3 dự án nâng cấp quốc lộ ở Hà Nam, Thanh Hóa, Điện Biên: Hiệu quả giảm do chậm giao mặt bằng, thiếu vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cùng được triển khai từ năm 2016 và phải hoàn thành trong năm 2022, nhưng 3 dự án sử dụng vốn đầu tư công gồm: Dự án Nâng cấp Quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa (Hà Nam), Dự án Nâng cấp Quốc lộ 15 - Tiểu dự án 3 qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa và Dự án Nâng cấp Quốc lộ 279B (Điện Biên) đến nay vẫn còn ngổn ngang, khối lượng thi công thấp.
Hiện sản lượng thi công tại Dự án Nâng cấp Quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa chỉ đạt 32,7% giá trị hợp đồng. Ảnh: Nhã Chi
Hiện sản lượng thi công tại Dự án Nâng cấp Quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa chỉ đạt 32,7% giá trị hợp đồng. Ảnh: Nhã Chi

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, Dự án Nâng cấp Quốc lộ 21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa do Sở GTVT tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thi công. Theo kế hoạch, công trình phải cán đích vào tháng 11/2022 nhưng hiện mới bàn giao được 11,36/14,18 km (đạt 80% tổng mặt bằng). Dự án chỉ có 1 gói thầu xây lắp, hiện sản lượng thi công đạt 32,7% giá trị hợp đồng, chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân là nhà thầu chưa tập trung các nguồn lực để thi công. Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT tỉnh Hà Nam chỉ đạo nhà thầu huy động thêm nhân lực, máy móc, thiết bị để thi công bù lại tiến độ bị chậm, trường hợp cần thiết bổ sung nhà thầu phụ, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2022 của Dự án.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ thuộc Sở GTVT tỉnh Hà Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến thời gian triển khai Dự án kéo dài như: thiếu vốn, diện tích giải phóng mặt bằng phải thực hiện tái định cư, công trình có phần lớn diện tích thuộc vùng đất yếu nên phải gia cố mặt bằng... Dự án đi qua TP. Phủ Lý và huyện Kim Bảng, được triển khai từ năm 2016 nhưng đến năm 2018 bị thiếu vốn nên phải dừng lại, đến năm 2021 được bố trí vốn làm tiếp. Sau điều chỉnh, tổng mức đầu tư của Dự án là hơn 500 tỷ đồng. Sở GTVT tỉnh Hà Nam đã cử cán bộ bám sát hiện trường, đôn đốc nhà thầu thi công là Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đồng Tâm - Công ty TNHH Thi Sơn tập trung nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ, nếu không sẽ báo cáo Bộ GTVT đề xuất bổ sung nhà thầu phụ thực hiện một số hạng mục còn lại.

Câu chuyện thi công kéo dài nhiều năm cũng diễn ra tại Dự án Nâng cấp Quốc lộ 15 - Tiểu dự án 3 qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa, do Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thuộc Bộ GTVT cho biết, theo dự kiến Dự án sẽ hoàn thành vào tháng 10/2022, nhưng đến nay khối lượng thi công mới đạt 63% giá trị hợp đồng. Toàn bộ mặt bằng thi công đã bàn giao cho nhà thầu nên yêu cầu Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo nhà thầu tăng cường thi công, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành Dự án đúng kế hoạch.

Về việc chậm tiến độ tại dự án này, một cán bộ thuộc Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong quá trình thực hiện, Dự án không được thu xếp, bố trí đủ vốn nên phải đình hoãn. Thời gian qua, sau khi bàn giao 100% mặt bằng cho nhà thầu thì thời tiết mưa nhiều, làm chậm tiến độ thi công nền đường và bê tông nhựa. Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo công trình về đích vào tháng 10/2022.

Tương tự hai dự án trên, Dự án Nâng cấp Quốc lộ 279B do Sở GTVT tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư đang bị chậm tiến độ. Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2022 nhưng đến nay mới bàn giao được 9,5/10,5 km mặt bằng (đạt 90,5% tổng mặt bằng). Dự kiến, phần mặt bằng còn lại sẽ được Chủ đầu tư bàn giao cho nhà thầu trong tháng 6/2022. Dự án có 1 gói thầu xây lắp do Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất số 6 thực hiện. Sản lượng thi công đến nay đạt 70% giá trị hợp đồng, chậm so với kế hoạch. Một phần nguyên nhân là mưa nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ thi công bê tông nhựa. Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT tỉnh Điện Biên chỉ đạo Nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi tập trung thi công hoàn thành dứt điểm hạng mục bê tông nhựa, đưa Dự án về đích đúng hạn.

Một cán bộ thuộc Sở GTVT tỉnh Điện Biên cho biết, Dự án được triển khai từ năm 2016 nhưng do thiếu vốn, phải đình hoãn giữa chừng. Sau khi điều chỉnh, tổng mức đầu tư của Dự án là hơn 394 tỷ đồng. Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch của địa phương nên Sở GTVT tỉnh Điện Biên sẽ nỗ lực sớm bàn giao mặt bằng còn lại để Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành toàn bộ khối lượng xây lắp trong tháng 10/2022.

Chuyên đề