5 cân đối hài hóa lớn trong nhiệm kỳ 2016 - 2020 của Chính phủ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ trước Quốc hội trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV diễn ra hôm nay (24/3), tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khái quát 5 cân đối hài hòa lớn trong nhiệm kỳ này.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khái quát 5 cân đối hài hòa lớn trong nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021 (ảnh: QH)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khái quát 5 cân đối hài hòa lớn trong nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021 (ảnh: QH)

Thứ nhất, đó là sự hài hòa giữa mở cửa, đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với việc củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng, giám sát của Quốc hội, hợp tác của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tổ chức xã hội. “Nói cách khác, đây là hài hòa giữa ổn định và đổi mới, phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN; quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Thứ hai, hài hòa giữa phát triển kinh tế nhanh với đảm bảo sự tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường. Theo Thủ tướng Chính phủ, chúng ta thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bình quân 6,5% trong 30 năm đổi mới và là 6,8% trong 2016 - 2019; người dân thuộc các thành phần khác nhau đều được hưởng thành quả phát triển tương xứng với nỗ lực đóng góp; các địa phương đều có cơ hội và không để địa phương nào bị tụt lại, mất cơ hội phát triển. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường. Tăng trưởng sản xuất kinh doanh vì lợi nhuận nhưng không được xả thải gây ô nhiễm môi trường, phá hoại môi trường tự nhiên, đó là chuẩn mực của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững và là xu thế văn minh toàn cầu.

Thứ ba, hài hòa, cân đối giữa nội lực với ngoại lực, giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, giữa nội thương với ngoại thương, giữa xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với mở cửa và hội nhập quốc tế. Trong đó, kinh tế trong nước là quyết định, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ tư, hài hòa cân đối giữa những ưu tiên ngắn hạn với những mục tiêu dài hạn. Chúng ta tập trung thúc đẩy chính sách phát triển hàng năm gắn với thực hiện mục tiêu 5 năm, tầm nhìn 10 năm và lâu hơn nữa đến năm 2045. Cùng với các mục tiêu ngắn hạn như tăng trưởng, việc làm và lạm phát thì các vấn đề dài hạn như hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, phát triển về văn hóa xã hội... đều được quan tâm đúng mực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chưa bao giờ Chính phủ chạy theo mục tiêu ngắn hạn, kém bền vững mà bỏ qua mục tiêu dài hạn nhất quán xuyên suốt hay ngược lại”.

Thứ năm, hài hòa trong cân đối các nguồn lực tài chính quốc gia, cán cân ngân sách, nợ công, cán cân tài khoản vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối, bảo đảm nguồn nhân lực và nhiều cân đối vĩ mô khác. Theo đó, những cân đối lớn về kinh tế này của chúng ta được bảo đảm ngày càng vững chắc.

Chuyên đề