Xuất siêu là do nhập siêu giảm?

Tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước từ đầu năm đến 15/4 năm nay đã tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng trong quý I (6,6%). Tuy nhiên, tốc độ tăng trên vẫn còn thấp hơn tốc độ tăng của cả năm trước (7,9%) và thấp hơn tốc độ tăng của cả năm (10%) theo Nghị quyết của Quốc hội.
Dệt may là 1 trong 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD tính đến 15/4/2016
Dệt may là 1 trong 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD tính đến 15/4/2016

Nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu quý I/2016 so với cùng kỳ năm trước bị giảm tương đối sâu (4,8%); tính ra do giá giảm mà kim ngạch bị giảm tới trên 2,2 tỷ  USD. Giảm sâu nhất là dầu thô với trên 312 triệu USD, giá cà phê làm giảm 178 triệu USD, giá sắt thép làm giảm 166 triệu USD, giá xăng dầu làm giảm 137 triệu USD, giá thủy sản làm giảm 108 triệu USD, giá cao su làm giảm 71 triệu USD, giá sắn và sản phẩm từ sắn làm giảm 66 triệu USD, giá rau quả làm giảm 33 triệu USD, giá gỗ và sản phẩm của gỗ làm giảm 33 triệu USD, giá hạt tiêu làm giảm 29 triệu USD...

Trong hai khu vực xuất khẩu, khu vực trong nước so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng thấp hơn (4,1% so với 9,2%); có tỷ trọng thấp hơn (28,6% so với 71,4%) và giảm so với cùng kỳ năm trước (28,6% so với 29,6%).

Cũng có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (điện thoại, dệt may, máy tính và hàng điện tử, giày dép, máy móc, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, phương tiện vận tải), ít hơn cùng kỳ năm trước mặt hàng dầu thô.

Trong tổng mức tăng 3,302 tỷ USD, một số mặt hàng đóng góp mức tăng khá trên 100 triệu USD là điện thoại (tăng 2,011 tỷ USD), dệt may (tăng 432 triệu USD), máy móc (tăng 375 triệu USD), máy tính và sản phẩm  điện tử (tăng 324 triệu USD), nguyên phụ liệu dệt may, giày dép (tăng 252 triệu USD), rau quả (tăng 242 triệu USD), gạo (tăng 135 triệu USD), cà phê (tăng 102 triệu USD), túi xách, ví, va li, mũ, ô dù (tăng 102 triệu USD). Trong số các mặt hàng quy mô kim ngạch giảm lớn có dầu thô (giảm 560 triệu USD), máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (giảm 192 triệu USD), sắn và sản phẩm từ sắn (giảm 141 triệu USD), phương tiện vận tải và phụ tùng (giảm 120 triệu USD).

Trong 85 thị trường, có 46 thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng cao, đóng góp lớn có Hoa Kỳ (1,24 tỷ USD), Trung Quốc (552 triệu USD), Hàn Quốc (641 triệu USD), Hà Lan (333 triệu USD), Anh (237 triệu USD). Có 39 thị trường giảm so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý là Singapore (323 triệu USD), Malaysia (148 triệu USD), Thổ Nhĩ Kỳ (146 triệu USD), Brazil (128 triệu USD, Indonesia (121 triệu USD).

Cũng có 9 thị trường đạt trên 1 tỷ USD như như Hoa Kỳ (8,338 tỷ USD), Trung Quốc (4,197 tỷ USD), Nhật Bản (3,248 tỷ USD), Hàn Quốc (2,444 tỷ USD), Đức (1,427 tỷ USD), các Tiểu vương quốc Ả Rập (1,375 tỷ USD), Hà Lan (1,29 tỷ USD), Anh (1,161 tỷ USD)…

Xuất siêu là một tin vui, góp phần chuyển vị thế của Việt Nam trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ, ổn định tỷ giá... tuy nhiên từ đầu năm tới nay, xuất siêu chủ yếu do nhập khẩu giảm bởi  giá giảm và có một phần do nhu cầu đầu tư, sản xuất, tiêu dùng ở trong nước giảm. Ngoài ra, dù nhập siêu của khu vực trong nước và với một số thị trường giảm, nhưng mức nhập siêu còn lớn, ở một số thị trường mức nhập siêu còn tăng.

Chuyên đề