2 gói thầu của Dự án Kiên cố hóa mặt đường ĐH.3NG (Quảng Nam): Hồ sơ mời thầu yêu cầu quá cao?

(BĐT) - Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) đang mời thầu 2 gói thầu xây dựng (số 1 và số 2) thuộc Dự án Kiên cố hóa mặt đường ĐH.3NG. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhà thầu, hồ sơ mời thầu (E-HSMT) 2 gói thầu này đưa ra yêu cầu quá cao.
2 gói thầu bị kiến nghị do UBND huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) làm chủ đầu tư, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Nam Giang làm bên mời thầu. Ảnh phóng viên cung cấp
2 gói thầu bị kiến nghị do UBND huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) làm chủ đầu tư, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Nam Giang làm bên mời thầu. Ảnh phóng viên cung cấp

Gói thầu xây dựng số 1 (lý trình: Km13+770 - Km14+692; Km15+553 - Km16+500) dài 1,869 km, có giá gói thầu là 5,25 tỷ đồng; Gói thầu xây dựng số 2 (lý trình: Km22+400 - Km23+431) dài 1,031 km, có giá gói thầu là 3,48 tỷ đồng. Cả 2 gói thầu đều sử dụng ngân sách tỉnh Quảng Nam và ngân sách huyện Nam Giang, được đấu thầu rộng rãi trong nước, qua mạng theo phương thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ.

Theo phản ánh của nhà thầu gửi tới Báo Đấu thầu, cả 2 gói thầu nêu trên đều là công trình cấp IV nhưng yêu cầu nhà thầu tham gia đấu thầu phải thực hiện ít nhất 4 hợp đồng tương tự là công trình giao thông có điều kiện hiện trường ở miền núi có hệ số khu vực 0,7 trở lên theo Thông tư liên tịch 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 5/11/2005.

Trong đó, E- HSMT Gói thầu xây dựng số 1 yêu cầu trong 4 hợp đồng tương tự có 1 hợp đồng là công trình giao thông có giá trị từ 4,3 tỷ đồng và tổng giá trị các hợp đồng lớn hơn hoặc bằng 17,2 tỷ đồng. E-HSMT Gói thầu xây dựng số 2 yêu cầu trong 4 hợp đồng tương tự có 1 hợp đồng có giá trị từ 2,8 tỷ đồng trở lên và tổng giá trị các hợp đồng phải từ 11,2 tỷ đồng. Như vậy, mỗi gói thầu phải có 1 công trình tương tự có giá trị lớn hơn 80% so với công trình đang đấu thầu.

Nhà thầu cho rằng, yêu cầu nêu trên của E-HSMT là quá cao, làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; tiêu chí đánh giá có tính chất cục bộ, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, không đúng với tinh thầu của Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 03/CT-BKHĐT năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chấn chỉnh công tác đấu thầu.

Ngày 8/11/2019, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Nam Giang đã có văn bản làm rõ nội dung phản ánh của Nhà thầu. Theo đó, ông A Lăng Cường, Trưởng phòng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Nam Giang cho rằng, việc yêu cầu nhà thầu tham gia đấu thầu 2 gói thầu nêu trên phải có hợp đồng tương tự có giá trị lớn hơn 80% giá gói thầu đang xét là đảm bảo quy định về hợp đồng tương tự có giá trị bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét. Việc E-HSMT yêu cầu nhà thầu phải có kinh nghiệm thực hiện 4 công trình tương tự ở miền núi có hệ số khu vực 0,7% trở lên là vì các công trình đang mời thầu có địa điểm xây dựng ở vùng núi cao, độ dốc lớn, địa hình khó khăn, phức tạp. Việc đưa ra yêu cầu về 4 hợp đồng tương tự như vậy là nhằm chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, đã từng thi công ở những điều kiện hiện trường tương tự với gói thầu đang xét, đảm bảo thực hiện dự án hiệu quả, đáp ứng yêu cầu về kỹ, mỹ thuật và chất lượng công trình.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu cho rằng, phản ánh của nhà thầu về E-HSMT 2 gói thầu trên đưa ra yêu cầu cao là có cơ sở. Việc Bên mời thầu yêu cầu nhà thầu phải có tới 4 hợp đồng tương tự, đều phải thực hiện ở miền núi có hệ số khu vực 0,7 trở lên với tổng giá trị các hợp đồng bằng 3,3 lần giá trị Gói thầu xây dựng số 1 (17,2 tỷ đồng so với 5,25 tỷ đồng) và bằng 3,2 lần giá trị Gói thầu xây dựng số 2 (11,2 tỷ đồng so với 3,48 tỷ đồng) có thể làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, làm giảm tính cạnh tranh trong lựa chọn nhà thầu.

Chuyên đề