Xuất khẩu cá tra vào Mỹ giảm 26 triệu USD trong một tháng

Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang đối mặt hàng loạt khó khăn khi Bộ Nông nghiệp Mỹ chính thức triển khai chương trình kiểm tra 100% lô hàng.
Xuất khẩu cá tra vào Mỹ liên tiếp gặp trở ngại do thuế chống bán phá giá và đạo luật Farm Bill mới được áp dụng.
Xuất khẩu cá tra vào Mỹ liên tiếp gặp trở ngại do thuế chống bán phá giá và đạo luật Farm Bill mới được áp dụng.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ trong tháng 8 gặp nhiều khó khăn khi kim ngạch chỉ đạt 18,44 triệu USD, giảm hơn 58% tương đương 26 triệu USD so với tháng trước.

Riêng Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn – doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, lượng hàng xuất khẩu trong tháng vừa qua chỉ đạt 130 container, giảm mạnh so với mức bình quân 250 container một tháng.

Nguyên nhân chính khiến xuất khẩu gặp nhiều khó khăn là do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đột ngột thay đổi thời gian thực hiện chương trình thanh tra cá da trơn sớm hơn một tháng so với kế hoạch. Theo đó, từ ngày 2/8, Cục Kiểm dịch và An toàn thực phẩm thuộc USDA chính thức kiểm tra toàn bộ lô hàng cá tra Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu đã ghi nhận tình trạng ách tắc và quá tải kho bãi, đặc biệt là tại cảng Los Angeles. Đa số các cảng vẫn đang thiếu nhân viên kiểm tra nên thời gian trung bình từ lúc hàng vào kho, xin lịch và tiến hành kiểm tra kéo dài khoảng 6 ngày. Trong trường hợp hàng thuộc chế độ kiểm tra tại phòng thí nghiệm độc lập thì thời gian tổng cộng có thể lên đến hai tháng.

Phần lớn kiểm soát viên phải làm việc ít nhất ở 2-3 kho mỗi ngày nên không chỉ tăng thời gian chờ đợi mà còn ảnh hưởng chi phí lưu kho và lưu thông hàng hoá của doanh nghiệp. Nếu các kho tại khu vực gần cảng bị quá tải sẽ phát sinh chi phí vận chuyển nội địa đến địa điểm mới, ước tính khoảng 1.000-2.000 USD mỗi container. Theo VASEP, chương trình kiểm tra hàng đến của USDA làm tăng chi phí khoảng 0,1-0,25 USD trên mỗi kg cá tra, tương đương 3-7% giá bán nên sức cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường Mỹ giảm mạnh.

Ngoài ra, từ giữa tháng 8, Cục Kiểm dịch và An toàn thực phẩm công bố hướng dẫn bổ sung về ghi nhãn cho cá tra. Việc này dẫn đến tình trạng tồn kho bao bì rất lớn do doanh nghiệp không kịp thay đổi bao bì được in ấn theo quy định cũ. Thực tế ghi nhãn sản phẩm có những trường hợp phát sinh đa dạng hơn hướng dẫn nên nếu kiểm soát viên áp dụng quy định cứng nhắc cũng khiến hàng hoá bị từ chối nhập khẩu oan uổng.

VASEP đánh giá, chương trình thanh tra này dựng nên rào cản thương mại lớn, đồng thời là công cụ hữu hiệu để Mỹ bảo hộ nền công nghiệp cá da trơn. Mối nguy doanh nghiệp Việt Nam có thể bị ngưng xuất khẩu cá tra vào Mỹ là khá lớn và cận kề.

Cũng liên quan đến mặt hàng cá tra, Bộ Thương mại Mỹ (ODC) mới đây đã thông báo về quyết định sơ bộ thuế chống bán phá giá của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này giai đoạn từ 1/8/2015 đến 31/7/2016. Mức thuế mới được áp dụng là 2,39 USD một kg, cao gấp ba lần thuế suất riêng lẻ trong đợt rà soát hành chính lần thứ 12.

Theo văn bản phản đối quyết định mức thuế mới của VASEP, DOC đã áp dụng các yếu tố bất lợi có sẵn và tính biên độ phá giá 2,39 USD một kg đối với Công ty cổ phần Thủy sản Gò Đàng khi cho rằng doanh nghiệp này không hợp tác trong quá trình xem xét và cung cấp đầy đủ các dữ liệu cần thiết.

“Vô lý hơn, DOC dùng mức thuế theo các yếu tố bất lợi sẵn có để tính thuế trung bình cho các công ty được hưởng thuế suất riêng rẽ khác, trong khi các công ty này đã cung cấp đầy đủ hồ sơ dữ liệu theo đúng thời hạn và yêu cầu của đơn vị này”, văn bản nêu rõ và đề nghị DOC xem xét lại trước khi ra quyết định cuối cùng.

Chuyên đề