Xuân về trên “Viên ngọc Rồng”

(BĐT) - Nằm cách đất liền trên 80 hải lý, Bạch Long Vĩ bừng lên giữa muôn trùng sóng nước được tôn bởi “đáy nước in nền cát vàng hươm”. 
Xuân về trên “Viên ngọc Rồng”

Có lẽ vì thế mà người dân đất Cảng thường gọi với cái tên trìu mến “Viên ngọc rồng”. Cứ mỗi dịp xuân về, hòn đảo tiền tiêu này lại nhộn nhịp hơn bởi hơi ấm từ đất liền mang lại, thôi thúc tuổi trẻ hăng say luyện rèn, tạo lá chắn an ninh, quốc phòng vững chắc nơi phên dậu Tổ quốc.

Cứ đến hẹn lại lên, năm nào cũng vậy, những ngày giáp Tết, chúng tôi lại háo hức chờ đón thông tin tháp tùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu 3 ra thăm, chúc Tết huyện đảo Bạch Long Vĩ. Chuyến tàu đầy ắp hàng hóa, nào là lá dong, các loại bánh kẹo, gạo tẻ, gạo nếp, đỗ xanh..., nào là những tờ báo, đĩa nhạc, cây đào, quất..., tất cả dường như đều mong muốn Tết ở đảo thêm đầm ấm.

Con tàu của Lữ đoàn 273 vừa áp mạn cập bến, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo ùa ra tay bắt, mặt mừng. Chúng tôi có cảm nhận, điều đó như đang tiếp thêm sức mạnh cho những người lính nơi đây, luôn chắc tay súng, trọn niềm tin, giữ vững chủ quyền vùng trời, vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đón đoàn công tác về Tiểu đoàn, Đại úy Đỗ Văn Thế, Chính trị viên Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ (Bộ Chỉ huy quân sự TP. Hải Phòng) chia sẻ: “Nhận được thông tin có đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu ra thăm chúc Tết đảo, chúng em mừng lắm. Dường như ai cũng đếm ngược đồng hồ để chờ đợi. Có lẽ lính đảo là vậy anh ạ! Luôn khao khát đất liền, bởi nơi ấy là niềm tin, là chỗ dựa tinh thần của đảo”.

Cùng đoàn công tác kiểm tra công tác trực sẵn sàng chiến đấu trên trận địa pháo phòng không 37 mm, nơi được xem là “nóc nhà” của hòn đảo Bạch Long Vĩ. Tiếng kẻng báo động dồn dập vang lên, cán bộ, chiến sĩ bất ngờ như chui từ dưới đất lên (vì doanh trại nằm ở sườn đồi phía dưới trận địa), cơ động làm chủ trận địa. Mỗi người một việc, lắp ráp như một cỗ máy, thành một khối thống nhất trên mâm pháo, sẵn sàng nhả đạn vào đầu thù. Những nòng pháo 37 mm liên tục thay đổi tầm, hướng, xục xạo tìm diệt mục tiêu trên không, trên biển... Trung úy Trần Văn Quyết, Trung đội trưởng Trung đội Pháo phòng không 37 mm cho biết: “Được mệnh danh là đôi “Mắt thần” của đảo, cán bộ, chiến sĩ Trung đội luôn tích cực rèn luyện tác phong nhanh nhẹn, tinh thần trách nhiệm cao trong các phiên canh trực, ham học hỏi, nắm chắc từng thao tác, nhớ rõ từng phương vị, tính toán chuẩn xác từng thông số, sẵn sàng điểm xạ, hạ gục mục tiêu trong bất kỳ tình huống nào, hoàn thành nhiệm vụ kiểm soát không phận và toàn bộ vùng biển xung quanh. Càng những ngày lễ Tết, chúng tôi càng phải tăng cường rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu cao và tinh thần đón Tết tại trận địa được 100% cán bộ, chiến sĩ xác định”.

Trung đội Mắt thần luyện tập phương án đánh địch đột nhập vùng trời Bạch Long Vĩ. Ảnh: Đàm Tuấn Đạt 

Binh nhì Đỗ Văn Giang, chiến sĩ Trung đội “Mắt thần” quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng tâm sự: “Không khí ở đây đầm ấm tình người, cán bộ, chiến sĩ như anh em một nhà đã gây cho em nhiều ấn tượng ngay từ khi mới được điều về công tác tại đơn vị. Cái Tết đầu tiên trong Quân đội lại được đón giao thừa tại trận địa đã khiến cho chúng em háo hức, mong chờ. Xa gia đình ai mà không nhớ, nhưng trải nghiệm cái Tết như thế này quả là thú vị trong đời. Công tác chuẩn bị của đơn vị khá chu đáo và chúng em được biết so với nhiều năm trước đây thì Tết năm nay đầy đủ hơn nhiều”.

Tới thăm Đại đội bộ binh của Tiểu đoàn, Đại đội trưởng, Đại úy Nguyễn Công Tuấn cho biết: “Mọi công tác chuẩn bị cho Tết đã hoàn tất, các kíp trực được huấn luyện bổ sung theo phương án tác chiến đã được phê duyệt. Đại đội quán triệt tốt tinh thần vui xuân mới không quên nhiệm vụ tới 100% cán bộ, chiến sĩ. Các khâu trang trí khánh tiết, các trang, thiết bị, dụng cụ thể thao đã được chuẩn bị sẵn sàng. Sản phẩm tăng gia như lợn, gà, ngan, trứng, rau xanh đủ cho bộ đội ăn Tết”. Dẫn chúng tôi thăm phòng Hồ Chí Minh, Đại úy Tuấn giới thiệu cành đào do các chiến sĩ làm bằng các vật liệu cành gai, xốp, phẩm đỏ, giấy... trông khá bắt mắt: “Đây là sản phẩm khá đặc trưng của lính đảo, cách xa đất liền, việc vận chuyển đào quất ra đây cũng không đủ đến các đầu mối nhỏ lẻ, vì vậy, lớp trước truyền cho lớp sau làm ra những cây đào quất khá sinh động. Năm nay, cây quất thật của đơn vị được chăm từ năm ngoái nhưng khí hậu khắc nghiệt nên hoa quả kém, những quả tự tạo làm cho nó như được phù phép để đón xuân. Có nhiều năm biển động ngay cả lá dong cũng không có để gói bánh chưng, cán bộ, chiến sĩ đảo đã phải lấy lá bàng gói bánh. Dẫu mấy năm gần đây, điều kiện đi lại dễ dàng hơn do có nhiều tàu thuyền tới đảo, nhưng đã thành lệ, dù có đủ lá dong, chúng tôi vẫn gói một cặp bánh lá bàng để truyền lại cho lớp trẻ biết mà học theo. Thực ra, bánh gói bằng lá bàng có khó hơn một chút, nhưng hương vị của nó cũng rất đặc biệt, khi ăn bánh có vị chan chát, ngon chẳng khác mấy so với gói bằng lá dong”.

Còn Binh nhì Nguyễn Văn Huệ, chiến sĩ của Đại đội bộ binh, quê ở Thủy Nguyên, Hải Phòng thổ lộ nhiều tâm trạng: “Năm ngoái, em đón Tết quây quần bên gia đình. Năm nay em ăn Tết trên đảo, cũng là cái Tết đầu tiên xa gia đình. Cảm giác đặc biệt lắm, có lúc ngồi một mình chỉ chực khóc, có lúc lại thấy tự hào vì được ăn Tết giữa đại dương mênh mông... Nhận được thư của gia đình và bạn bè em rất vui và hạnh phúc. Bố mẹ thương em vì lần đầu tiên xa nhà, không được ăn Tết cùng gia đình. Bố mẹ rất tự hào khi em được ăn Tết trong Quân đội và đặc biệt hơn là đang ngày đêm giữ đảo. Em rất vui vì gia đình đã đặt niềm tin ở em và lấy điều đó để nhắc nhở mình phải luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Tới Đại đội Bảo quản, tôi bất ngờ gặp Trung úy Đào Quang Ngọc, nhân viên Đại đội Bảo quản, người mà tôi đã từng biết từ lần công tác trước. Ngọc là con của Trung tá Đào Quang Văn, nguyên Chính trị viên Phó Cụm chiến đấu số 2 (Trung đoàn 952, Quân chủng Hải quân), đã nghỉ hưu. Vì xem bố là thần tượng nên Ngọc quyết chí nối nghiệp cha ra giữ đảo từ năm 2000. Ngọc hồ hởi hỏi thăm sức khỏe và cho biết chuyển công tác từ Đại đội “Mắt thần” về Đại đội Bảo quản khi Trung đoàn chuyển tổ chức thành Tiểu đoàn Phòng thủ đảo, trực thuộc Bộ Chỉ huy quân sự TP. Hải Phòng. Ngọc khoe: “Năm nay là năm thứ 10 em ăn Tết tại đảo, vợ chồng em đã định cư ở đây, vì vậy sẽ gắn bó với đảo ngày Tết cũng như ngày thường”.

Chia tay Đại đội Bảo quản trở về Sở chỉ huy Tiểu đoàn, nơi các chiến sĩ đang hối hả, chỗ thì cắt tỉa lại mấy chậu cây cảnh, hàng rào thông lao; chỗ thì làm bàn thờ Tổ quốc, chăng dàn đèn nháy... Đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn cho biết: “Tết đã cận kề, mọi công tác chuẩn bị đón Tết trên đảo của Tiểu đoàn đã cơ bản hoàn tất. Để chủ động bảo đảm Tết, Đảng ủy Tiểu đoàn đã chỉ đạo công tác tăng gia sản xuất từ 6 tháng trước. Không chỉ có vật chất mà tinh thần cũng được đơn vị quan tâm, từ phòng hát karaoke, đến các sân thể thao... tất cả đã sẵn sàng”.

Chia tay cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ, đoàn công tác mỗi người theo đuổi một suy nghĩ. Riêng tôi, trong lòng trào dâng niềm cảm phục những con người luôn biết chủ động vượt khó nơi đầu sóng với một niềm tin sắt đá: Xuân sẽ luôn bên họ khi chủ quyền vùng biển đảo này được giữ vững.

Chuyên đề