Bản tin thời sự 25/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý tạm dừng triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (Khánh Hòa).

1. Tạm dừng lập quy hoạch Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý tạm dừng triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (Khánh Hòa).

Bản tin thời sự 25/6 ảnh 1

Nhiều khu vực tại Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa còn hoang vu

Xét đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa và ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tạm dừng triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong cho đến khi Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.

Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa khẩn trương tổ chức việc lập Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng Luật Quy hoạch năm 2017; Nghị quyết số 751/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản pháp luật về quy hoạch. Đồng thời, tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan và quy định của pháp luật.

Sau 5 năm thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2030, UBND tỉnh Khánh Hòa nhận thấy khu vực Nam Vân Phong đã có một số dự án đi vào hoạt động và đang xây dựng.

Trong khi đó, đối với khu vực Bắc Vân Phong, do chủ trương xây dựng đặc khu từ năm 2012 nên chưa triển khai lập quy hoạch các khu chức năng, để nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp. Một số khu chức năng và đất chưa sử dụng cần điều chỉnh và bổ sung các nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế để kêu gọi đầu tư.

Từ thực tế đó, tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong cho đến khi có Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

2. Đắk Lắk - Khánh Hoà cùng đề xuất đưa tuyến cao tốc vào quy hoạch

Hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa cùng nhau đề nghị bổ sung đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang vào quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam.

Bản tin thời sự 25/6 ảnh 2

Đa phần các sở ban ngành đều thống nhất lựa chọn phương án xây cao tốc có tổng chiều dài 105km.

UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản đề nghị bổ sung đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang vào quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam.

Hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa khẳng định, nếu tuyến cao tốc này được đầu tư xây dựng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn đối với hai địa phương nói riêng, vùng Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung nói chung.

Cụ thể, về xuất nhập khẩu hàng hóa của Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên đi các nước qua cảng Nam Vân Phong (Khánh Hòa) sẽ rút ngắn khoảng cách 203 km so với xuất nhập khẩu qua khu vực TP.HCM.

Việc bổ sung đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang vào Quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng năm 2030 là cơ sở để hai địa phương triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Cuối tháng 5/2020, tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa đã họp và thống nhất lựa chọn hai phương án tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang để trình Bộ Giao thông vận tải xem xét. Trong đó, phương án 1A có chiều dài 105 km, dự kiến tổng mức đầu tư 27.211 tỷ đồng; phương án 1C tổng chiều dài 113 km, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 29.000 tỉ đồng.

3. Một số sản phẩm lốp xe ôtô Việt Nam bị Hoa Kỳ khởi xướng chống trợ cấp

Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã chính thức khởi xướng điều tra chống trợ cấp đối với một số sản phẩm lốp xe ôtô có xuất xứ từ Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, dự kiến, vụ việc sẽ được tiến hành điều tra trong vòng 12 tháng và có thể được gia hạn thêm 6 tháng.

Được biết, trong các chương trình bị cáo buộc trợ cấp, đáng lưu ý, lần đầu tiên kể từ khi pháp luật chống trợ cấp sửa đổi của Hoa Kỳ được ban hành và có hiệu lực vào tháng 4/2020, nội dung “định giá thấp tiền tệ” được Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra trong khuôn khổ vụ việc chống trợ cấp.

Chương trình bị điều tra dựa trên cáo buộc của nguyên đơn Hoa Kỳ cho rằng chính sách “định giá thấp tiền tệ” đã mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.

Để ứng phó hiệu quả với vụ việc, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu có liên quan của Việt Nam chủ động tham gia hợp tác đầy đủ và toàn diện với Bộ Thương mại Hoa Kỳ; cung cấp thông tin, bản trả lời đúng yêu cầu và thời hạn...

Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan có liên quan của Việt Nam để cung cấp các thông tin cần thiết cho phía Hoa Kỳ về các nội dung trợ cấp bao gồm cả vấn đề “định giá thấp tiền tệ” để Bộ Thương mại Hoa Kỳ có đầy đủ căn cứ, dữ liệu trước khi ban hành kết luận điều tra vụ việc;

Theo Bộ Công Thương, lốp xe ôtô Việt Nam đã được Bộ Công Thương cảnh báo nguy cơ bị nước ngoài điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ tháng 7/2019 với mức độ cao. Trong thời gian qua, Bộ đã tích cực phối hợp, làm việc với các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhằm chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó trong trường hợp bị điều tra.

4. 12 dự án thua lỗ, yếu kém, không phục hồi được thì buộc phá sản

Liên quan đến việc xử lý 12 dự án án chậm tiến thua lỗ thuộc ngành ngành Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không để kéo dài, không để chậm trễ, gây thất thoát tài sản Nhà nước. Dự án nào phục hồi được thì cố gắng phục hồi, còn không thì buộc phải phá sản, giải thể, thanh lý.

Bản tin thời sự 25/6 ảnh 4

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp

Chiều 24/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về kế hoạch và phương án tổng thể xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

Tại cuộc họp, Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của Ban Chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém tại một số dự án và doanh nghiệp kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Đến nay, có một số dự án được đưa vào hoạt động và một số dự án được xử lý với hình thức phù hợp.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị tổ công tác báo cáo Ban Chỉ đạo để xem xét xử lý từng dự án cụ thể cũng như báo cáo Thường trực Chính phủ. Tinh thần là không để kéo dài, không để chậm trễ, gây thất thoát tài sản Nhà nước; nếu phục hồi được thì cố gắng phục hồi, còn không thì buộc phải phá sản, giải thể, thanh lý…

Trước đó, trong cuộc họp chuyên đề của Ban Chỉ đạo xử lý 12 dự án yếu kém này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu phân loại cụ thể các dự án gồm: Nhóm 1 gồm các dự án phục hồi có lãi; nhóm 2 là các dự án có thể tái cơ cấu để phục hồi chuyển lên nhóm 1; nhóm 3 gồm các dự án không thể tái cơ cấu, phục hồi, kiên quyết cho phá sản, giải thể, hoặc phương án khác để giảm bớt thiệt hại cho Nhà nước.

12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương với tổng mức đầu tư ban đầu là 43.673,55 tỷ đồng, tổng mức đầu tư điều chỉnh là 63.610,96 tỷ đồng (trong đó, cơ cấu vốn chủ sở hữu/ vốn vay là 14.350,04 tỷ đồng/47.451,24 tỷ đồng).

5. Mua máy xét nghiệm 7,23 tỷ đồng: Hủy thầu, đề nghị kiểm điểm 2 giám đốc sở

Thanh tra tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chủ tịch UBND Tỉnh hủy thầu đối với gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Real-time PCR. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh tổ chức kiểm điểm trách nhiệm theo quy định pháp luật về cán bộ, công chức đối với Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc và Phó giám đốc Sở Tài chính có liên quan theo quy định.

Bản tin thời sự 25/6 ảnh 5

Máy xét nghiệm Real-time PCR tự động được Sở Y tế Quảng Nam mua với giá 7,23 tỷ đồng

Ngày 24/6, Thanh tra tỉnh Quảng Nam công bố quyết định thanh tra vụ máy xét nghiệm 7,23 tỷ đồng.

Kết quả Thanh tra đột xuất việc thực hiện gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Real–time PCR tự động theo Quyết định số 793/QĐ-UBND ngày 24/3/2020 của UBND tỉnh tại Sở Y tế và Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam

Theo kết quả thanh tra, việc khẩn trương mua sắm, trang bị hệ thống xét nghiệm Real-time PCR tự động nhằm phục vụ công tác xét nghiệm phát hiện sớm virut Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là một chủ trương đúng và cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Y tế để phòng chống dịch Covid-19.

Việc áp dụng hình thức chỉ định thầu là đúng quy định pháp luật, sau khi có hệ thống xét nghiệm đã thực hiện hàng nghìn xét nghiệm nhằm thực hiện tốt việc cách ly, điều trị, qua đó đã góp phần cùng cả nước ngăn chặn kịp thời không cho dịch bệnh bùng phát.

Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy có vi phạm trong quá trình xây dựng giá, thẩm định giá gói thầu tại Sở Y tế và Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam dẫn đến việc tổ chức thực hiện gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Real–time PCR tự động chưa đúng các thủ tục theo quy định pháp luật. Về thiệt hại chưa xảy ra do hệ thống máy đang trong quá trình vận hành thử nghiệm, chưa nghiệm thu thanh toán.

Cũng theo Thanh tra, trong 3 bảng báo giá của 3 Công ty để Sở Y tế đề xuất và Sở Tài chính thẩm định làm căn cứ xác định dự toán giá gói thầu thì có 2 bảng báo giá không đúng quy định, vi phạm quy định tại Luật Đấu thầu năm 2013.

Căn cứ kết luận trên, Thanh tra tỉnh kiến nghị Chủ tịch UBND Tỉnh hủy thầu đối với gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Real-time PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm phát hiện sớm virut Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Chuyên đề