Bản tin thời sự 24/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ và Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng, gửi đơn lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, xin thôi giữ chức vụ.

1. Bí thư và Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi xin thôi chức

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ và Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng, gửi đơn lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, xin thôi giữ chức vụ.

Bản tin thời sự 24/6 ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ (trái), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng.

Ngày 23/6, một lãnh đạo Quảng Ngãi xác nhận ông Lê Viết Chữ và ông Trần Ngọc Căng đã gửi đơn xin thôi giữ chức vụ theo nguyện vọng cá nhân. Hiện đơn xin thôi chức của ông Chữ và ông Căng đang chờ Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét.

Hôm 16/6, Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật ông Lê Viết Chữ bằng hình thức cảnh cáo. Ông Lê Viết Chữ (SN 1963), quê huyện Nghĩa Hành, giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Theo Bộ Chính trị, với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, ông Chữ chịu trách nhiệm chính về vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Tỉnh ủy các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và của Ban cán sự Đảng, UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 trong việc cho chủ trương, quyết định điều động, bổ nhiệm, luân chuyển và giới thiệu cán bộ ứng cử, cử cán bộ, công chức, sinh viên tốt nghiệp đại học của tỉnh đi công tác, học tập ở nước ngoài không đúng tiêu chuẩn; chủ trương đầu tư một số dự án lớn từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, cho thuê đất và giao đất cho doanh nghiệp không qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, ông Chữ ký văn bản về chủ trương bổ sung dự án vào danh mục dự án đầu tư công trung hạn để hỗ trợ dự án đầu tư của doanh nghiệp, chủ trương tăng vốn điều lệ, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tạm ứng trước ngân sách Nhà nước để thực hiện dự án; ký văn bản và trực tiếp chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp không đúng thẩm quyền Ban thường vụ, Thường trực, bí thư Tỉnh ủy.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Căng đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ nên đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

2. Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sang làm cho doanh nghiệp tư nhân

Ông Bạch Ngọc Chiến - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định) chuyển sang làm cho một công ty tư nhân từ đầu tháng 7/2020 tới.

Bản tin thời sự 24/6 ảnh 2

Ông Bạch Ngọc Chiến có thời gian công tác tại UBND tỉnh Nam Định

Theo nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến, quyết định chuyển sang doanh nghiệp tư nhân của ông đã được suy xét kỹ càng. Ông Chiến cho biết, bản thân đã nhiều lần thay đổi công việc và mỗi lần thay đổi là một lần tiến bộ vì học thêm được kỹ năng và kiến thức mới.

Năm 1996, ông Chiến thi đỗ vào Bộ Ngoại giao và làm việc trong cơ quan nhà nước từ đó đến nay. Trong hơn 23 năm làm việc trong cơ quan nhà nước, ông Chiến từng làm cán bộ ở Bộ Ngoại Giao, Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định và Phó Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

Năm 2014, ông Bạch Ngọc Chiến là 1 trong 44 cán bộ được Ban chấp hành Trung ương Đảng luân chuyển công tác. Đến tháng 5/2014, tại kỳ họp bất thường HĐND tỉnh Nam Định, ông Chiến được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định.

Đến tháng 7/2019, ông Bạch Ngọc Chiến được điều động, chỉ định tham gia làm ủy viên Đảng đoàn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.

3. Chính thức loại sân bay Gia Lâm khỏi mạng sân bay dân dụng

Năm 2006, sân bay Gia Lâm (Hà Nội) được quy hoạch làm cảng hàng không dân dụng cấp 3C phục vụ nội địa kết hợp quân sự cho giai đoạn tới năm 2025, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có quyết định bỏ quy hoạch này, do hạn chế trong việc mở rộng và nằm giữa khu dân cư.

Bản tin thời sự 24/6 ảnh 3

Từ nay, sân bay Gia Lâm chỉ phục vụ mục đích quân sự.

Bộ GTVT vừa ban hành Quyết định 528/QĐ-BGTVT về việc bãi bỏ Quyết định 980 ngày 28/4/2006, về việc quy hoạch tổng thể Cảng hàng không Gia Lâm giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025.

Theo quyết định cũ năm 2006, Cảng hàng không Gia Lâm đã được Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch tổng thể, với vai trò cảng hàng không nội địa cấp 3C và sân bay quân sự cấp II.

Tuy nhiên, do nhiều hạn chế, sân bay Gia Lâm không còn phù hợp với kế hoạch phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam và xu thế phát triển đội tàu bay trên thế giới.

Trước đó, ngày 23/2/2018, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 236/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo Quyết định này, Cảng hàng không Gia Lâm không còn nằm trong hệ thống cảng hàng không toàn quốc.

Thủ tướng giao Bộ GTVT thực hiện các thủ tục bãi bỏ quy hoạch tổng thể Cảng hàng không Gia Lâm đã duyệt để Bộ Quốc phòng quản lý theo hiện trạng.

Hiện tại, Cảng hàng không Gia Lâm do Quân chủng Phòng không không quân quản lý, đang khai thác bay quân sự, không có hoạt động bay dân sự.

4. Hải Dương xuất khẩu lô vải thiều tươi đầu tiên sang Nhật Bản

Ngày 23/6, hơn 2 tấn vải thiều tươi của các hộ dân ở xã Thanh Thủy (Thanh Hà, Hải Dương) đã được thu hoạch, chuẩn bị xuất khẩu sang Nhật Bản.

Bản tin thời sự 24/6 ảnh 4

Đơn vị xuất khẩu sơ chế vải trước khi đưa đi xông hơi khử khuẩn.

Ngày 23/6, tại xã Thanh Thuỷ (Thanh Hà, Hải Dương), Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, UBND huyện Thanh Hà thu hái hơn 2 tấn vải để xuất khẩu sang Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên quả vải thiều tươi của Hải Dương được xuất khẩu sang nước này.

Lô vải được sơ chế tại nhà xưởng của doanh nghiệp này tại xã Thanh Xá, sau đó đưa sang Bắc Giang để xông hơi, khử khuẩn và ngày 24/6 sẽ xuất khẩu sang Nhật Bản bằng đường hàng không.

Việc xuất khẩu lô vải đầu tiên sang Nhật Bản sẽ mở ra hướng xuất khẩu mới cho quả vải Hải Dương, vì đây được đánh giá là một trong những thị trường khó tính.

5. EVN phúc tra khách hàng có sản lượng điện tăng đột biến từ 1,3 lần

Trong 5 tháng đầu năm và đầu tháng 6, có tới hơn 3,1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4, thậm chí nhiều khách hàng tăng 50-300% mức tiêu thụ điện năng.

Bản tin thời sự 24/6 ảnh 5

Công nhân Công ty Điện lực nâng cấp hệ thống lưới điện. Ảnh: TTXVN

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết thời gian vừa qua, nhiều cơ quan báo chí phản ánh về các trường hợp ghi sai chỉ số công tơ điện tại Hải Dương, Quảng Bình, Quảng Ninh…, EVN sẽ thực hiện nghiêm túc việc phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước liền kề.

“Các trường hợp phát hiện sai sót phải thực hiện xử lý hoá đơn tiền điện cho khách hàng đúng quy định (có thông báo cụ thể và biên bản làm việc với khách hàng)", văn bản của EVN nêu rõ.

Tập đoàn này cũng sẽ kiểm điểm và xử lý kỷ luật nghiêm Giám đốc đơn vị và cá nhân liên quan việc ghi sai chỉ số công tơ mà không phát hiện được khi thực hiện công tác ghi, kiểm tra, phúc tra chỉ số; kịp thời cung cấp thông tin đến các cơ quan báo chí kết quả kiểm tra, xử lý các ý kiến phản ánh sai chỉ số công tơ.

Thống kê từ EVN cho hay, trong 5 tháng đầu năm và đầu tháng 6, đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92% khách hàng) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020, đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215.000 khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.

6. Phú Yên: Cách chức Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu Lương Công Tuấn đã chỉ đạo, ký nhiều quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.

Bản tin thời sự 24/6 ảnh 6

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu Lương Công Tuấn

Ngày 23/6, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Phú Yên cho biết đã kết luận về kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Lương Công Tuấn, Thị ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu.

Theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, với chức trách Thị ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu phụ trách lĩnh vực đất đai, ông Lương Công Tuấn đã có những khuyết điểm, sai phạm về quản lý, sử dụng đất.

Ông Tuấn chỉ đạo, ký nhiều quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng.

Liên quan đến các sai phạm của ông Lương Công Tuấn, đầu tháng 5/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Văn Thế, cựu Trưởng phòng TN&MT thị xã Sông Cầu và ông Nguyễn Hải Phương, chuyên viên phòng này.

Hai ông này bị khởi tố điều tra tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai và được cho tại ngoại điều tra.

Chuyên đề