1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 – 6 lần

(BĐT) - Việc điều chỉnh quy hoạch chung còn tùy tiện, chưa đúng theo quy hoạch chung. Có tới 1.390 dự án có xu hướng điều chỉnh quy hoạch từ 1 - 6 lần, chủ yếu theo đề xuất của chủ đầu tư, tăng sàn, giảm cây xanh, gây hệ lụy lớn về hạ tầng giao thông, xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích người dân…, theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội 
 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Nhiều vi phạm về đất đai gây thất thoát lớn

 Ngày 27/5, Quốc hội dành cả ngày thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về vấn đề này do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày, việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại đã được hình thành, làm thay đổi bộ mặt đô thị, từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở, nâng cao điều kiện sống của các tầng lớp dân cư, góp phần bảo đảm an ninh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, qua quá trình giám sát tối cao tại 12 tỉnh, thành phố đối với hơn 40 dự án đô thị đã phát hiện nhiều tồn tại.

Một trong những vấn đề nổi cộm được đoàn giám sát chỉ ra là việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, nhiều lần. Ở một số đô thị, công tác quản lý thực hiện theo quy hoạch đô thị được duyệt chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn tới việc triển khai vượt quá các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, gây lãng phí đất đai và nguồn lực xã hội; quy hoạch đô thị chưa đồng bộ với các quy hoạch hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội và cảnh quan môi trường, thiếu tính kết nối giữa các đô thị đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và nhu cầu của người dân đô thị; còn có tình trạng xây dựng không tuân thủ quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc.

Tại Hà Nội và TP. HCM, tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt khoảng 9% trong khi theo quy hoạch phải đạt 20-26% đối với đô thị trung tâm, 18-23% đối với đô thị vệ tinh, 16-20% cho các thị trấn. Tỷ lệ đất bến bãi đỗ xe trên đất xây dựng đô thị đạt dưới 1% (yêu cầu phải đạt 3-4%).

Kết quả giám sát cũng cho thấy, việc sử dụng đất quốc phòng còn để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, xây dựng công trình trái phép, sử dụng đất sai mục đích như tại một số khu đất tại Quận Hải An, Tp. Hải Phòng; tại Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa… Sự phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và một số địa phương trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng còn nhiều bất cập. 

Ngoài ra, việc quản lý đất đai sử dụng cho một số dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa tâm linh còn thiếu chặt chẽ. Các dự án du lịch tâm linh này đều được giao khai thác một quỹ đất lớn, tuy nhiên, khi thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, chưa tách bạch rõ giữa đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng với đất thương mại, dịch vụ...

Một số dự án đầu tư có sử dụng đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng gây nên tình trạng lãng phí, đất đai để hoang hóa. Chưa có chính sách hữu hiệu để hạn chế, xử lý tình trạng đầu cơ đất đai, ở một số nơi có hiện tượng đẩy giá đất tăng đột biến trong thời gian ngắn đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, gây khó khăn trong công tác quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô. Việc xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời tiến độ thu tiền sử dụng đất, thuê đất, tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

Làm rõ trách nhiệm, báo cáo Quốc hội kỳ họp tới

Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và có biện pháp xử lý cụ thể, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10 /2020).

Chính phủ cũng được đề nghị tiếp tục thực hiện lộ trình di dời trụ sở các Bộ, ngành, cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở sản xuất, công nghiệp không cần thiết và gây ô nhiễm môi trường... ra ngoài trung tâm các đô thị; bàn giao quỹ đất sau di dời trụ sở cho địa phương quản lý; ưu tiên sử dụng quỹ đất này để phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong đô thị.

Đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống các công cụ tài chính, kinh tế đất, phát triển lành mạnh thị trường bất động sản. Có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai thông qua chính sách thuế bất động sản theo hướng người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê, nhưng chậm đưa vào sử dụng thì phải chịu mức thuế cao hơn. 

Rà soát khung giá đất để có điều chỉnh phù hợp với giá thị trường, làm cơ sở để các địa phương điều chỉnh bảng giá đất. Hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất cụ thể bảo đảm khách quan, minh bạch, sát với giá thị trường, có tính đến giá trị lợi thế vị trí địa lý, các giá trị tăng thêm do quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, đầu tư kết cấu hạ tầng mang lại.

Chuyên đề