11 tháng, thu ngân sách nhà nước đạt gần 89% dự toán

Theo Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 11/2017 ước đạt 104,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 11 tháng đạt 1.077,3 nghìn tỷ đồng, bằng 88,9% dự toán, tăng 14,5% (so với cùng kỳ năm 2016).
Ảnh T.L minh họa
Ảnh T.L minh họa

Trong đó, thu nội địa tháng 11 ước đạt 84,4 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 11 tháng đạt 859,2 nghìn tỷ đồng, bằng 86,8% dự toán, tăng 14,6%.

Ước tính có 49/63 địa phương thu đạt trên 89% dự toán (trong đó có 36 địa phương đạt trên 95%) và 59/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. 4 địa phương thu thấp hơn cùng kỳ, chủ yếu do nguyên nhân khách quan, cụ thể như: Quảng Ngãi do không còn áp dụng cơ chế thu điều tiết đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Vĩnh Phúc do giảm thu từ hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô; Thái Bình do giảm thu thuế bảo vệ môi trường từ mặt hàng xăng, dầu; Thanh Hóa giảm thu từ thuế nhà thầu của tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Thu từ dầu thô tháng 11 ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng; lũy kế 11 tháng thu đạt 42,4 nghìn tỷ đồng, bằng 110,7% dự toán.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 11 ước đạt 24,5 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 11 tháng đạt 262,4 nghìn tỷ đồng, bằng 92,1% dự toán. Sau khi hoàn thuế GTGT theo chế độ gần 91,3 nghìn tỷ đồng, thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 171,1 nghìn tỷ đồng, bằng 95,1% dự toán.

Theo Bộ Tài chính, để đạt được mức thu cả năm như đã báo cáo Quốc hội, nhiệm vụ thu còn rất lớn (khoảng 162 nghìn tỷ đồng, tăng gần 64 nghìn tỷ đồng so với mức thu bình quân 11 tháng), nhất là các khoản thu ngân sách trung ương (11 tháng mới đạt khoảng 81% dự toán, xấp xỉ cùng kỳ năm 2016).

Về chi, tổng chi NSNN tháng 11 ước 123 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 11 tháng đạt 1.136,3 nghìn tỷ đồng, bằng 81,7% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển tháng 11 ước 32,7 nghìn tỷ đồng; lũy kế chi 11 tháng đạt 224,6 nghìn tỷ đồng, bằng 62,9% dự toán.

Riêng giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 11 tháng đạt 62,4% dự toán, bao gồm: vốn đầu tư nguồn NSNN đạt 67,9% dự toán.

Về công tác huy động vốn, tính đến 27/11, tổng khối lượng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ là 220.374,7 tỷ đồng.

Về quản lý, điều hành thu chi NSNN, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan quyết liệt triển khai các giải pháp quản lý thu, chống thất thu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp và đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra trên 83,7 nghìn DN, qua đó xử lý tăng thu thuế trên 16,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18,2%.

Ngoài các giải pháp nêu trên, Bộ Tài chính đã tiếp tục rà soát để trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các chính sách về thu ngân sách phù hợp với tình hình thực tế và các cam kết hội nhập quốc tế.

Hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, các đơn vị sử dụng ngân sách tổ chức điều hành, quản lý các nhiệm vụ chi trong phạm vi dự toán được giao, đúng chế độ quy định, không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi NSNN khi chưa có nguồn đảm bảo; thực hiện cắt giảm tối đa, công khai các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài,...

Đối với các chính sách, chế độ chi NSNN, Bộ Tài chính cũng đã tập trung rà soát trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các chính sách có liên quan; tiếp tục hướng dẫn về tổ chức mua sắm tài sản tập trung; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, báo cáo về sắp xếp lại xe ô tô công, xử lý xe dôi dư.

Trên cơ sở đó trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi cơ chế sử dụng xe công theo hướng mở rộng khoán sử dụng xe công; báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ sắp xếp lại nhà, đất và số tiền thu được từ vị trí cũ khi thực hiện di dời...; đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra tài chính - ngân sách, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.

Chuyên đề