận dụng hiệu quả thời gian giãn cách xã hội, Thành phố yêu cầu tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị chấp hành quy định phòng, chống dịch.

Các cơ quan bố trí nhân viên làm việc tại nhà, chỉ những trường hợp thực sự cần thiết mới đến làm việc trực tiếp tại công sở, như: Trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật...

UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị phê duyệt danh sách, cấp giấy đi đường cho những trường hợp đủ điều kiện lưu thông trên địa bàn Thành phố trong thời gian giãn cách xã hội.

Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 24/7. Thành phố đã phát phiếu cho người dân đi chợ, mua hàng hoá thiết yếu.

Thành phố cũng ban hành mẫu giấy đi đường cho những trường hợp được đi lại trong thời gian giãn cách. Những ngày qua, ghi nhận trên một số tuyến phố, lượng người ra đường khá đông, nhiều người có giấy xác nhận đi làm vẫn phải quay đầu xe hoặc bị xử phạt vì lực lượng chức năng nhận định lý do ra đường không cấp thiết.

TP.HCM đề nghị các tỉnh phối hợp đưa người dân về quê

Chính quyền TP.HCM đề nghị các địa phương khi có nhu cầu tổ chức đưa người dân đang sống tại Thành phố trở về thì gửi kế hoạch cùng phối hợp thực hiện.

TP.HCM đã phối hợp với các cơ quan đầu mối của một số tỉnh, thành phố tổ chức cho người dân trở về địa phương

TP.HCM đã phối hợp với các cơ quan đầu mối của một số tỉnh, thành phố tổ chức cho người dân trở về địa phương

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa ký văn bản gửi các tỉnh, thành về việc phối hợp đưa người dân từ TP.HCM có nguyện vọng về địa phương trong thời gian Thành phố thực hiện Chỉ thị 16, tránh tình trạng người dân tự ý di chuyển bằng xe cá nhân, không đảm bảo các yêu cầu về kiểm soát, phòng chống dịch.

Để việc phối hợp được thuận lợi, Thành phố đề nghị các địa phương chỉ định cơ quan, tổ chức trực thuộc hoặc hội đồng hương tại TP.HCM làm đầu mối tiếp nhận đăng ký theo yêu cầu, phù hợp với kế hoạch tổ chức của các tỉnh, thành.

Các địa phương cần tổ chức xét nghiệm, thông báo số lượng, địa điểm và thời gian vận chuyển; phối hợp với các đơn vị vận chuyển để đưa người dân về quê và tổ chức tiếp nhận, quản lý theo quy định.

Sau khi nhận được văn bản, kế hoạch của các địa phương, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với đầu mối của các tỉnh, thành để tạo điều kiện cho người dân đến những vị trí tập kết như: sân bay, nhà ga, bến xe...

Sở Y tế TP.HCM sẽ chủ trì, phối hợp với các quận, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có tên trong danh sách hoặc kế hoạch di chuyển, được ưu tiên xét nghiệm và trả kết quả trong thời gian sớm nhất, khuyến cáo các trường hợp không được di chuyển.

Liên quan đến việc này, chính quyền TP.HCM yêu cầu các quận, huyện vận động người dân có nguyện vọng về quê chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch và không được tự ý di chuyển khỏi nơi ở. Người dân chỉ di chuyển khi có kế hoạch và được các tỉnh, thành phố chấp thuận.

Lãnh đạo Thành phố cũng đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương rà soát, tổng hợp đề xuất danh sách, chuẩn bị kế hoạch đưa người dân về quê.

Theo UBND TP.HCM, thời gian qua, trước đề nghị của các địa phương và nguyện vọng người dân, Thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải cùng đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan đầu mối của Phú Yên, Gia Lai, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Quảng Trị... tổ chức cho người dân trở về địa phương.

Quảng Nam dự kiến chi hơn 46,9 tỷ đồng phát triển nhà ở

Trong 10 năm tới, tỉnh Quảng Nam chủ trương đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp…

Quảng Nam chủ trương đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội

Quảng Nam chủ trương đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội

HĐND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Nghị quyết số 51 về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030. Chương trình đề ra giải pháp phát triển nhà ở do người dân tự xây dựng, nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư và nhà ở cho nhóm các đối tượng xã hội trên địa bàn Tỉnh trong từng giai đoạn.

Theo đó, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến khoảng 46.926 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD), bao gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và vốn của doanh nghiệp.

Vùng đồng bằng, ven biển (phía Đông) phát triển đa dạng loại hình nhà ở, tăng tỷ lệ nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội để phục vụ lao động. Vùng miền núi (phía Tây) đẩy mạnh phát triển nhà ở tại khu vực thị trấn, trung tâm huyện theo hướng đô thị gắn với thương mại - dịch vụ…

Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích nhà ở đạt khoảng 44,7 triệu m2 sàn, diện tích sàn bình quân đầu người gần 29 m2.

Chuyên đề