An Giang báo cáo gì sau khi hủy kết quả đấu giá mỏ cát hơn 2.800 tỷ đồng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 23/3/2022, UBND tỉnh An Giang có quyết định hủy bỏ giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy kết quả đấu giá tài sản đối với vụ đấu giá mỏ cát sông Tiền hơn 2.811 tỷ đồng gây xôn xao dư luận vừa qua. Trong báo cáo về việc thực hiện công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản được ký cùng ngày, UBND tỉnh An Giang đã chỉ ra một số khó khăn tại địa phương.
Khu vực mỏ cát được đấu giá hơn 2.811 tỷ đồng. Ảnh Internet
Khu vực mỏ cát được đấu giá hơn 2.811 tỷ đồng. Ảnh Internet

Vừa qua, UBND tỉnh An Giang đã gửi thông báo đến Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ T-S.Home (gọi tắt là Công ty T-S.Home) về việc hủy bỏ giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy kết quả đấu giá tài sản đối với quyền khai thác mỏ cát sông tại khu mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới. Lý do hủy bỏ, theo UBND tỉnh An Giang, là do Công ty T-S.Home có công văn về việc ngưng thực hiện thủ tục khai thác mỏ cát.

Mỏ cát này có diện tích 60,3 ha được Công ty T-S.Home trúng đấu giá với số tiền hơn 2.811 tỷ đồng theo biên bản đấu giá tài sản do Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang xác lập lúc 12h ngày 26/3/2021.

Ngày 18/1/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang và Công ty T-S.Home thỏa thuận hủy kết quả đấu giá tài sản theo quy định tại Khoản 1 điều 72 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.

"Số tiền đặt cọc của Công ty T-S.Home đã nộp khi tham gia đấu giá hơn 1 tỷ đồng không được trả lại. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước. Sau khi trừ thù lao dịch vụ đấu giá tài sản cho Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Tỉnh là 330 triệu đồng, số tiền còn lại nộp ngân sách nhà nước gần 760 triệu đồng", văn bản của UBND tỉnh An Giang nêu.

Trong Báo cáo về việc thực hiện công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn, UBND tỉnh An Giang cho biết, từ năm 2012 - 2021, Tỉnh đã phê duyệt 7 khu vực thực hiện kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trong đó, 3 khu vực khoáng sản đã thực hiện đấu giá thành công (gồm 2 khu vực chưa thăm dò và 1 khu vực đã thăm dò); 1 khu vực khoáng sản đấu giá không thành công (do doanh nghiệp trúng đấu giá không tiếp tục thực hiện các thủ tục tại khu mỏ trúng đấu giá); 3 khu vực chưa thực hiện đấu giá.

UBND tỉnh An Giang cho biết, đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại khu vực chưa thăm dò mang lại nhiều rủi ro cho các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá. Nguyên nhân là các thông tin về khu mỏ chưa được thăm dò trữ lượng chỉ là thông tin dự báo. Vì vậy, khi doanh nghiệp trúng đấu giá tiến hành thăm dò thì các thông số này có thể bị sai lệch. Bên cạnh đó, việc tăng giá thuế tài nguyên tại thời điểm xác định tiền trúng đấu giá cũng gây nhiều khó khăn cho tổ chức trúng đấu giá.

Ngoài ra, theo UBND tỉnh An Giang, trong quá trình thực hiện đấu giá, Tỉnh áp dụng đồng thời đồng thời Nghị định số 22/2012/NĐ-CP (ban hành dựa trên cơ sở Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản) và Luật Đấu giá tài sản. Tuy nhiên, các văn bản này có nhiều nội dung không thống nhất gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức đấu giá khoáng sản và các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Do vậy, UBND tỉnh An Giang đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 22/2012/NĐ-CP cho phù hợp với Luật Đấu giá tài sản và phù hợp với thực tiễn hoạt động đấu giá nhằm tăng tính khả thi khi triển khai thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại địa phương.

Chuyên đề