5 công ty sáng tạo nhất toàn cầu năm 2017

Được xếp hạng thường niên bởi Fast Company, Top 5 công ty sáng tạo nhất toàn cầu 2017 tiếp tục ghi nhận sự thống trị của các doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực công nghệ.

1. Amazon

Amazon là gã khổng lồ về điện toán đám mây và là công ty thương mại điện tử lớn nhất của Mỹ. Amazon được thành lập năm 1994 bởi Jeff Bezos.

Vào những ngày đầu tiên, Amazon vốn là một trang bán sách trực tuyến. Tuy nhiên, hiện nay, Amazon bán tất cả mọi thứ, từ quần áo, đồ nội thất đến các nội dung số như phim ảnh, âm nhạc và các ứng dụng di động. Song song đó, Amazon Web Services là mảng mang về doanh thu hàng tỷ đôla mỗi năm cho công ty. Amazon Web Services chuyên cung cấp các dịch vụ trên nền điện toán đám mây cho các doanh nghiệp, chính phủ và trường học trên khắp thế giới.

Với dự án Amazon Prime Air, Amazon cũng sẽ là một trong số ít các công ty thương mại điện tử đầu tiên trên thế giới triển khai dịch vụ giao hàng bằng máy bay không người lái (drone). Tuy nhiên, đội drone giao hàng của Amazon hiện chỉ có thể giao các kiện hàng dưới 2,3 kg.

2. Google

Khi nhà lãnh đạo Larry Page quyết định thành lập một công ty mới tên gọi Alphabet vào năm 2015, các mảng nghiên cứu về xe hơi tự lái hay công nghệ y tế được tách ra thành những công ty riêng. Từ đó, Google trở thành thành viên của Alphabet và chuyên tập trung vào mảng dịch vụ internet và phần mềm. Hiện tại, với sự dẫn dắt của CEO Sundar Pichaim, Google vẫn đang thống trị ở hàng loạt lĩnh vực. Android là hệ điều hành di động được sử dụng nhiều nhất trong khi Chrome là trình duyệt có nhiều người dùng nhất. Các sản phẩm như YouTube, Gmail hay Google Maps… cũng chiếm vị trí ‘bá chủ’ ở từng mảng dịch vụ của tương ứng.

Tuy nhiên, Google vẫn không ngừng tạo ra những sản phẩm mới. Công ty này có rất nhiều tham vọng ở mảng sản phẩm phần cứng.  Điện thoại Pixel, loa thông minh Google Home, bộ kính Daydream View VR …là những ví dụ. Google cũng không ngại cạnh tranh với hàng loạt ông lớn khác. Google Allo xem Facebook Messenger và WhatsApp là đối thủ. Trong khi đó, Google Cloud trực tiếp đối đầu với Amazon Web Services trên thị trường dịch vụ điện toán đám mây.

3. Uber

Ra mắt năm 2010, Uber Technologies là cha đẻ của ứng dụng gọi xe Uber. Hiện công ty này có giá trị 68 tỷ đôla và có mặt tại 73 quốc gia - vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, tham vọng của Uber đã không còn gói gọn trong ứng dụng gọi xe nữa.

Năm 2016, Uber mua lại một công ty khởi nghiệp có tên Otto tại Silicon Valley. Otto chuyên nghiên cứu về công nghệ xe tải tự lái. CEO Travis Kalanick muốn một ngày nào đó, Uber sẽ vận hành một đội xe tải tự lái để cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa. Tất nhiên, nếu muốn trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực xe tự lái, Uber phải nhanh chân hơn Ford, GM, và Google.

4. Apple

Apple từng nhiều năm liền thống trị vị trí thương hiệu giá trị nhất thế giới nhờ vào những sáng tạo mang tính tiên phong trong ngành điện tử tiêu dùng, từ máy tính để bàn, máy tính bảng, máy tính xách tay đến điện thoại. Đó chính là lý do rất nhiều người hồi hộp chờ đợi khi Apple sắp ra mắt một sản phẩm mới.

Tuy nhiên, năm 2016 đã chứng kiến một luồng tranh cãi về sức sáng tạo giảm dần của Apple khi mẫu iPhone 7 có thiết kế không khác gì mẫu tiền nhiệm iPhone 6S. Dẫu vậy, với những người tìm hiểu kỹ, sự sáng tạo của Apple vẫn còn khá mạnh mẽ đằng sau lớp vỏ iPhone hầu như không thay đổi. Trong khi các đối thủ trong ngành phải mua con chip điện thoại từ vỏn vẹn vài nhà cung cấp thì Apple tự phát triển con chip cho riêng mình. Và không ai có thể phủ nhận rằng, con chip A10 Fusion bên trong iPhone 7 đã được phát triển và tối ưu hóa cho hệ điều hành của Apple đến mức đáng khâm phục.

Apple cũng đã vươn ra khỏi tầm một công ty điện tử tiêu dùng. Apple hiện đang chạy đua với Google về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).  Hay như năm 2016, công ty cho ra mắt CareKit -  một nền tảng mã nguồn mở ứng dụng cho lĩnh vực y tế.

5. Snap  

Được thành lập vào năm 2012 bởi hai sinh viên Đại học Stanford (Mỹ), Snap là công ty vận hành ứng dụng nhắn tin Snapchat. Với các điểm mạnh như công cụ vẽ, bộ lọc hình ảnh, sticker… ứng dụng này có lượng sử dụng hàng ngày đến 150 triệu người và là một nền tảng quảng cáo tăng trưởng nóng.

Dự kiến, năm 2017, doanh thu của Snap sẽ đạt 935 triệu đôla. Với sự sáng tạo không ngừng, thậm chí Instagram của Facebook còn phải đi vay mượn ý tưởng từ một số tính năng tốt nhất của Snapchat.

Tháng 9/2016, Snap giới thiệu một mẫu kính thông minh, cho phép người đeo có thể quay lại những đoạn video ngắn và chia sẻ lên Snapchat. Dù Google quảng bá rất nhiều về dự án kinh thông minh của mình nhưng Snap mới là công ty bán ra sản phẩm thương mại sớm hơn.

Trước đó, từ năm 2014, Snap đã có những sáng tạo về công nghệ livestream. Live Stories - một tính năng của Snapchat cho phép những người dùng ứng dụng này tại cùng một sự kiện và địa điểm có thể chia sẻ lên cùng nhau gọi là Our Story. Năm 2015, Snap ra mắt Snapchat Discover – một nền tảng đọc tin tức giải trí, giúp người dùng đọc tin tức của ESPN, BuzzFeed và Cosmopolitan một cách dễ dàng, thuận tiện. 

Chuyên đề