Bản tin thời sự 3/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng nền kinh tế đang gặp rất nhiều thách thức sau dịch Covid-19, đặc biệt là nguy cơ suy thoái, nên cần lập Ban chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất lập Ban chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP

Ngày 2/7, báo cáo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2020, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, nhiều quốc gia còn đang vật lộn với dịch bệnh và chưa thể có giải pháp hữu hiệu phục hồi nền kinh tế và có mức tăng trưởng âm.

Do đó, việc đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 1,81% tuy là thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua nhưng là đáng ghi nhận, nước ta nằm trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng dương. Tuy nhiên, việc tăng trưởng GDP của quý II chỉ đạt 0,36% là điều đáng quan tâm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự báo 6 tháng cuối năm còn nhiều thách thức khi sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... còn gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất Chính phủ trình Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, thành viên là đại diện từ các cơ quan trong hệ thống chính trị để quyết tâm sớm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế.

Việt Nam trao công hàm phản đối Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa

Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Đá Chữ Thập là trung tâm các hoạt động leo thang, quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đá Chữ Thập là trung tâm các hoạt động leo thang, quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao diễn ra chiều 2/7, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc tiến hành tập trận tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

"Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại vi phạm tương tự trong tương lai."

Việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia và các quy định của UNCLOS 1982 có ý nghĩa quan trọng đối việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực Biển Đông, của khu vực và trên thế giới"./.

Nhà mạng cắt liên lạc thuê bao có cuộc gọi “rác”

Để tránh quấy rối khách hàng, các nhà mạng sẽ cắt liên lạc của thuê bao thực hiện cuộc gọi rác, trong đó, Viettel đã thực hiện trước từ 1/7.

Thuê bao thực hiện cuộc gọi rác sẽ bị cắt liên lạc. (Ảnh minh họa)

Thuê bao thực hiện cuộc gọi rác sẽ bị cắt liên lạc. (Ảnh minh họa)

Theo công văn Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa gửi các doanh nghiệp viễn thông, cơ quan này đã đưa ra một số giải pháp mạnh tay để xử lý tình trạng cuộc gọi rác. Trong đó, thuê bao phát tán cuộc gọi rác sẽ bị cắt liên lạc.

Cục Viễn thông cùng các nhà mạng đã thống nhất 5 tiêu chí để xác định cuộc gọi rác, gồm tần suất thực hiện cuộc gọi, tỷ lệ cuộc gọi có thời gian liên lạc ngắn, tỷ lệ cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi ngắn, tỷ lệ gọi đi cho các thuê bao không có mối quan hệ, đặc điểm hành vi sử dụng. Cùng với đó, nhà mạng cũng cần chú ý ghi nhận phản hồi của khách hàng nghi ngờ nhận được cuộc gọi rác.

Theo Cục Viễn thông, Viettel áp dụng các giải pháp ngăn chặn cuộc gọi rác từ 1/7. Mobifone và Vinaphone sẽ triển khai trước 1/8.

Thủ tướng đồng ý hạ tiêu chí cho doanh nghiệp vay gói 16.000 tỷ trả lương

Do tiêu chí quá cao nên sau khoảng 2 tháng triển khai, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đến nay chưa doanh nghiệp nào vay được gói tín dụng 16.000 tỷ đồng, lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị giảm sâu thu nhập do đại dịch.

Để doanh nghiệp vay được gói tín dụng lãi suất 0% trả lương cho người lao động, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Chính phủ bỏ tiêu chí doanh nghiệp không có nguồn thu mới được vay

Để doanh nghiệp vay được gói tín dụng lãi suất 0% trả lương cho người lao động, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Chính phủ bỏ tiêu chí doanh nghiệp không có nguồn thu mới được vay

Báo cáo tại hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, sáng 2/7, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết gói 16.000 tỷ đồng cho vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị mất việc do đại dịch đang gặp khó khăn. Nguyên nhân do tiêu chí quá cao.

Khắc phục hạn chế này, để doanh nghiệp vay được gói tín dụng trả lương cho người lao động, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Chính phủ bỏ tiêu chí doanh nghiệp không có nguồn thu mới được vay.

"Nếu không có nguồn thu thì doanh nghiệp gần như phá sản, giải thể. Do đó, doanh nghiệp không vay để trả lương cho người lao động", ông Dung giải thích.

Đồng thời, ông Dung cũng đề xuất Chính phủ cho doanh nghiệp vay gói này đến hết tháng 12 năm nay thay vì hạn cuối là ngày 31/7. Đây là giải pháp để kích cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, ông Dung cũng kiến nghị Chính phủ cho phép mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ do bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.

Về giảm tiêu chí tiếp cận gói 16.000 tỷ đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý hạ các tiêu chí để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để trả lương cho người lao động.

Gần 50 tấn vải thiều Việt Nam lần đầu vào siêu thị Singapore

Đây là năm đầu tiên vải thiều của Việt Nam có thương hiệu được Tập đoàn bán lẻ FairPrice nhập khẩu chính thức đưa vào thị trường Singapore với quy mô lớn.

Vải thiều Việt Nam lần đầu vào siêu thị ở Singapore.

Vải thiều Việt Nam lần đầu vào siêu thị ở Singapore.

Thương vụ Việt Nam tại Singapore (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến giữa tháng 6, gần 50 tấn vải đã được xuất khẩu sang Singapore từ cảng Hải Phòng. Vải thiều Việt Nam hiện được bán với giá 5 SGD/kg trong tuần đầu tiên (mức giá khuyến mãi) và tăng trở lại mức 6 SGD/kg ngay trong tuần tiếp theo, cùng mức giá với vải Trung Quốc đang bán tại Singapore. Nhờ chất lượng và màu sắc trái vải đẹp tươi hơn hẳn, người tiêu dùng Singapore đã ngay lập tức “phải lòng” với trái vải Việt Nam. Sau 2 tuần lên kệ, nhiều siêu thị đã không còn vải để bán.

Giá trái vải của Việt Nam rất cạnh tranh so với vải Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc và chất lượng hơn hẳn. Tuy nhiên, khó khăn lớn hiện nay là khả năng đảm bảo nguồn cung hàng chất lượng cao cho Singapore.

Hiện nay, nguồn vải sang Singapore được xuất từ vùng trồng bằng hệ thống tiêu chuẩn liên kết chuỗi khối OTAS Việt Nam để phục vụ thị trường Nhật Bản. Trong những năm tới, khi nhu cầu của thị trường Nhật Bản lớn hơn, nguồn vải này sẽ không đủ khả năng cung cấp cho Singapore.

Chuyên đề