7 tháng, chi trả nợ hơn 233,6 nghìn tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 7, chi trả nợ của Chính phủ khoảng 23.905 tỷ đồng; trong đó, trả nợ trong nước khoảng 19.843 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 4.062 tỷ đồng.
Đã chi trả nợ trong nước hơn 19,8 nghìn tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm. Ảnh: Internet
Đã chi trả nợ trong nước hơn 19,8 nghìn tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm. Ảnh: Internet

Lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng trả nợ của Chính phủ khoảng 233.674 tỷ đồng, trong đó, trả nợ trong nước khoảng 198.901 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 34.773 tỷ đồng.

Kể từ đầu năm 2021 đến nay, Chính phủ ký kết được 2 hiệp định vay, tổng trị giá khoảng 98,6 triệu USD. Về rút vốn, trong tháng 7 năm 2021 đã thực hiện rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 43,3 triệu USD. Lũy kế 7 tháng đã thực hiện rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 792 triệu USD, tương đương khoảng 18.272 tỷ đồng; trong đó, cấp phát khoảng 518 triệu USD, cho vay lại khoảng 274 triệu USD.

Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, tổng mức vay trong giai đoạn 2021 - 2025 là 3,068 triệu tỷ đồng, trong đó mức vay của ngân sách trung ương khoảng 2,9 triệu tỷ đồng; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng; tổng mức vay của ngân sách địa phương khoảng 148 nghìn tỷ đồng, mức vay của từng địa phương trong phạm vi giới hạn nợ theo quy định của pháp luật về NSNN; nghĩa vụ trả nợ của chính quyền địa phương khoảng 35,3 nghìn tỷ đồng.

Về hạn mức bảo lãnh chính phủ và hạn mức vay về cho vay lại vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội yêu cầu tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh chính phủ năm sau không vượt quá tốc độ tăng GDP danh nghĩa của năm trước, riêng hạn mức bảo lãnh cho hai ngân hàng chính sách tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hằng năm. Hạn mức rút vốn ròng các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cả giai đoạn không quá 76,5 nghìn tỷ đồng và hạn mức rút vốn các khoản Chính phủ vay về cho vay lại không quá 222 nghìn tỷ đồng.

Để bảo đảm an toàn nợ công, Quốc hội đặt mức trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP; trần nợ chính phủ hằng năm không quá 50% GDP, ngưỡng cảnh báo là 45% GDP; trần nợ nước ngoài của quốc gia hằng năm không quá 50% GDP, ngưỡng cảnh báo là 45% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% tổng thu NSNN. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) không quá 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Như vậy, so với Kế hoạch tài chính quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, trần nợ công hàng năm giảm từ mức 65% xuống 60% GDP, trần nợ chính phủ giảm từ 54% GDP xuống 50% GDP.

Chuyên đề