Bản tin thời sự 30/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam nghiên cứu khôi phục bay thương mại quốc tế vào cuối tháng 7/2020.

Việt Nam dự kiến “mở cửa” đường bay quốc tế vào cuối tháng 7

Cục Hàng không Việt Nam cho biết có thể nghiên cứu khôi phục bay thương mại quốc tế vào cuối tháng 7/2020, tới các quốc gia/vùng lãnh thổ không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng 30 ngày liên tục.

Việt Nam dự kiến “mở cửa” đường bay quốc tế vào cuối tháng 7

Việt Nam dự kiến “mở cửa” đường bay quốc tế vào cuối tháng 7

Trong báo cáo mới gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị các quy định để khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trên toàn thế giới, khi các quốc gia cân nhắc làm thế nào để khởi động lại hoạt động đi lại quốc tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thì ý tưởng về “Travel bubble” - “di chuyển nội khối hoặc hành lang di chuyển” đang trở nên hấp dẫn. Travel bubble được hiểu là hai hoặc nhiều quốc gia đã kiềm chế thành công Covid-19 thống nhất tạo ra một khối, hành lang di chuyển.

Tại Việt Nam, Cục Hàng không cho rằng có thể nghiên cứu khôi phục các chuyến bay quốc tế thương mại thường lệ đưa khách vào Việt Nam vào cuối tháng 7/2020. Đường bay quốc tế có thể mở đến các quốc gia/vùng lãnh thổ không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong 30 ngày liên tục.

Khởi công dự án sửa chữa đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất

Sau khi nâng cấp cải tạo, Cảng hàng không Nội Bài đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2025 dự kiến đạt đến 44 triệu hành khách/năm trong khi Tân Sơn Nhất là 50 triệu hành khách/năm.

Những hư hỏng đường băng Tân Sơn Nhất và Nội Bài sẽ được khắc phục triệt để. Ảnh: Vietnam+

Những hư hỏng đường băng Tân Sơn Nhất và Nội Bài sẽ được khắc phục triệt để. Ảnh: Vietnam+

"Sau khi nâng cấp cải tạo, Cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất sẽ tiếp tục tiếp nhận được các tàu Aibus A350, Boeing 787-9 hay 787-10, đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2025 dự kiến đạt đến 44 triệu hành khách/năm đối với Cảng hàng không Nội Bài và 50 triệu hành khách/năm đối với Tân Sơn Nhất", Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Lễ khởi công sáng ngày 29/6.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 11L/29R (1A) và đường cất hạ cánh 11R/29L (1B); xây dựng mới các đường lăn thoát nhanh S3A, S5B, S6B; cải tạo, nâng cấp các đường lăn hiện hữu (S1, S1A, S2, S3, S4, S5, S5A, S6, S7); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ đồng bộ.

Tổng mức đầu tư của Dự án là 2.031 tỷ đồng. Thời gian thi công theo 2 bước là 18 tháng. Dự kiến hoàn thành bước 1 trước Tết Nguyên đán năm 2021 và bước 2 là trước Tết Nguyên đán năm 2022.

Đối với Dự án Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L; xây dựng các đường lăn thoát nhanh (W2A, W4A), đường lăn song song (W11A); xây dựng, cải tạo, nâng cấp các đoạn đường lăn nối (N1, W3, W5, W5A, W7, W9); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ đồng bộ.

Tổng mức đầu tư của Dự án là 2.015 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 1.443 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Thời gian thi công và hoàn thành dự kiến cuối năm 2021.

Hiệp định EVFTA: Thực thi cơ chế hạn ngạch thuế quan

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt thực thi các cam kết này, Bộ Công Thương đã cung cấp thông tin cụ thể về cơ chế phân bổ và quản lý hạn ngạch thuế quan (TRQ) của EU đối với từng mặt hàng.

Cá ngừ đại dương là mặt hàng chiến lược của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. Nguồn: TTXVN

Cá ngừ đại dương là mặt hàng chiến lược của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. Nguồn: TTXVN

Trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), EU cam kết dành hạn ngạch thuế quan (TRQ) cho Việt Nam đối với 14 mặt hàng.

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt thực thi các cam kết này, Bộ Công Thương đã cung cấp thông tin cụ thể về cơ chế phân bổ và quản lý TRQ của EU đối với từng mặt hàng.

14 mặt hàng mà EU cam kết dành TRQ cho Việt Nam bao gồm: trứng và lòng đỏ trứng gia cầm; tỏi; ngô ngọt; gạo đã xát; gạo đã xay; gạo đã xay thuộc một số loại gạo thơm nhất định; tinh bột sắn; cá ngừ; surimi; đường và các sản phẩm khác chứa hàm lượng đường cao; đường đặc biệt; nấm; ethanol; mannitol, sorbitol, dextrin và các dạng tinh bột biến tính khác.

Đối với mặt hàng gạo, cơ chế TRQ được thực hiện với đầu mối phía EU là đơn vị G.4 (cây trồng và dầu ôliu) thuộc Tổng cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương), các lô hàng gạo thơm khi xuất khẩu vào thị trường EU phải tuân thủ theo quy định thực thi của EU về việc mở và tiếp nhận TRQ nhập khẩu cho gạo có xuất xứ từ Việt Nam.

Trên 62 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm

Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 6 tiếp tục khởi sắc với 13,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 27,9% so với tháng trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, có trên 62 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Ảnh minh họa

Trong 6 tháng đầu năm 2020, có trên 62 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Thống kê, sau hai tháng nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế - xã hội đang dần được khôi phục.

Trong tháng 6/2020, cả nước có 13.725 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 139,1 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 100 nghìn lao động, tăng 27,9% về số doanh nghiệp, tăng 23,4% về vốn đăng ký và tăng 9,4% về số lao động so với tháng trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 62 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 697,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 507,2 nghìn lao động.

Bên cạnh đó, còn có 25,2 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với 6 tháng đầu năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng lên 87,2 nghìn doanh nghiệp, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đạt 11,2 tỷ đồng, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 984,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 18 nghìn doanh nghiệp tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm là 1.681,5 nghìn tỷ đồng, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đoàn tàu tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội chạy thử nghiệm

Các đoàn tàu đầu tiên tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội đang chạy thử nghiệm ở Pháp, dự kiến về Việt Nam vào cuối năm.

Đoàn tàu tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội được căn chỉnh trong nhà máy ở Pháp. Ảnh: MRB

Đoàn tàu tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội được căn chỉnh trong nhà máy ở Pháp. Ảnh: MRB

Ngày 29/6, lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, đoàn tàu đầu tiên của tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội đã hoàn thành các hạng mục sản xuất, lắp đặt thiết bị bên trong và bắt đầu hoạt động căn chỉnh, chạy thử nghiệm trong khuôn viên nhà máy tại Valenciennes - Pháp.

"Dự kiến đoàn tàu này sẽ vận chuyển về Hà Nội vào cuối năm nay, thay vì tháng 7 như dự kiến trước đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19", đại diện MRB cho hay.

Ngoài ra, đoàn tàu thứ hai, thứ ba cũng đã hoàn thiện việc sản xuất, lắp đặt thiết bị để chuẩn bị chạy thử nghiệm, căn chỉnh trước khi vận chuyển về Việt Nam vào năm 2021. Riêng đoàn tàu thứ 4 mới sản xuất được hơn một tháng, chậm hơn dự kiến do thiếu thiết bị.

4 đoàn tàu trong đợt sản xuất đầu tiên ở Pháp thuộc gói thầu 10 đoàn tàu của tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội. Tàu sử dụng vật liệu hợp kim nhôm theo tiêu chuẩn châu Âu, mỗi đoàn tàu của tuyến metro số 3 Nhổn - Ga Hà Nội có 4 khoang, với tổng chiều dài 78,27 m, có 94 ghế được phân chia ra các khu vực cho người khuyết tật và có thể chở tổng cộng gần 950 hành khách mỗi chuyến, khai thác với tốc độ thương mại 35 km/h, tốc độ thiết kế tối đa đạt 80 km/h.

Tính đến đầu tháng 6, tiến độ tổng thể toàn tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội đạt khoảng 62.2%. Trong đó, hai gói thầu hoàn thiện 100% là đoạn tuyến trên cao và công trình hạ tầng kỹ thuật Depot.

Hà Nội sẽ thanh lý gần 400 xe công

TP. Hà Nội sẽ thanh lý 391 xe quá thời hạn sử dụng hoặc còn thời hạn nhưng hư hỏng, 17 xe dôi dư được bán đấu giá.

Theo Sở Tài chính Hà Nội, kết quả rà soát cho thấy tổng số ôtô phục vụ công tác chung và các chức danh (không bao gồm xe chuyên dụng như y tế, cứu hộ, đê điều, lực lượng vũ trang...) của các đơn vị là 577, trong đó, 19 xe phục vụ các chức danh và 558 xe phục vụ công tác chung.

Từ việc rà soát và căn cứ quy định hiện hành, thành phố sẽ ban hành quyết định đấu giá 17 ôtô 9-16 vẫn còn thời gian sử dụng, nhưng dôi dư sau quá khi rà soát và sắp xếp. 391 xe đã quá thời gian sử dụng (trên 15 năm hoặc sử dụng dưới 15 năm nhưng hư hại không sử dụng được) sẽ được Thành phố tổ chức thanh lý.

Ngoài ra, 61 xe sẽ được điều chuyển từ đơn vị thừa sang đơn vị thiếu so với tiêu chuẩn, định mức.

Trong khi chưa hoàn tất thủ tục xử lý (điều chuyển/bán đấu giá/thanh lý), Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị bảo quản không được sử dụng vượt định mức. Các đơn vị có tiêu chuẩn nhưng không được sắm ôtô phục vụ công tác chung thì thuê dịch vụ hoặc khoán kinh phí sử dụng ôtô khi đi công tác.

Việc khoán kinh phí sử dụng xe được thành phố thí điểm từ 1/3/2017 tại 8 đơn vị gồm các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội; hai quận Long Biên, Hà Đông và hai huyện Gia Lâm, Thanh Trì.

Sau gần ba năm khoán xe, tổng số tiền tiết kiệm của tám đơn vị gần 300 mỗi tháng so với thời điểm chưa khoán. Việc này cũng giúp các đơn vị giảm biên chế, tiết kiệm kinh phí mua sắm xe mới và giảm tải công việc cho khối văn phòng.

Chuyên đề