2 dự án bệnh viện 10.000 tỷ chậm tiến độ vì đâu?

(BĐT) - Bộ KH&ĐT vừa ban hành kết luận kiểm tra việc thực hiện 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 (ở TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Tại Kết luận kiểm tra, Bộ KH&ĐT đã chỉ ra nguyên nhân khiến 2 dự án bệnh viện lớn có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng chậm tiến độ 3 năm so với quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Hai dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đã chậm 3 năm so với Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 16/1/2014 của Thủ tướng. Ảnh: Lê Thạch
Hai dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 đã chậm 3 năm so với Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 16/1/2014 của Thủ tướng. Ảnh: Lê Thạch

Bộ KH&ĐT cho biết, Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 là bệnh viện đa khoa 1.000 giường, tổng diện tích sử dụng đất hơn 20 ha. Còn Dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 là bệnh viện đa khoa 1.000 giường, tổng diện tích sử dụng đất hơn 21 ha. Đây là 2 dự án đầu tư loại bệnh viện đặc biệt, công trình cấp I. Cả 2 bệnh viện đều được xây dựng tại Phủ Lý, tỉnh Hà Nam; thời gian thực hiện từ năm 2014 - hoàn thành năm 2017. Nguồn vốn đầu tư cho 2 dự án là vốn nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Chủ đầu tư trực tiếp quản lý 2 dự án là Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm - Bộ Y tế. Nhà thầu lập thiết kế cơ sở 2 dự án là Công ty VK Studio Architects, Planners and Designers (Bỉ) và Viện Trang thiết bị và công trình Y tế.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến tháng 5/2018, 2 dự án đã triển khai được 3 năm, hoàn thành toàn bộ phần thô của khối nhà chính và đang triển khai công tác hoàn thiện khối nhà chính, hạ tầng kỹ thuật và phụ trợ ngoài nhà. Bộ Y tế dự kiến tháng 6/2019 sẽ hoàn thành xây dựng tổng thể 2 dự án, bàn giao cho bệnh viện tiếp quản, vận hành toàn bộ dự án. Như vậy, theo dự kiến, 2 dự án đã bị chậm 3 năm so với thời gian tại Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 16/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ, chậm 2 năm so với thời gian tại Quyết định đầu tư của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Bộ KH&ĐT cho biết, nguyên nhân làm chậm tiến độ 2 dự án là do các dự án được quản lý không theo loại hợp đồng đã được quy định (không theo hình thức EPC và cũng không theo mô hình truyền thống), gây nên nhiều khó khăn cho việc tổ chức quản lý, điều hành dự án. Các gói thầu được ký hợp đồng là dạng hợp đồng khung, nội dung chi tiết được triển khai theo các phụ lục và giá chi tiết hợp đồng được xác định sau khi có dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ Y tế dự kiến tháng 6/2019 sẽ hoàn thành xây dựng tổng thể 2 dự án, bàn giao cho bệnh viện tiếp quản, vận hành toàn bộ dự án.
Một nguyên nhân khác khiến chậm tiến độ là do các dự án điều chỉnh thiết kế nhiều lần trong quá trình thực hiện như: thay đổi phương án xử lý nền móng từ phương án cọc khoan nhồi sang phương án ép cọc bê tông cốt thép đúc sẵn; thay đổi vị trí, diện tích một số khoa, phòng; điều chỉnh bổ sung hạng mục khu nội trú, khu xạ trị; điều chỉnh tăng diện tích sàn so với thiết kế cơ sở được duyệt…

Bên cạnh đó, việc 2 dự án lớn nói trên phải điều chỉnh tổng mức đầu tư cũng là nguyên nhân gây chậm tiến độ. Cụ thể, 2 dự án được tổ chức đấu thầu trên cơ sở tổng mức đầu tư được Bộ Y tế phê duyệt ban đầu (Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 là 4.990 tỷ đồng, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 là 4.968 tỷ đồng). Trong khi đó, theo Quyết định số 547/QĐ-TTg ngày 20/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, mỗi dự án được giao 4.500 tỷ đồng, trong đó 4.050 tỷ đồng vốn để thực hiện và 450 tỷ đồng vốn dự phòng 10%. Như vậy, tổng mức đầu tư của 2 dự án dự kiến phải điều chỉnh giảm gần 1.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu năm 2014.

Về công tác đấu thầu của 2 dự án, Bộ KH&ĐT cho biết, từ năm 2014 - 2016 đã hoàn thành đấu thầu toàn bộ hạng mục xây dựng và lắp đặt thiết bị xây dựng công trình của 2 dự án theo hình thức gói thầu hỗn hợp. Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức đấu thầu gói thầu hỗn hợp thiết kế và thi công, căn cứ mời thầu là tổng mức đầu tư nên nhiều nội dung còn sơ lược, chưa chi tiết, nhất là khối lượng xây dựng, điều kiện hợp đồng, mẫu hợp đồng dẫn đến khó khăn khi mời thầu, ký kết hợp đồng cũng như thực hiện hợp đồng.

Từ kết quả kiểm tra, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Y tế tích cực, chủ động chỉ đạo Chủ đầu tư, các nhà thầu và các đơn vị liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm hoàn thành các dự án đúng tiến độ. Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Y tế rà soát tổng mức đầu tư, kết quả thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư của 2 dự án. Trong trường hợp có nhu cầu sử dụng số vốn dự phòng 10% kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 (450 tỷ đồng/dự án), Bộ Y tế báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định.

Chuyên đề