Xứng tầm cho kinh tế tư nhân

(BĐT) - Với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế  thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đã được nhìn nhận và đặt ở vị trí xứng tầm. 
Khu vực kinh tế tư nhân có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Lê Tiên
Khu vực kinh tế tư nhân có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Lê Tiên

Và ngày hôm nay (17/5), Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đối thoại với hàng nghìn doanh nghiệp với thông điệp xuyên suốt là “đồng hành cùng doanh nghiệp”. Có lẽ chưa khi nào, khu vực kinh tế tư nhân nhận được sự quan tâm, coi trọng và đồng hành mạnh mẽ như lúc này.

Đặt khu vực tư nhân ở vị trí xứng tầm

Những ngày này, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất hứng khởi với 3 nghị quyết chuyên đề về kinh tế đã được Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) thông qua vào ngày 10/05/2017, trong đó có Nghị quyết về "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Sau hơn 30 năm đổi mới, khu vực tư nhân đã được đặt ở vị trí xứng tầm, từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ đã thừa nhận kinh tế tư nhân "là một trong những động lực" và đến nay "là một động lực quan trọng" để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, việc Hội nghị Trung ương 5 ban hành nghị quyết xác định khu vực kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng” để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta cũng chứng minh khu vực này đã làm được những việc lớn lao cho đất nước, như đóng góp quan trọng vào GDP, giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều lao động chưa kinh qua đào tạo. Đây là quyết sách quan trọng, tạo tiền đề để sau này Chính phủ đưa ra những quyết định cụ thể hơn để phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Trong hơn 1 năm qua, Chính phủ nhiệm kỳ mới cũng đã truyền đi những thông điệp rất rõ ràng khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để khu vực này phát triển. Sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ nhất diễn ra vào ngày 29/04/2016, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tiêu biểu là Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết 19/2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã thể hiện nhất quán quan điểm về Nhà nước kiến tạo phát triển, Chính phủ liêm chính, đồng hành với doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp và sự phát triển lành mạnh của khu vực kinh tế tư nhân.

Đến đầu tháng 5/2017, đã có 612.000 doanh nghiệp đang hoạt động, so với con số 500.000 doanh nghiệp năm 2016. Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu đánh giá, quan điểm này đã bước đầu được lan tỏa đến bộ máy chính quyền các cấp, đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức và hành động rất cơ bản, mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại phải tiếp tục nỗ lực giải quyết trong thời gian tới. 

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra hôm nay tiếp tục thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thực sự là động lực phát triển của đất nước.              

Doanh nghiệp chờ đợi những giải pháp cụ thể

Dù vai trò của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng được ghi nhận, không khí kinh doanh đang sôi động, môi trường đầu tư thông thoáng hơn, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đến nay vẫn còn rất nhiều khó khăn, khiến doanh nghiệp không thể lớn mạnh.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội dẫn ra một ví dụ nhỏ: Việc thực hiện kiểm dịch hàng hóa xuất nhập khẩu như hiện nay đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, mặc dù thủ tục hải quan đã giảm bớt giấy tờ, tuy nhiên chưa đồng bộ với các cơ quan liên quan như ngân hàng và các cơ quan thuế nên có những giấy tờ mà cơ quan hải quan không cấp nhưng ngân hàng hoặc cơ quan thuế vẫn yêu cầu. Đó chỉ là số ít trong rất nhiều khó khăn về thủ tục hành chính mà doanh nghiệp đang gặp phải và theo ông Mạc Quốc Anh, cần sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa bộ máy quản lý hành chính và doanh nghiệp mà Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sẽ là bước nền để đưa cơ quan nhà nước gần lại với doanh nghiệp hơn, từ đó giúp Nhà nước tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp nhanh chóng hơn.

Ông Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng, vấn đề hiện nay là cần nhanh chóng cụ thể hóa những cơ chế, chính sách mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XII của Đảng đã đề ra là: Chính sách đất đai; chính sách tài chính, tín dụng; chính sách lao động - tiền lương; chính sách hỗ trợ về đào tạo, khoa học và công nghệ; chính sách hỗ trợ về thông tin, xúc tiến thương mại.

Theo ông Điều, phải rà soát và xoá bỏ những văn bản đi ngược lại yêu cầu, nhiệm vụ khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, trước mắt là những quy định hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, những quy định làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Đặc biệt, quản lý nhà nước phải theo kịp sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không vì chưa quản lý được mà hạn chế, gây khó hoặc cấm các hoạt động liên quan đến ứng dụng tri thức và công nghệ cao để tạo ra nền kinh tế phát triển nhanh, tính cạnh tranh cao. Có như vậy mới giúp doanh nghiệp đua tranh trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 với tốc độ và sức sáng tạo là yếu tố quyết định thành công.

Chuyên đề