Xuất khẩu tìm đường thoát cảnh gia công

(BĐT) - Tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2017 diễn ra sáng ngày 20/4, nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua có sự tăng trưởng tích cực, tuy nhiên hàm lượng giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu vẫn còn thấp. Cần giải pháp toàn diện để khắc phục thực trạng này.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Giá trị gia tăng còn thấp

Theo báo cáo của Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 176,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng chủ lực khi cả nước có 24 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Cục Xúc tiến thương mại đánh giá, tuy xuất khẩu tăng trưởng nhưng giá trị gia tăng của nhiều nhóm ngành hàng vẫn còn thấp. Đơn cử như trong nhóm hàng nông, thủy sản, phần lớn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế. Trong công nghiệp điện tử gia dụng, tỷ lệ nội địa hóa mới đáp ứng được 30 - 35% nhu cầu linh kiện; ô tô, xe máy khoảng 40%; điện tử tin học - viễn thông chỉ khoảng 15%. Thực trạng này, theo GS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khiến chúng ta chưa thể yên lòng với xuất khẩu.

Chỉ ra hạn chế cần khắc phục để thúc đẩy xuất khẩu, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng, hiện trong 5 khâu tạo nên chuỗi cung ứng (sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại, đổi mới sáng tạo, quản trị và các hiệp hội) thì Cục Xúc tiến thương mại mới chỉ trú trọng vào khâu xúc tiến thương mại mà bỏ quên 4 khâu khác. Cần có sự điều chỉnh trong các khâu tạo nên chuỗi cung ứng để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu.            

Giải pháp từ nhiều phía

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang tích cực chủ động hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, các ý kiến tại Diễn đàn nhấn mạnh, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để phát triển kinh tế bền vững.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết: “Phát triển xuất khẩu bền vững trong thời gian tới là vấn đề Chính phủ và các bộ, ngành rất trăn trở. Chúng ta quan tâm đến kim ngạch xuất khẩu nhưng cũng phải tính đến yếu tố bền vững. Giải pháp đầu tiên là doanh nghiệp (DN) xuất khẩu phải nâng cao năng lực cạnh tranh”.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, xúc tiến xuất khẩu là hoạt động mang lại lợi ích trực tiếp cho DN xuất khẩu hàng hóa. Vì vậy, DN phải là chủ thể hàng đầu tổ chức và quản lý hoạt động xúc tiến xuất khẩu, phải dành kinh phí cho hoạt động này.

Tại Diễn đàn, chia sẻ về thành công của Tập đoàn TH trong việc xúc tiến xuất khẩu sản phẩm sữa, ông Nguyễn Quang Phi Tín, Giám đốc Dự án TH chia sẻ, năm 2008 chứng kiến thị trường sữa Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ sự cố sữa chứa Melamine tại Trung Quốc, Tập đoàn TH đã quyết tâm đầu tư, sản xuất sản phẩm sữa an toàn cho trẻ em và người tiêu dùng. Sau 7 năm thành lập, TH đã trở thành đơn vị tiên phong đặt nền móng cho ngành sữa tươi sạch và là nhà cung cấp sữa tươi hàng đầu tại Việt Nam.

Đánh giá cao thành công của Tập đoàn TH, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nêu quan điểm, DN xuất khẩu muốn nâng cao giá trị gia tăng phải đầu tư, thay đổi cách quản trị. Còn đối với Nhà nước, muốn hỗ trợ cho DN xuất khẩu, cần phải có những cách thức phù hợp để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. 

Chuyên đề