(Ảnh: Oneindia) |
Triều Tiên
Chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên từ lâu đã là một vấn đề lớn đối với cả Mỹ và Trung Quốc. Kể cả trước khi Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa vào sáng 5/4, vấn đề này đã được dự đoán sẽ là một ưu tiên trong chương trình nghị sự của cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nền kinh tế Triều Tiên lâu nay vẫn phụ thuộc vào đồng minh duy nhất là Trung Quốc. Tuy nhiên, Washington gần đây liên tục hối thúc Bắc Kinh sử dụng biện pháp cứng rắn nhằm phản đối và ngăn chặn Bình Nhưỡng theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa.
Mặc dù ngày càng thể hiện mình đã mất kiên nhẫn với những động thái khiêu khích của Triều Tiên nhưng Trung Quốc dường như vẫn chưa có động thái rõ ràng nào thể hiện sự phản đối của nước này đối với Bình Nhưỡng.
Hồi tháng trước, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump đã kêu gọi Trung Quốc giúp đỡ Mỹ trong việc kiềm chế Triều Tiên, nhưng cũng đồng thời cảnh báo Washington sẵn sàng tự mình đối phó với Bình Nhưỡng mà không cần sự hỗ trợ của Bắc Kinh.
Thương mại
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm ngoái, ông Trump liên tục chỉ trích những chính sách thương mại không công bằng của Trung Quốc, cáo buộc nước này cố tình hạ giá đồng nhân dân tệ để tạo thuận lợi cho xuất khẩu.
Sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump vẫn luôn nêu ra vấn đề này, cảnh báo rằng ông sẽ áp đặt các mức thuế đặc biệt với các loại hàng hóa của Trung Quốc nếu nước này không tạo điều kiện để hàng hóa Mỹ thâm nhập vào thị trường.
Ông Trump viện dẫn các số liệu cho thấy tổng mức thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với Trung Quốc năm 2016 dù đã giảm được 7% so với năm trước đó, song vẫn chạm ngưỡng 310 tỷ USD. Theo ông chủ Nhà Trắng, đây sẽ là vấn đề khiến cuộc gặp giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc trở nên “rất khó khăn”.
Đài Loan
Tổng thống Trump đã từng khiến Trung Quốc “không hài lòng” khi có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hồi đầu tháng 12 năm ngoái. Ông Trump cũng từng bóng gió ám chỉ việc thay đổi chính sách “Một Trung Quốc”, vốn được xem là nền tảng trong quan hệ ngoại giao Trung - Mỹ suốt nhiều năm qua.
Tình hình được xoa dịu khi hai tháng sau đó, ông Trump đưa ra những bình luận mềm mỏng về vấn đề Đài Loan trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, Đài Loan nhiều khả năng sẽ là một trong những chủ đề được đưa ra bàn thảo trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tới đây.
Biển Đông
Mặc dù không phải một bên liên quan trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông nhưng Mỹ thường xuyên chỉ trích những động thái bành trướng cả về quân sự và dân sự của Trung Quốc tại vùng biển này.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng lên tiếng cảnh báo về khả năng Washington sẽ can thiệp khi cần thiết để bảo đảm quyền tự do hàng hải quốc tế nếu Trung Quốc tiếp tục đơn phương bành trướng ở Biển Đông. Do vậy, đây có thể sẽ là chủ đề được đưa vào chương trình nghị sự của cuộc gặp cấp cao lần này giữa nguyên thủ hai nước.