Bản tin thời sự sáng 1/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là siêu bão Goni di chuyển nhanh; trực thăng sẵn sàng tiếp tế lương thực cho 3.000 dân bị cô lập; Việt Nam sẽ thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người vào tháng 11; 2 trạm BOT cửa ngõ Đồng Nai, Bình Dương chính thức tạm dừng thu phí…

Siêu bão Goni di chuyển nhanh

Sau khi vào biển Đông, xu hướng di chuyển của bão Goni tương tự bão Molave khi đi ngang theo hướng tây và tiến thẳng về phía đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên.

Dự báo đường đi của siêu bão Goni sau khi quét qua đất liền Philippines và tiến vào Biển Đông

Dự báo đường đi của siêu bão Goni sau khi quét qua đất liền Philippines và tiến vào Biển Đông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 1 giờ ngày 1/11, vị trí tâm siêu bão Goni ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 125,0 độ Kinh Đông, cách miền Trung Philippines khoảng 70 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200 - 220km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và suy yếu. Đến 1 giờ ngày 2/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 120,2 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 - 13 (115 - 150 km/giờ), giật cấp 15.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi vào biển Đông. Đến 1 giờ ngày 3/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 115,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 - 11 (90 - 115 km/giờ), giật cấp 13.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10 - 15 km. Đến 1 giờ ngày 4/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 - 11 (90 - 115 km/giờ), giật cấp 13.

Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và có khả năng đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Vùng ảnh hưởng của bão trải dọc từ Quảng Trị đến Khánh Hòa.

Các chuyên gia nhận định, hoàn lưu bão Goni tiếp tục gây ra một đợt mưa lớn cho các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi trong các ngày 4 - 6/11. Sau đó, vùng mưa mở rộng ra cả khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

Trực thăng sẵn sàng tiếp tế lương thực cho 3.000 dân bị cô lập

Sư đoàn Không quân 372 chuẩn bị hàng hóa ở Sân bay Đà Nẵng, chờ thời tiết cho phép sẽ dùng trực thăng tiếp tế cho 3.000 dân bị cô lập.

Trực thăng của Sư đoàn 372

Trực thăng của Sư đoàn 372

Sáng 31/10, Sở Chỉ huy tiền phương đóng tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam họp bàn phương án tiếp tế lương thực cho người dân hai xã Phước Thành, Phước Lộc. Mưa lớn và giao thông chia cắt nhiều ngày qua khiến hai xã này với khoảng 3.000 dân bị cô lập. Trong đó, vụ sạt lở đất ở thôn 6, xã Phước Lộc ba ngày trước đã vùi lấp 11 người, đến nay còn 6 nạn nhân mất tích.

Đường từ Sở Chỉ huy tiền phương đến hiện trường thôn 6 khoảng 60 km, đã thông được một nửa, còn khoảng 30 km mới vào xã Phước Lộc và 10 km vào xã Phước Thành với dày đặc các điểm đất đá sạt lở.

Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Mạnh Hà nêu phương án tập kết hàng tiếp tế rồi gùi cõng đường bộ đến khu vực giáp ranh với Phước Thành và Phước Lộc. Từ đây, lực lượng cứu hộ dùng tời bằng ròng rọc, đưa hàng lên đỉnh đồi để dân quân, lực lượng xung kích của xã tiếp nhận và gùi cõng về cho các thôn.

Đại tá Nguyễn Việt Hùng - Phó Trưởng phòng Quân huấn (Sư đoàn Không quân 372) thông tin, hàng hóa tiếp tế được chuẩn bị sẵn ở Sân bay Đà Nẵng, khi điều kiện thời tiết cho phép thì trực thăng sẽ cất cánh.

Thượng tá Lê Trung Thành - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam - thống nhất cả hai phương án trên, gồm sử dụng lực lượng tại chỗ khảo sát, thiết lập đường bộ vận chuyển hàng tiếp tế; đồng thời, Sư đoàn 372 triển khai bay khi thời tiết thuận lợi.

Việt Nam sẽ thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người vào tháng 11

Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân Y (Hà Nội) sẽ cho thử lâm sàng vaccine Covid-19 vào tháng 11/2020.

Việt Nam sẽ thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người vào tháng 11. Ảnh minh họa

Việt Nam sẽ thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người vào tháng 11. Ảnh minh họa

Trung tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Việt Nam sẽ thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người vào tháng 11/2020.

Trung tướng Phạm Hoài Nam cũng cho biết, trước khi thử nghiệm, đơn vị này cần đánh giá hiệu lực bảo vệ của vaccine trên động vật thí nghiệm.

Theo tài liệu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban hành, quá trình sản xuất vaccine gồm 4 giai đoạn lớn. Thử nghiệm lâm sàng chỉ là một phần nhỏ trong dự án.

Vaccine phải trải qua giai đoạn đầu tiên trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu trên động vật. Ở giai đoạn 2 - nghiên cứu lâm sàng trên người, đơn vị nghiên cứu sẽ thử nghiệm theo nhiều giai đoạn với số lượng tình nguyện viên tăng dần.

Giai đoạn 3 là phê duyệt, cấp phép và sản xuất. Cuối cùng là giai đoạn kiểm soát chất lượng.

Theo GS.TS Nguyễn Thu Vân, Chủ nhiệm Ban Chủ nhiệm Chương trình sản phẩm quốc gia vaccine sử dụng cho người, nguyên Giám đốc VABIOTECH, thử nghiệm vaccine Covid-19 trên khỉ chỉ là bước đầu trong quy trình nghiên cứu vaccine. Các đơn vị nghiên cứu có thể lựa chọn thử nghiệm trên các động vật khác nhau như chuột, khỉ, thỏ... GS. Vân cũng cho rằng, đây là một bước tiến của VABIOTECH song vẫn ở giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng trong phòng thí nghiệm.

Đánh giá về việc VABIOTECH đang thử nghiệm trên khỉ, bà Vân cho rằng, mặc dù Việt Nam chậm so với thế giới trong sản xuất vaccine Covid-19. Tuy nhiên, vaccine Covid-19 sau khi được cấp phép sẽ tiêm cho một lượng người rất lớn, nên việc thử nghiệm lâm sàng đòi hỏi rất thận trọng. Thế giới đã bước sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và cũng có những vấn đề xảy ra ở một số quốc gia.

"Nếu được sự ủng hộ của cơ quan quản lý, cấp phép, các kết quả trong phòng thí nghiệm tốt và đạt yêu cầu, đến giữa năm 2022, chúng ta mới có vaccine Covid-19", GS Nguyễn Thu Vân nói.

Quốc lộ 1A đoạn qua Hà Tĩnh ngập sâu, cấm tất cả phương tiện đi lại

Mưa lớn khiến tuyến Quốc lộ 1A đoạn tiếp giáp giữa xã Xuân Hồng và Xuân Lam (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) ngập sâu khoảng 1 m.

Gần 1 km trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Xuân Lam, từ km 475 đến km 477+200 bị ngập lụt

Gần 1 km trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Xuân Lam, từ km 475 đến km 477+200 bị ngập lụt

Thông tin từ Thượng tá Nguyễn Quang Thành, Trưởng Công an huyện Nghi Xuân, gần 1 km trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Xuân Lam, từ km 475 đến km 477+200 bị ngập lụt. Tại vị trí này có nhiều điểm ngập sâu khoảng 1 m.

Hiện lực lượng chức năng đã cấm đường và phân luồng giao thông từ chiều ngày 30/10, hướng dẫn các phương tiện lưu thông theo đường tránh Hồng Lĩnh.

Phía Bắc, phân luồng từ cầu Bến Thủy 2, phía Nam từ cuối nút giao Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh).

Trung tâm Sài Gòn ngập nặng sau mưa lớn

Mưa xối xả kết hợp triều cường chiều ngày 31/10 đã khiến phố Bùi Viện và nhiều tuyến đường trung tâm TP.HCM ngập sâu, nước tràn vào nhà dân.

Tuyến đường Bùi Viện bị ngập nước sau mưa lớn

Tuyến đường Bùi Viện bị ngập nước sau mưa lớn

Mưa như trút nước trên diện rộng bắt đầu từ gần 17h. Hơn 30 phút sau, tại khu phố Tây (Quận 1), nước ngập nửa bánh xe, tràn vào nhiều hàng quán hai bên đường. Các nhân viên quán bar phải kê đồ đạc, khai thông cống thoát nước để tránh ngập.

Nhiều tuyến đường trung tâm khác như: Trần Hưng Đạo (đoạn từ giao lộ Nguyễn Biểu đến Nguyễn Tri Phương), Nguyễn Trãi... cũng ngập hơn 50 cm. Giao thông tại các giao lộ rối loạn. Cảnh sát giao thông đã đội mưa phân luồng.

Cơn mưa kéo dài hơn một giờ cũng khiến nhiều tuyến đường ở Quận 8, Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp... trong tình cảnh tương tự. Đường Tô Ngọc Vân (Thủ Đức) kéo dài chừng 1 km có đoạn ngập lút bánh xe, cảnh sát giao thông phải chốt chặn để hướng dẫn người dân đi đường khác. Đường Phạm Văn Chiêu và Võ Văn Khối (Gò Vấp) nước tràn vào nhà, nhiều người phải dùng tấm ván, bao cát để chắn nước.

Đến hơn 19h, mưa đã tạnh nhưng các tuyến đường, khu dân cư vẫn còn mênh mông nước.

Trong 9 tháng năm 2020, TP.HCM ghi nhận 35 tuyến đường bị ngập, tăng 18 tuyến so với cùng kỳ năm ngoái, tổng lượng mưa tăng 33% so với cùng kỳ. Đa số các tuyến đường ngập đều nằm xa trung tâm như Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Tân...

Hai trạm BOT cửa ngõ Đồng Nai, Bình Dương chính thức tạm dừng thu phí

Trạm thu phí BOT Quốc lộ 1K qua Bình Dương, Đồng Nai đã chính thức tạm dừng thu phí từ chiều 31/10.

Hai trạm BOT trên Quốc lộ 1K chính thức tạm dừng thu phí từ chiều 31/10

Hai trạm BOT trên Quốc lộ 1K chính thức tạm dừng thu phí từ chiều 31/10

Đúng 15h ngày 31/10, trạm thu phí BOT Quốc lộ 1K qua TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai chính thức tạm dừng thu phí.

Trước đó, ngày 26/10, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản gửi Công ty TNHH BOT Quốc lộ 1K về việc tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1K đoạn Km2+487 - Km12+971 trên địa phận tỉnh Đồng Nai - Bình Dương - TP.HCM theo hình thức hợp đồng BOT để đánh giá.

Đối với việc hoàn trả tiền cho các phương tiện đã mua vé tháng và vé quý còn thời hạn sử dụng tại các trạm thu phí thuộc Dự án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị doanh nghiệp dự án tính số tiền hoàn trả cho khách hàng (số tiền chưa sử dụng tính từ ngày 31/10).

Dự án BOT Quốc lộ 1K do Liên danh Công ty CP Đầu tư 194 - Công ty CP Rạng Đông - Công ty TNHH Xây dựng Đầu tư cơ sở hạ tầng Phú Thọ - Công ty CP Tập đoàn Tân Thành Đô - Công ty TNHH Bệnh viện mắt Thái Thành Nam (nhà đầu tư), Công ty TNHH BOT Quốc lộ 1K (doanh nghiệp dự án) và các cơ quan chức năng tổ chức theo hình thức hợp đồng BOT.

Trên tuyến có 2 trạm thu phí đặt trên Quốc lộ 1K (TP. Dĩ An, Bình Dương) và trạm thu phí đặt ngay cửa ngõ TP. Biên Hòa (Đồng Nai) để thu phí hoàn vốn Dự án.

An Giang: Cảnh sát vây bắt nhóm người chở 51 kg vàng lậu

4 người chạy xuồng máy, chở hai bao tải đựng 51 kg vàng từ Campuchia vào TP. Châu Đốc chống trả quyết liệt khi bị cảnh sát vây bắt.

Cảnh sát khám nghiệm hiện trường

Cảnh sát khám nghiệm hiện trường

Nhiều lực lượng của Công an tỉnh An Giang phối hợp tuần tra tuyến biên giới TP. Châu Đốc, phát hiện 4 người chạy xuồng máy trên đồng nước, hướng từ Campuchia vào Việt Nam, trưa 30/10.

Đến khu vực thuộc ấp Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Ngươn, TP. Châu Đốc, nhóm này cho xuồng dừng lại, vác các bao tải và túi nylon màu đen lên bờ. Từ nhiều phía, cảnh sát ập đến. 4 người chống trả quyết liệt.

Ba người nhảy lên xuồng nổ máy tẩu thoát. Riêng Trần Văn Hải (ngụ huyện An Phú) bị bắt cùng tang vật. Tiếp tục truy lùng đến khuya cùng ngày, cảnh sát bắt được 3 người còn lại đang trốn tại khu vực biên giới.

Trong các bao tải và túi nylon có nhiều khối kim loại màu vàng, nặng 51 kg. Bước đầu, nhóm người thừa nhận đây là vàng 24K và họ chỉ chở thuê.

Bắt 3 nữ cán bộ ở Thanh Hóa trong đường dây làm văn bằng, chứng chỉ giả

Công an TP. Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây làm hàng trăm văn bằng, chứng chỉ giả, trong đó có 3 cán bộ thuộc Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh Thanh Hóa.

15 người trong ổ nhóm bị bắt giữ, trong đó có 3 nữ cán bộ Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa

15 người trong ổ nhóm bị bắt giữ, trong đó có 3 nữ cán bộ Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa

Ngày 31/10, tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an TP. Thanh Hóa vừa triệt phá thành công chuyên án làm văn bằng, chứng chỉ giả, bắt giữ 15 người có hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức".

15 người bị bắt giữ gồm: Lê Thị Liên; Đỗ Thị Giang và Hoàng Thị Hường đều là cán bộ Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa; Đặng Văn Sáng, Lưu Công Hòa, cùng ngụ TP. Hà Nội; Đặng Duy Minh, Trần Xuân Triệu, Đặng Văn Giang, Đỗ Văn Phúc, Đặng Tiến Hoàng, Phạm Minh Tuấn, Đỗ Ngọc Thanh, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Tuấn Anh, Lý Kim Sơn cùng ngụ Quận 7, TP.HCM.

Ngày 29/10, Công an TP. Thanh Hóa huy động 50 cán bộ, chiến sĩ đồng loạt khám xét 8 điểm tại tỉnh Thanh Hóa, TP. Hà Nội và TP.HCM, thu giữ toàn bộ thiết bị máy móc, công cụ phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội gồm: 7 bộ máy vi tính, 1 iPad, 2 máy in thẻ nhựa, 1 máy ép plastic, nhiều văn bằng, chứng chỉ, học bạ giả...

Từ tháng 3 đến 6/2020, ổ nhóm này đã tổ chức 4 lớp với gần 600 học viên tham gia và thu mỗi hồ sơ theo học từ 3,5 đến 7 triệu đồng. Sau đó nhóm này vẫn tổ chức ôn, thi để che giấu hành vi phạm tội của mình và móc nối với nhóm ở Hà Nội để làm và cấp chứng chỉ tiếng Anh giả cho các học viên.

Thậm chí, ổ nhóm này còn lập các trang Facebook, Zalo ảo để chạy quảng cáo, nhận các đơn hàng và trực tiếp in ấn văn bằng, chứng chỉ giả để bán cho người có nhu cầu.

Hiện vụ việc đang được Công an TP. Thanh Hóa tiếp tục điều tra mở rộng.

Chuyên đề