Emmanuel Macron trả lời báo chí sau cuộc gặp với bà Merke ở Berlin tháng 3. Ảnh: AFP |
"Đương nhiên quyền quyết định nằm trong tay cư tri Pháp và tôi không có ý can thiệp. Nhưng tôi sẽ vui mừng nếu Emmanuel Macron chiến thắng bởi vì ông ấy có lập trường nhất quán về các chính sách hậu thuẫn khối EU. Tôi cũng vậy", bà Thủ tướng trả lời báo Đức Kölner Stadt Anzeiger.
Việc ông Macron đắc cử "sẽ là dấu hiệu tích cực đối với trường phái chính trị trung dung, điều mà chúng tôi cũng muốn giữ vững ở Đức", bà Merkel nói thêm.
Thủ tướng Merkel nhấn mạnh nếu ông Macron làm tổng thống, mối quan hệ giữa Pháp và Đức sẽ được củng cố. Và điều này sẽ có lợi cho EU vì đây là hai cường quốc trong khối.
Về phía ông Macron, ông này cũng đánh giá mối quan hệ Pháp - Đức mang tính quyết định để vực dậy EU. Ông Macron còn đề xuất tất cả các thành viên trong khối ký kết một hiệp ước dân chủ nhằm thắt chặt đoàn kết và loại bỏ các nước có xu hướng ly khai.
Đây không phải là lần đầu tiên bà Merkel công khai ủng hộ một chính trị gia nước láng giềng. Trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2012, bà cũng từng lên tiếng ca ngợi ông Nicolas Sarkozy, tổng thống đương nhiệm lúc bấy giờ, khi ông này đang đối đầu với ứng viên đảng Xã hội François Hollande. Kết quả là ông Hollande chiến thắng.
Người dân châu Âu đang đổ dồn sự chú ý vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào ngày 7/5 giữa cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron và thủ lĩnh đảng cực hữu Mặt trận dân tộc Marine Le Pen.
Bà Le Pen, 48 tuổi, tuyên bố "đặt nước Pháp lên trên hết" và hứa sẽ đánh mạnh vào tình trạng nhập cư tràn lan, toàn cầu hóa và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Nếu đắc cử, bà Le Pen hứa sẽ đưa nước Pháp ra khỏi khu vực đồng euro, thậm chí sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc Pháp sẽ đi hay ở lại EU.
Trong khi đó, ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, được coi là "ngôi sao đang lên" trên chính trường Pháp, với phong cách lãnh đạo không mang tính đảng phái, không tả không hữu. Ông có quan điểm mở cửa với người tị nạn và tăng cường đoàn kết trong khối EU.