Bản tin thời sự ngày 2/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sẽ lựa chọn xong nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam vào cuối năm 2020; trình Chính phủ đề án thành lập TP. Phú Quốc, tài xế taxi được cấp biển số vàng trong vòng một giờ…

Cuối năm 2020, sẽ lựa chọn xong nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam

Trường hợp thuận lợi, đấu thầu thành công, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đàm phán, ký hợp đồng với các nhà đầu tư vào tháng 12/2020 để khởi công xây dựng các dự án vào đầu năm 2021.

Phương tiện lưu thông trên đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ

Phương tiện lưu thông trên đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Gi

Đến nay, 5 dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đối tác công-tư (PPP) đã có 14 nhà đầu tư mua hồ sơ mời thầu để chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, từ ngày 20/7/2020, các Ban quản lý dự án (bên mời thầu) đã phát hành hồ sơ mời thầu toàn bộ 5 dự án thành phần PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đến nay, đã có 14/16 nhà đầu tư qua sơ tuyển đến mua hồ sơ mời thầu.

Theo quy định pháp luật về đấu thầu, nhà đầu tư có 60 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Dự kiến khoảng ngày 20/9/2020 sẽ mở thầu, các Ban quản lý dự án sẽ thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu để đánh giá hồ sơ dự thầu theo đúng quy định pháp luật.

Dự kiến trong tháng 12/2020, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phê duyệt kết quả đấu thầu và đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng với các nhà đầu tư (nếu đấu thầu thành công).

Dự án cao tốc Bắc - Nam dài 654km, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 6 dự án đầu tư công, còn lại 5 dự án thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Tổng mức đầu tư của 11 dự án là khoảng 100.816 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Nhà nước khoảng 78.461 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỷ đồng./.

Trình Chính phủ Đề án thành lập thành phố Phú Quốc

UBND Kiên Giang gửi tờ trình Chính phủ về việc thành lập thành phố Phú Quốc với diện tích hơn 575 km2, dân số 177.540 người, ngày 1/8.

Một góc thị trấn Dương Đông ở huyện đảo Phú Quốc

Một góc thị trấn Dương Đông ở huyện đảo Phú Quốc

Theo Đề án, thành phố Phú Quốc sẽ có 8 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 2 phường (Dương Đông, An Thới) và 6 xã (Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn). Xã Hòn Thơm nhập vào thị trấn An Thới thành phường An Thới.

Phân khu đô thị Dương Đông diện tích hơn 2.518 ha sẽ là trung tâm, cửa ngõ giao lưu quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của đảo Phú Quốc. Đến năm 2030, Dương Đông có dân số 240.000 người, trong đó hơn 180.000 dân từ đất liền ra.

Trong khi đó, đô thị An Thới rộng trên 1.000 ha được định hướng thành cảng quốc tế, là đầu mối kỹ thuật, thương mại, du lịch. Nơi đây còn có các khu công nghiệp nhẹ, trung tâm văn hóa, di tích lịch sử gắn với truyền thống địa phương. Dự báo năm 2030, An Thới có hơn 70.000 dân.

Đảo Phú Quốc nằm phía Tây Nam, cách thành phố Rạch Giá 120 km về phía Đông, cách thành phố Hà Tiên 45 km về phía Tây. Phú Quốc hiện có 10 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có hai thị trấn Dương Đông và An Thới.

Hà Nội: Tiết kiệm ngân sách từ sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế

Nhờ đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, Hà Nội đã giảm tỷ trọng chi thường xuyên từ 58,8% xuống còn 51,2%.

Việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã cho thấy những kết quả đáng ghi nhận.

Việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã cho thấy những kết quả đáng ghi nhận.

Cùng với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, Hà Nội cũng thực hiện hiệu quả Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đến nay, đã hoàn thành sắp xếp, tổ chức bộ máy 23 sở và tương đương, giảm 49 phòng, giảm 29 trưởng phòng, 120 phó phòng. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị; các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện giảm từ 206 đơn vị còn 96 đơn vị.

Thành phố đã thực hiện tinh giản biên chế được 1.172 trường hợp, trong đó 259 trường hợp nghỉ do sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại vị trí việc làm, 484 trường hợp nghỉ do năng lực làm việc hạn chế.

Sau 3 năm triển khai đề án vị trí việc làm, thành phố có 646 trường hợp phải thay đổi vị trí việc làm, trong đó có 96 trường hợp điều chuyển để phù hợp với bằng cấp, chuyên môn, nghiệp vụ, 317 trường hợp phải đào tạo, bồi dưỡng bổ sung cho phù hợp vị trí việc làm.

Cũng nhờ đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, thành phố Hà Nội đã giảm tỷ trọng chi thường xuyên trên tổng chi ngân sách Nhà nước từ 58,8% (năm 2016) xuống còn 51,2% (năm 2020); tiết kiệm chi thường xuyên hơn 13.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 – 2020. Đây là nguồn lực cho cải cách tiền lương, tăng cường nguồn lực chi đầu tư phát triển.

Tài xế taxi được cấp biển số vàng trong vòng một giờ

Gần 90 taxi, xe công nghệ trên toàn quốc được cấp mới biển số màu vàng trong ngày đầu tiên cảnh sát giao thông áp dụng quy định mới.

Những chiếc taxi đầu tiên ở Hà Nội có biển số màu vàng vào ngày 1/8

Những chiếc taxi đầu tiên ở Hà Nội có biển số màu vàng vào ngày 1/8

Tại trụ sở Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội sáng ngày 1/8, gần chục tài xế mang xe đến làm thủ tục đổi, cấp mới biển số màu vàng.

Tài xế đăng ký cấp biển mới khi nộp đủ hồ sơ sẽ được cảnh sát kiểm tra và mời bấm biển số, sau vài phút. Còn tài xế muốn giữ nguyên số chỉ đổi màu biển, sau khi nộp hồ sơ, được cấp giấy hẹn 5 - 7 ngày đến nhận biển.

Trường hợp đổi biển màu vàng không bắt buộc, tài xế có khoảng một năm rưỡi chuẩn bị, từ ngày 1/8.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, hơn 800.000 xe trên toàn quốc thuộc diện phải đổi biển màu vàng. Đến 12h trưa nay, các đơn vị đã đổi 88 biển số xe màu vàng, chủ yếu cho taxi truyền thống và xe công nghệ. Trong đó, 65 xe đăng ký mới, 23 xe đổi biển giữ số.

Theo Thông tư 58 về đăng ký xe của Bộ Công an, hồ sơ đổi biển số màu vàng gồm: giấy đăng ký xe; chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân; biển số.

Lái xe không cần mang trực tiếp xe đến, không phải cà số khung, số máy. Việc cấp mới biển diễn ra trong ngày.

Phí cấp/đổi biển: 100.000 đồng. Thời gian cấp: từ 1/8/2020 đến hết 31/12/2021.

Truy tố 4 bị can trong đường dây buôn bán trang phục phòng dịch giả

Do hám lợi, Trương Thị Bình cùng đồng phạm là Hoàng Văn Tới, La Văn Thi và Nguyễn Đức Việt Anh đã mua các bộ trang phục bảo hộ rời, in tem nhãn mác giả rồi đem đi tiêu thụ.

Trang phục phòng dịch giả mạo nhãn hiệu của Công ty Phúc Hà.

Trang phục phòng dịch giả mạo nhãn hiệu của Công ty Phúc Hà.

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 4 bị can trong vụ án Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ y tế Đức Anh (viết tắt là Công ty Đức Anh, địa điểm kinh doanh số 5, ngõ 178, phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) buôn bán, làm giả hàng nghìn bộ trang phục y tế phòng dịch.

Bốn bị can bị truy tố về cùng tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo quy định tại Điều 192, khoản 3, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 2015, gồm Trương Thị Bình (sinh năm 1982, Phó Giám đốc Công ty Đức Anh), La Văn Thi (sinh năm 1982, Giám đốc kinh doanh Công ty Đức Anh), Nguyễn Đức Việt Anh (sinh năm 1987, nhân viên kinh doanh của Công ty Đức Anh), Hoàng Văn Tới (sinh năm 1989, nhân viên Khoa Khám bệnh của một bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội).

Theo cáo trạng, ngày 8/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh vật tư, thiết bị y tế đối với Công ty Đức Anh.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, các nhân viên Công ty Đức Anh đang đóng gói bộ trang phục phòng dịch có dấu hiệu làm giả bộ trang phục phòng dịch của Công ty CP Dược và thiết bị y tế Phúc Hà địa chỉ tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn in và dịch vụ thương mại Quang Trung (địa chỉ tại Khu đô thị Pháp Vân, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Dịch Covid-19: Đưa 230 công dân Việt Nam từ Hàn Quốc về nước an toàn

Ngay sau khi máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, đội bay và các hành khách đã được giám sát y tế và được cách ly tập trung theo đúng quy định.

Công dân Việt Nam về nước lên các xe trung chuyển đến điểm cách ly tập trung 14 ngày

Công dân Việt Nam về nước lên các xe trung chuyển đến điểm cách ly tập trung 14 ngày

Ngày 1/8, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Hãng hàng không VietJet đã phối hợp với các cơ quan chức năng Hàn Quốc đưa 230 công dân Việt Nam từ Hàn Quốc về nước an toàn.

Hành khách trên chuyến bay bao gồm trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người ốm đau, lao động hết hạn hợp đồng, không có nơi cư trú, sinh viên không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác.

Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ công dân tại sân bay.

Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, Hãng hàng không VietJet đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt chuyến bay.

Ngay sau khi máy bay hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Nội Bài, đội bay và các hành khách đã được giám sát y tế và được cách ly tập trung theo đúng quy định.

Thời gian tới, việc đưa công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước sẽ được sắp xếp theo nguyện vọng của công dân, phù hợp với tình hình dịch bệnh và năng lực cách ly trong nước.

Phú Yên kỷ luật nhiều cán bộ sai phạm

Ngày 1/8, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Phú Yên đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Hồ Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Phú Yên.

Cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Hồ Văn Thanh

Cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Hồ Văn Thanh

Trong giai đoạn 2017 - 2018, với trách nhiệm là giám đốc, chủ tài khoản bệnh viện, ông Thanh đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, cố ý vi phạm nguyên tắc tài chính kế toán, gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước.

Cùng ngày, UBKT Tỉnh ủy Phú Yên ra quyết định kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Phạm Hoàng Huynh, Trưởng phòng Đo đạc bản đồ và viễn thám, Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Phú Yên. Trong giai đoạn 2018 - 2019, lợi dụng vị trí công tác của mình, ông Huynh đã tác động để một số công chức huyện Đông Hòa hợp thức hóa các thủ tục, lập hồ sơ, trình UBND huyện Đông Hòa (nay là thị xã Đông Hòa) cấp sổ đỏ sai quy định cho gia đình ông và một số hộ dân khác.

Chuyên đề