4 rủi ro khi mua đất nền

 
Người mua đất nền luôn tin buôn đất lãi lớn, an toàn, song có nhiều bẫy pháp lý khiến nhà đầu tư mất tiền.
Đất nền dự án tại khu Đông TP HCM.
Đất nền dự án tại khu Đông TP HCM.

Giám đốc Công ty Luật TNHH Thịnh Việt Trí, Luật sư Lương Ngọc Đinh cho biết, đa phần các nhà đầu tư đều tin rằng đất nền là kênh sinh lợi cao nhất hiện nay, cũng là kênh trú ẩn an toàn nhất. Thế nhưng trên thực tế, nhà đầu tư đất nền có thể gặp rất nhiều rủi ro khi tham gia kênh này. Luật sư Đinh chỉ ra 4 nhóm rủi ro người mua đất nền thường gặp phải.

Rủi ro pháp lý dự án chưa hoàn chỉnh

Người mua không tiến hành thẩm định pháp lý của dự án, xác định dự án có đủ điều kiện để huy động vốn hay không. Do đó, khi họ mua những dự án mà chưa đủ điều kiện pháp lý về huy động vốn thì người mua sẽ chịu mọi rủi ro khi chủ đầu tư không triển khai dự án đúng tiến độ đã cam kết hoặc không thực hiện dự án.

Rủi ro do không mua chính chủ

Người mua không ký kết hợp đồng đúng với bên bán là chủ đầu tư mà ký kết với một bên thứ ba. Thông thường bên thứ ba này là một công ty con do chủ đầu tư lập ra hoặc đơn vị phân phối dự án đứng ra ký kết hợp đồng với bên mua.

Nhà đầu tư đất nền cần lưu ý nguyên tắc vàng này: các giao dịch đất đai dưới hình thức ủy quyền (không chính chủ) là không đúng quy định của pháp luật. Khi không ký hợp đồng đúng với chủ đất hoặc chủ đầu tư thì hợp đồng không có giá trị pháp lý. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp giữa các bên, người mua gặp rất nhiều rủi ro và thậm chí có thể mất hết tài sản.

Rủi ro do ký loại hợp đồng yếu thế

Người mua thay vì ký hợp đồng mua bán nhưng lại ký các loại hợp đồng khác do chủ đầu tư soạn ra chưa phù hợp với quy định của pháp luật liên quan đến việc mua bán bất động sản như: hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư.

Dù tên gọi khác nhau, nhưng bản chất các hợp đồng này do các chủ đầu tư soạn đều hướng đến mục đích huy động vốn của khách hàng. Khi nội dung trong hợp đồng không phản ánh đúng sự thỏa thuận giữa các bên thì rất dễ phát sinh tranh chấp, và người mua luôn ở vai trò yếu thế khi ký kết các hợp đồng theo mẫu do chủ đầu tư soạn sẵn.

Rủi ro do thiếu thông tin

Người mua đất chạy theo số đông, không có kiến thức và yếu về chuyên môn khi đàm phán các nội dung quan trọng của hợp đồng. Chẳng hạn như: điều khoản xử lý tiền cọc khi một bên vi phạm hợp đồng cọc, điều khoản bàn giao nền đất và phạt do chậm bàn giao nền hay điều khoản phạt do một bên đơn phương chấm dứt trong hợp đồng mua bán.

Các điều khoản trong hợp đồng không rõ ràng gây bất lợi cho người mua nhưng người mua không kiểm tra, thẩm định. Khi có tranh chấp phát sinh thì người mua thường bị rủi ro khi bị áp dụng các điều khoản gây bất lợi cho họ.

Ngoài ra, việc người mua không được người bán cung cấp thông tin quy hoạch và người mua không tiến hành kiểm tra thông tin quy hoạch của lô đất muốn mua, quy hoạch xung quanh lô đất, kiềm tra việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội có đảm bảo tính khả thi không cũng khiến cho dòng vốn chảy vào kênh không an toàn.

Có không ít trường hợp nhà đầu tư mua nhầm những lô đất bị vướng một phần hoặc toàn bộ quy hoạch: như quy hoạch đất cây xanh, đất giao thông...trong khi mục đích thỏa thuận với người bán ban đầu là mua đất ở.

Chuyên đề