Xuất khẩu đồ gỗ hướng đến mốc 8 tỷ USD

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong năm 2017 có khả năng đạt mức 7,8-8 tỷ USD, vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm là 7,3-7,5 tỷ USD. Xuất khẩu đồ gỗ vào Mỹ, Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong những năm qua, nhưng dự báo những năm tới sẽ giảm tốc, đổi lại sẽ tăng tốc mạnh vào Liên minh châu Âu (EU).
Xuất khẩu đồ gỗ hướng đến mốc 8 tỷ USD

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết, tính từ đầu năm nay đến hết tháng 11/2017, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt gần 7 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016. Với tăng trưởng năm nay tăng mạnh gấp nhiều lần con số tăng trưởng 1,1% của năm ngoái, thì chỉ trong 11 tháng, ngành gỗ đã vượt qua cả năm 2016.

Xét về thị trường tiêu thụ đồ gỗ năm nay, Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nhật Bản, EU và Hàn Quốc là 5 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 90% trong tổng giá trị kim ngạch mặt hàng này.

Trong đó, Hoa Kỳ chiếm thị phần lớn nhất - chiếm 42,7%; tiếp đến Trung Quốc chiếm 14,1%; Nhật Bản chiếm 13,7%. Xuất khẩu gỗ năm nay tăng mạnh vào các nước: Hoa Kỳ tăng 18,8%, Hàn Quốc tăng 14,2%, Canada tăng 13,4%.

Nguyên nhân mang lại tốc độ tăng trưởng trên, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, là do năm 2017, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ván nhân tạo, ván dăm, MDF và gỗ viên nén tăng rất mạnh trong khi những năm trước, tỷ lệ xuất khẩu mặt hàng này ở mức thấp.

Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam còn khai thác được thêm nhiều thị trường mới và đây sẽ là tiền đề để kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng trưởng trong những năm tới.

Ông Quyền nhấn mạnh, với tốc độ tăng trưởng bình quân gần 11%/tháng, và thời vụ xuất khẩu chính của ngành gỗ là 3 tháng cuối năm thì con số 7,8 tỷ USD xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm chắc chắn sẽ đạt được, có khả năng còn đạt tới mốc 8 tỷ USD.

Đối với thị trường EU, ông Nguyễn Tôn Quyền nhận định, suốt thời gian qua, thương mại gỗ giữa Việt Nam-EU chiếm khoảng 12-15% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc với giá trị xuất khẩu trung bình mỗi năm khoảng 650-700 triệu USD.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực trong năm 2018, thuế suất các mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam vào EU về 0%, sẽ tạo ra sự bứt phá thực sự cho xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu lên khoảng 1 tỷ USD.

Đối với thị trường Mỹ, một số chuyên gia dự báo trong những năm tới đồ gỗ sẽ giảm tốc. Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách tại tổ chức Forest Trends, Mỹ đang có chính sách hướng nội, mong muốn mang lại công việc trở lại nước Mỹ. Như vậy, sau Trung Quốc (hàng năm xuất khẩu khoảng 8 tỷ USD mặt hàng gỗ vào Mỹ), Việt Nam có thể là nước tiếp theo bị “để ý” khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã vào khoảng 2,7 tỷ USD.

Do tốc độ tăng trưởng nhanh nên ngành gỗ Việt Nam đang gặp phải những thách thức. Thách thức dài hạn vẫn là vấn đề khan hiếm nguồn gỗ nguyên liệu. Cạnh tranh thể hiện ở cả nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung từ thị trường trong nước.

Thách thức mang tính thời vụ ngắn hạn là tại thời điểm hiện tại ách tắc tại các cảng biển xuất khẩu gỗ ở nước ta. Hiện nay, nhiều tàu container và tàu hàng có trọng tải lớn không thể ra vào luồng hàng hải Quy Nhơn - cảng xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất nước, làm ách tắc một lượng rất lớn hàng hóa sản phẩm gỗ của các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Định và các tỉnh ở Nam Trung Bộ.

Mới đây, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đã có công văn gửi UBND tỉnh Bình Định và Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn đề nghị sớm giải phóng luồng tàu ra vào cảng Quy Nhơn sau bão số 12.

Vì nhiều tàu container và tàu hàng có trọng tải lớn đã không thể ra vào luồng hàng hải Quy Nhơn, đã làm ách tắc một lượng rất lớn hàng hóa sản phẩm gỗ xuất khẩu tại cảng. Đề nghị Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn khẩn trương triển khai công tác trục vớt các tàu hàng bị chìm, sớm thông luồng thông tuyến ra vào để sớm giải phóng lượng hàng hóa đang ách tắc tại cảng.

Chuyên đề