Đầm dùi là thiết bị phổ biến, có thể mua bất kỳ lúc nào, với giá trị nhỏ nên không thể là lý do loại nhà thầu |
Trong một văn bản hướng dẫn pháp luật, Cục Quản lý đấu thầu đã đưa ra những hướng dẫn thực hiện liên quan nhưng bên mời thầu đã xử lý theo hướng khác. Bên mời thầu có cố tình loại nhà thầu một cách cứng nhắc, khiên cưỡng và không thỏa đáng?
Lý do loại nhà thầu không thuyết phục
Ngày 16/5/2016, Ban QLDA đầu tư các công trình y tế có Văn bản số 55/TB-BQLDA thông báo lý do các nhà thầu không đáp ứng về mặt kỹ thuật Gói thầu số 02: Xây dựng các công trình nhà, hạ tầng kỹ thuật và phụ trợ thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Triều (giai đoạn 2), trong đó nêu 3 lý do loại hồ sơ dự thầu (HSDT) của HANDICO36. Cụ thể, về nhân sự chủ chốt cho gói thầu, nhà thầu kê khai một trong hai vị trí công việc “kỹ sư hoặc cử nhân kinh tế phụ trách thanh quyết toán” là bà Trần Thị Hồng, trong đó có kèm theo hợp đồng lao động ký kết giữa HANDICO36 với bà Trần Thị Hồng ngày 11/10/2007 nhưng nhà thầu sử dụng con dấu đăng ký từ ngày 12/7/2011. Bên mời thầu cho rằng, nhà thầu đã gian lận thông tin.
Làm rõ nội dung này, nhà thầu đã có văn bản xác nhận của Cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) quận Cầu Giấy (Hà Nội) về việc bà Hồng tham gia BHXH liên tục từ tháng 1/2008 đến nay tại HANDICO36 và nhà thầu không hề có động cơ hay lợi ích gì từ việc sử dụng con dấu trong Hợp đồng lao động của bà Hồng, đây thuần túy là sơ suất của nhà thầu vì HSMT chỉ yêu cầu vị trí nhân sự này cần 3 năm kinh nghiệm, trong khi bà Hồng đã làm việc liên tục ở HANDICO36 hơn 8 năm nay.
Về thiết bị thi công chủ yếu, nhà thầu kê khai thiết bị đầm bê tông (đầm dùi): gồm 2 đầm dùi có công suất 1,38 kw và 1 đầm dùi có công suất 1,1 kw trong khi đó HSMT yêu cầu 3 đầm dùi có công suất 1,5 kw. Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhà thầu cho biết, giá trị tổng cộng của 3 đầm dùi chỉ khoảng 5 triệu đồng (rất nhỏ so với giá trị của gói thầu mà nhà thầu tham gia), đầm dùi là thiết bị hết sức phổ thông, có thể mua bất kỳ thời điểm nào. Và tại Văn bản số 61/VBCK-CT36 ngày 4/4/2016, nhà thầu cam kết đáp ứng đầy đủ máy, thiết bị thi công, trong đó nêu rõ, một số máy móc thiết bị thi công nhỏ không kê trong danh mục máy móc thiết bị của nhà thầu, khi thi công nếu có nhu cầu phát sinh, nhà thầu sẽ mua mới hoặc thuê. Do đó, nếu 3 đầm đã kê khai vẫn chưa đáp ứng đầy đủ quá trình thi công, nhà thầu sẽ mua thêm để đáp ứng nhu cầu thi công. Nhà thầu cũng cam kết sẽ đáp ứng đủ số lượng, công suất các máy móc, thiết bị phù hợp để phục vụ quá trình thi công, đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Về năng lực tài chính của nhà thầu, bên mời thầu cho rằng số liệu giữa các báo cáo tài chính của nhà thầu không khớp nhau, số dư đầu kỳ và cuối kỳ giữa các năm không bằng nhau. Nhà thầu cho biết, về vấn đề này, nhà thầu đã có văn bản làm rõ và giải thích sự chênh lệch này. Cụ thể đây là nguyên nhân khách quan nhưng bên mời thầu không chấp nhận giải trình của nhà thầu mà “cố ép” nhà thầu với quy kết “không đáp ứng yêu cầu của HSMT”.
Bỏ qua khuyến nghị chuyên môn?
Phúc đáp Văn bản số 58/BQLDA-KHĐT ngày 23/5/2016 của Ban QLDA đầu tư các công trình y tế đề nghị hướng dẫn thực hiện pháp luật về đấu thầu đối với gói thầu số 02 nêu trên, ngày 25/5/2016, Cục Quản lý đấu thầu đã có Văn bản số 449/QLĐT-ĐT, trong đó đưa ra từng khuyến nghị rõ ràng đối với cả 3 vấn đề mà bên mời thầu đề cập.
Đối với nội dung làm rõ về thiết bị thi công chủ yếu, Văn bản số 449/QLĐT-ĐT cho biết, trường hợp HSDT đề xuất thiếu hoặc đề xuất thiết bị thi công chủ yếu không đáp ứng theo yêu cầu của HSMT thì bên mời thầu không thể áp dụng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 16 Nghị định 63/2014/NĐ-CP để yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung. Chỉ trong trường hợp HSDT đáp ứng cơ bản yêu cầu của HSMT nhưng đề xuất thiếu hoặc không đáp ứng một số thiết bị thi công không quan trọng (thiết bị thi công phổ biến, được sử dụng rộng rãi, dễ dàng huy động và không có giá trị lớn như máy hàn, máy cắt, máy đầm cóc, máy bơm loại nhỏ…) thì bên mời thầu có thể coi đây là sai sót không nghiêm trọng và yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu cần thiết trong một thời hạn hợp lý. Nếu nhà thầu không cung cấp được thông tin, các tài liệu theo yêu cầu của bên mời thầu thì bên mời thầu căn cứ vào HSDT đã nộp của nhà thầu để xem xét, đánh giá.
Đối với năng lực tài chính, Văn bản số 449/QLĐT-ĐT nêu rõ trường hợp HSDT của nhà thầu có nội dung không trùng khớp về các số liệu trong báo cáo tài chính thì bên mời thầu cần yêu cầu nhà thầu làm rõ về nội dung này, đồng thời tham khảo thêm ý kiến của cơ quan kiểm toán, cơ quan quản lý thuế hoặc các cơ quan có liên quan để xác minh tính pháp lý cũng như sự phù hợp, chính xác của báo cáo tài chính do nhà thầu cung cấp, đảm bảo tính khách quan trong quá trình đánh giá HSDT.
Việc Ban QLDA đầu tư các công trình y tế Quảng Ninh mặc dù đã cho nhà thầu làm rõ HSDT, phát hành văn bản gửi cơ quan quản lý nhà nước đề nghị hướng dẫn pháp luật về đấu thầu nhưng lại không lắng nghe, không chấp nhận nội dung làm rõ của nhà thầu, bỏ qua khuyến nghị và hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu đang dấy lên một nghi vấn rằng, những “động thái” yêu cầu làm rõ HSDT, gửi văn bản tới cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu của bên mời thầu chỉ là hình thức. Việc loại nhà thầu một cách cứng nhắc, khiên cưỡng và không thỏa đáng là chủ đích từ trước.
Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục phản ánh câu chuyện này.