APEC 2017: Chủ tịch Toàn cầu PwC: “Tôi có ấn tượng rất tích cực với Việt Nam”

“Dựa vào những gì tôi nghe được tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2017, tôi có ấn tượng rất tích cực với Việt Nam. Tôi cũng thấy có cơ hội lớn ở đây”.
Chủ tịch toàn cầu PwC Robert E. Moritz trả lời phỏng vấn phóng viên. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch toàn cầu PwC Robert E. Moritz trả lời phỏng vấn phóng viên. Ảnh: TTXVN

Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, chiều 8/11, Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017 (APEC CEO Summit) đã khai mạc tại Đà Nẵng với chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung".

Ông Robert E. Moritz, Chủ tịch Toàn cầu của PricewaterhouseCoopers (PwC), nhận định: “APEC là một trong những khu vực đang phát triển rất tốt. Tăng trưởng GDP của khu vực này rất khả quan khi bạn nhìn vào những điều đang diễn ra, chẳng hạn ở Việt Nam và một số nước xung quanh”.

Riêng đối với Việt Nam, ông Moritz nói: “Dựa vào những gì tôi nghe được tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2017, tôi có ấn tượng rất tích cực với Việt Nam. Tôi cũng thấy có cơ hội lớn ở đây”.

Ngài Chủ tịch PwC cho biết có ba nhân tố chủ yếu dẫn tới nhận định trên. Đó là: Việt Nam có dân số trẻ và đang tăng trưởng; lực lượng lao động được đào tạo tốt và có cơ hội để đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế; các quốc gia láng giềng của Việt Nam đều chú trọng hơn vào các thỏa thuận thương mại.

Đề cập tới những quan ngại về sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ ở một số nền kinh tế APEC, ông Moritz nói: “Tôi nghĩ khi bạn xem xét các quan ngại về chủ nghĩa dân tộc hoặc chủ nghĩa bảo hộ chống lại toàn cầu hóa thì đó là vấn đề của các chính trị gia và cũng là vấn đề của công dân các quốc gia. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn nhìn thấy các cơ hội trong quá trình toàn cầu hóa.

Đối với họ, toàn cầu hóa có nghĩa rằng họ có thể kinh doanh một cách tự do hơn. Họ có thể hoạt động xuyên biên giới và họ tiếp cận các nguồn tài nguyên để cung cấp cho chuỗi cung ứng của họ, hoặc cho phép họ phục vụ các khách hàng ở bất cứ nơi đâu mà họ có thể”.

Vì vậy, ngài Chủ tịch PwC khẳng định “toàn cầu hóa vẫn sẽ tiếp tục. Chúng ta đang chứng kiến các doanh nghiệp có thể thích ứng với một thế giới toàn cầu hóa mới trên quan điểm chủ nghĩa dân tộc”.

Đề cập tới hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Moritz nói: “Việc Mỹ rút khỏi TPP rõ ràng là một trở ngại đối với các nước chủ chốt muốn thúc đẩy hiệp định thương mại đa phương này. Mặc dù vậy, tôi nghĩ rằng các nước (tham gia đàm phán) sẽ nhanh chóng thông qua (TPP)”.

Trước đó, PwC đã xuất bản ba báo cáo phân tích về triển vọng phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Trong các báo cáo này, PwC cho rằng về dài hạn, Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới với mức tăng trưởng GDP thực tế đạt trung bình 5,1% hàng năm. Dự đoán này dựa trên tiềm năng của Việt Nam với nền tảng dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, nguồn lao động lành nghề với chi phí cạnh tranh, mang đến các giải pháp đa dạng và khả thi hơn so với Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam đang có những định hướng chính sách thu hút đầu tư rõ ràng.

Cũng chính vì vậy, PwC cho rằng Việt Nam sẽ là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050, vượt qua các nền kinh tế phát triển hơn như Hà Lan vào năm 2030 và Australia vào năm 2040.

Việt Nam có tiềm năng cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị, vượt qua Thái Lan và Philippines trong lĩnh vực xuất khẩu công nghệ cao trong vòng 5 năm từ 2015. Bên cạnh xuất khẩu các sản phẩm điện và điện tử, số lượng công ty phần mềm và công nghệ thông tin ở Việt Nam cũng đang tăng mạnh. Hiện nay đã có gần 14.000 công ty chuyên về công nghệ thông tin.

Chuyên đề