Bản tin thời sự 22/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 sẽ diễn ra vào ngày 26/6/2020 theo hình thức trực tuyến. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Phiên khai mạc, Phiên họp toàn thể, các phiên họp đặc biệt…

1. Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 sắp diễn ra theo hình thức trực tuyến

Bộ Ngoại giao vừa có thông báo cho biết, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 sẽ diễn ra vào ngày 26/6/2020 theo hình thức trực tuyến.

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Phiên khai mạc, Phiên họp toàn thể, các phiên họp đặc biệt về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số; đối thoại giữa Lãnh đạo các nước ASEAN với Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), đại diện Thanh niên ASEAN, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 phát biểu đại diện cho Việt Nam tại Phiên họp đặc biệt về tăng quyền năng phụ nữ trong thời đại số và cùng Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tại AIPA dự phiên đối thoại giữa Lãnh đạo ASEAN với AIPA.

Trước đó, trong các ngày 22-24/6/2020, diễn ra các Hội nghị trù bị. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức, Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 26 và Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN lần thứ 21.

2. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Báo chí cần giữ vững tinh thần cách mạng

Báo chí cách mạng thì lấy sứ mệnh của cách mạng làm sứ mệnh của mình. Báo chí cần giữ vững tinh thần cách mạng, giữ gìn niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Bảo vệ chính nghĩa, nói lên sự thật, đồng hành với lẽ phải và lên án cái xấu cái ác, chống lại sự phi nghĩa, đó là sứ mệnh cao cả của người làm báo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao giải A cho các tác giả. - Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Chương trình kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và Lễ trao giải báo chí quốc gia lần thứ XIV - năm 2019 được tổ chức vào tối 21/6 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Đây là buổi lễ diễn ra mỗi năm một lần, quy tụ những gương mặt nhà báo xuất sắc nhất, tác giả của những bài viết công phu, tâm huyết, vì sự phát triển của đất nước. Hội đồng Giải báo chí quốc gia lần thứ XIV đã chọn được 103 tác phẩm báo chí xuất sắc, gồm 9 Giải A, 21 Giải B, 41 Giải C và 32 Giải khuyến khích.

Các tác phẩm tham dự đã phản ánh kịp thời, đậm nét các sự kiện chính trị lớn của đất nước trong năm 2019 như: Nghị quyết 04 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; các nghị quyết, chính sách điều hành kinh tế- xã hội của Chính phủ trong năm 2019; các vấn đề về xử lý cán bộ sai phạm, sai phạm trong công tác quản lý đất đai, giáo dục; nạn tín dụng đen; phòng chống thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội…

Nhiều tác phẩm đã cho thấy hiệu ứng tác động xã hội tốt, được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết, dư luận xã hội đánh giá cao về vai trò phát hiện, phản biện, đấu tranh, phê phán cũng như biểu dương, xây dựng của báo chí.

3. Bộ Chính trị: Không giới thiệu người chạy chức, chạy quyền ứng cử đại biểu Quốc hội

Kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Bản tin thời sự 22/6 ảnh 3

Bế mạc kỳ họp thứ 9, QH khóa XIV

Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị 45 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 -  2026. Toàn văn Chỉ thị:

"Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày Chủ nhật, 23/5/2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

4. Phạm Công Danh được đề nghị nhận lại nhiều bất động sản

Viện KSND TP.HCM đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM không buộc bị án Phạm Công Danh bồi thường 901 tỷ đồng, đồng thời đề nghị cho ông Danh nhận lại 17 bất động sản.

Bản tin thời sự 22/6 ảnh 4

Phạm Công Danh được đề nghị nhận lại nhiều tài sản.

Ngày 22/6, TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại ngân hàng Đại Tín, gây thiệt hại hơn 1.338 tỷ đồng.

Theo đó, các bị cáo Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Đại Tín, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Phú Mỹ; Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty Phú Mỹ); Lâm Kim Dũng (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang); Huỳnh Thị Xuân Dung, Lâm Hứa Quỳnh Trinh, Phạm Hồng Hảo bị xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Sau bản án sơ thẩm, Viện trưởng Viện KSND TP.HCM quyết định kháng nghị một phần bản án sơ thẩm. Theo kháng nghị, bản án sơ thẩm buộc bị cáo Hứa Thị Phấn phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền 901 tỷ đồng đã chiếm đoạt, trách nhiệm hình sự phải gắn liền với trách nhiệm dân sự. Vì vậy, cấp sơ thẩm buộc bị án Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh bồi thường là không phù hợp, trái pháp luật.

Về 17 bất động sản ở Bình Dương thuộc 114 bất động sản đang được kê biên, để đảm bảo cho nghĩa vụ 29 khoản vay của Hứa Thị Phấn chuyển giao cho Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh (khi mua ngân hàng), Viện Kiểm sát cho rằng Hứa Thị Phấn lại ký hợp đồng chuyển nhượng 90% cổ phần của Hứa Thị Phấn tại Công ty Phú Mỹ cho bà Lý Kim Chi nhưng là hợp đồng không được công chứng và không được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Trong khi đó, việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ tại Trustbank giữa bị án Phạm Công Danh và bà Phấn được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận. Trong đó có việc chuyển giao 114 bất động sản nói trên.

Bị án Phạm Công Danh đã chuyển số tiền 56,8 tỷ đồng cho bị cáo Hứa Thị Phấn để tất toán khoản vay được bảo đảm bằng 17 bất động sản ở Bình Dương. Do đó, 17 bất động sản này phải thuộc quyền quản lý sử dụng của Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh.

5. Quả vải Việt Nam “cháy hàng” tại Nhật Bản

Theo Cục Bảo vệ thực vật, lô hàng hơn 2 tấn quả vải của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật đã được bán hết trong ngày đầu tiên có mặt tại siêu thị (21/6).

Bản tin thời sự 22/6 ảnh 5

Đến ngày 21/6, đã có hơn 12 tấn vải tươi của Bắc Giang xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: BVTV

Toàn bộ lô vải đầu tiên chỉ trong vòng 1 ngày đã được bán hết. Khách tiêu dùng Nhật đánh giá rất tốt về sản phẩm. Nhiều người tiêu dùng rất muốn được tiếp tục mua quả vải của Việt Nam.

Ông Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang, cho biết: "Dự đoán, quả vải sẽ được tiêu thụ tốt tại Nhật, chiều 20/6, tỉnh Bắc Giang đã tiếp tục xuất khẩu bằng đường hàng không thêm 3 tấn vải. Cũng trong ngày 20/6, thêm 6 tấn vải tươi được xuất đi bằng đường biển. Như vậy, trong tuần mới, sẽ có thêm khoảng 10 tấn vải tươi bán tại thị trường Nhật Bản".

Được biết, hiện tại mùa vải chính của Bắc Giang đang vào đợt thu hoạch rộ, vải thu hoạch để bán để xuất khẩu cho giá rất tốt.

Chuyên đề