Ai sẽ mua thép Cà Ná của Hoa Sen?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mới đây, Tập đoàn Hoa Sen cho biết sẽ chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại các công ty có liên quan đến dự án thép Cà Ná. Tuy nhiên, đối tác nào đủ can đảm mua lại dự án này của Hoa Sen đang đang là ẩn số thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Phối cảnh siêu dự án thép Hoa Sen - Cà Ná dự kiến triển khai ở tỉnh Ninh Thuận. Ảnh Internet
Phối cảnh siêu dự án thép Hoa Sen - Cà Ná dự kiến triển khai ở tỉnh Ninh Thuận. Ảnh Internet

Chuyển nhượng toàn bộ dự án thép Cà Ná

Ngày 27/7, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen chính thức công bố sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH MTV Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận và Công ty TNHH MTV Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận. Hai doanh nghiệp này là chủ đầu tư của 2 dự án Cảng biển Tổng hợp Cà Ná và Đầu tư Khu công nghiệp Cà Ná.

Tập đoàn Hoa Sen cho biết, giá trị chuyển nhượng được HĐQT thống nhất không thấp hơn chi phí thực tế mà Tập đoàn đã góp vốn vào các dự án tính đến thời điểm chuyển nhượng. Theo báo cáo tài chính niên độ 2018 - 2019, tính đến cuối kỳ, Tập đoàn Hoa Sen đầu tư khoảng 10 tỷ đồng vào hai doanh nghiệp này.

Trước mắt, Tập đoàn xác định tập trung tìm các đối tác lớn, có năng lực tài chính đang triển khai dự án tại tỉnh Ninh Thuận để xúc tiến chuyển nhượng.

Lý giải việc đột ngột rút khỏi dự án, ban lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen cho hay sự chuyển biến của tình hình khách quan hiện nay không còn phù hợp với mục tiêu chiến lược ban đầu khi Tập đoàn xúc tiến đầu tư các dự án.

Bên cạnh đó, ở góc độ nội tại, Tập đoàn đã có sự điều chỉnh đối với chiến lược phát triển trung, dài hạn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư dự án theo hướng tập trung nguồn lực vào việc củng cố, phát huy hiệu quả của mảng sản xuất kinh doanh sở trường tôn - thép - nhựa. Tập đoàn đang ưu tiên đảm bảo ổn định doanh thu, lợi nhuận qua các năm, kéo giảm dư nợ vay về mức 3.000 - 4.000 tỷ đồng trong vài năm sau.

Tổ hợp dự án thép Cà Ná từng được ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho biết có tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD, trong khi vốn điều lệ lúc đó của Hoa Sen chỉ là 3.500 tỷ đồng, với kỳ vọng sản xuất 16 triệu tấn thép mỗi năm.

Dự án này được Bộ Công Thương đưa vào dự thảo quy hoạch ngành thép đến năm 2025 và định hướng năm 2035, nhưng sau đó bị loại bỏ. Giữa năm 2017, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tạm dừng Dự án để làm rõ một số vấn đề liên quan tới môi trường, công nghiệp và thiết bị.

Từ một doanh nghiệp được mệnh danh là “vua” tôn Việt Nam, giữ vị thế số 1 trong thị phần tôn mạ, song những năm gầy đây, kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen lao dốc không phanh, trong đó, việc sử dụng đòn bẩy tỷ lệ cao để đầu tư dự án thép Cà Ná có thể coi là một trong những nguyên nhân chính. Giai đoạn 2017 - 2018, ngay sau năm tài chính đầu tư dự án Thép Cà Ná, Tập đoàn khiến nhiều người hụt hẫng vì lợi nhuận chỉ còn loanh quanh trên mức 80 tỷ đồng.

Chiến lược sai lầm này khiến cho Tập đoàn Hoa Sen phải báo lỗ đậm hơn 100 tỷ đồng vào quý cuối cùng của năm 2018. Trước tình hình tiêu cực trên, Tập đoàn đã thay đổi hoàn toàn chiến lược kinh doanh, tái cấu trúc chi nhánh bán lẻ, thoái vốn khỏi các dự án trái ngành, giảm phụ thuộc vào nợ vay…

Trong đó, việc thoái vốn toàn bộ khỏi dự án Thép Cà Ná là một minh chứng điển hình cho quyết tâm cải thiện các chỉ số về năng lực tài chính. Ngoài dự án trên, Tập Hoa Sen cũng giải thể 4 doanh nghiệp khác được thành lập để triển khai dự án này.

Ai đủ can đảm mua thép Cà Ná của Hoa Sen?

Cần nhắc lại, Dự án thép Cà Ná từng gây nhiều tranh cãi trong dư luận sau khi được tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Hoa Sen đề xuất, nhất là sự cố hồi tháng 5 tại một dự án quy mô tương tự là Formosa Hà Tĩnh. Nhiều câu hỏi đặt ra với Cà Ná về vấn đề quy hoạch, môi trường, trách nhiệm giám sát và tính minh bạch.

Vị trí địa lý của Dự án cũng gặp phải nhiều nghi vấn khi nguyên liệu cho Nhà máy Thép Hoa Sen - Cà Ná tại Ninh Thuận lại đến từ mỏ sắt Thạch Kê, Hà Tĩnh. Ninh Thuận lại là một tỉnh có khí hậu rất khô hạn và khắc nghiệt, do đó việc đảm bảo nguồn nước ngọt cho một dự án lớn như vậy cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Theo giới phân tích mua bán và sáp nhập, thông thường những nhà đầu tư mua lại dự án này có thể nằm trong top ngành, lĩnh vực thép như Hoà Phát, Minh Ngọc, Việt Đức, TVP, SeAH VN…

Tuy nhiên, trước tình hình Covid -19 cùng với cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn kéo dài và còn nhiều phức tạp, thị trường thép Việt Nam bị tác động nhiều, ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhâp khẩu, đặc biệt xu hướng bảo hộ ở các quốc gia trên thế giới gia tăng. Nhu cầu trong nước giảm trong bối cảnh các dự án bất động sản gặp khó khi tín dụng và nguồn vốn ngân hàng đang bị siết chặt.

Nhìn vào tình hình này, giới đầu tư đặt dấu hỏi lớn: Ai đủ can đảm để nhận lại dự án Thép Cà Ná? Hay đây thực chất chỉ là một thương vụ chuyển nhượng được sắp xếp nhằm làm đẹp các chỉ số năng lực tài chính của Tập đoàn Hoa Sen?

Chuyên đề