Xuất khẩu khả quan nhưng chưa thể chủ quan

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 6/2017 thâm hụt 200 triệu USD, nâng mức nhập siêu của Việt Nam trong hai quý đầu năm 2017 lên gần 2,7 tỷ USD, bằng 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu có thế mạn của Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu có thế mạn của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Với kim ngạch xuất khẩu đạt 97,78 tỷ USD, tăng 18,9% trong 6 tháng qua, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, xuất khẩu năm nay hoàn toàn có thể chạm mốc đạt 195 tỷ USD, tăng 10 - 11% so với năm 2016, cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao (tăng 6 - 7%).

Tuy nhiên, cần đánh giá lại các thị trường xuất khẩu chủ lực, tăng năng lực cạnh tranh các mặt hàng và tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo thống kê, tháng 6/2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 35,8 tỷ USD, giảm 1,6% so với tháng trước; trong đó, tổng trị giá xuất khẩu là 17,8 tỷ USD, giảm 0,7% và tổng trị giá nhập khẩu  đạt18 tỷ USD, giảm 2,5%.

Với kết quả này, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam từ đầu năm đến nay đạt gần 198,25 tỷ USD, tăng tới 21,5% so với cùng kỳ năm 2016.  Trong đó tổng trị giá xuất khẩu đạt gần 97,78 tỷ USD, tăng 18,9% và  tổng trị giá nhập khẩu đạt 100,47 tỷ USD, tăng 24,1%.

Vì vậy, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 6/2017 thâm hụt 200 triệu USD, nâng mức nhập siêu của Việt Nam trong hai quý đầu năm 2017 lên gần 2,7 tỷ USD, bằng 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về mặt hàng xuất khẩu, tương tự như các tháng đầu năm, các mặt hàng xuất khẩu vẫn là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch ước đạt 2,8 tỷ USD. Kết quả này đã đưa kim ngạch nhập khẩu của riêng nhóm hàng này trong 6 tháng qua lên con số 16,22 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, các nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu cao lần lượt là máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, vải các loại, điện thoại và linh kiện,chất dẻo nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, xăng dầu các loại...

Đánh giá từ các chuyên gia thương mại, thời gian tới xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng bởi theo quy luật hàng năm, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản sẽ tăng vào giữa năm và đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm. Hơn nữa, các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ xuất khẩu từ giữa quý II…

Đặc biệt hơn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định ban hành Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo và Bộ Công Thương sẽ tổ chức các hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp và địa phương triển khai chiến lược này trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia thương mại, chiến lược này được kỳ vọng góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu  mặt hàng gạo. Đây là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao kết quả đã đạt được của hoạt động xuất khẩu trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn lưu ý các đơn vị không nên chủ quan. Bởi dù tăng trưởng tốt nhưng không loại trừ khả năng hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu sẽ có nhiều diễn biến bất thường trong 6 tháng cuối năm.

Chẳng hạn, như với thị trường Hoa Kỳ, các mặt hàng dệt may, da giày, thủy sản vẫn là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Vì vậy, phải theo sát diễn biến thị trường, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cụ thể của từng mặt hàng xem có yếu tố đột biến cũng như rào cản gây sụt giảm kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này hay không.

Bộ trưởng lưu ý khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cần xem xét đề ra cơ chế hợp tác nhằm tận dụng những điều kiện thuận lợi, bên cạnh việc duy trì các mặt hàng truyền thống cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng mới.

Riêng với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo, khi triển khai cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để những nỗ lực mở cửa thị trường thực sự phát huy hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện vẫn còn tình trạng Bộ Công Thương mở cửa thị trường nhưng hàng hóa, nhất là một số mặt hàng nông sản không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Vì vậy, cần phối hợp để sản xuất những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, vượt qua rào cản kỹ thuật, tận dụng những ưu đãi từ nỗ lực mở cửa thị trường.

Chính vì vậy, cần quan tâm đến những thị trường trọng tâm, trọng điểm của Việt Nam trong bối cảnh có nhiều diễn biến mới. Bên cạnh đó, đánh giá đúng tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu của từng mặt hàng và đưa ra những kịch bản cụ thể. Đặc biệt, cần xây dựng phương án nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu ở những thị trường lớn.

Chuyên đề