Xác định rõ mục tiêu tăng trưởng năm 2019

(BĐT) - Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã bắt đầu được xây dựng. Theo Dự thảo Kế hoạch, 2 trong số các mục tiêu quan trọng nhất của năm 2019 được xác định là “tăng trưởng cao hơn 2018” và “nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế”.
Với chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và một số nền kinh tế khác, nền kinh tế Việt Nam năm 2019 dự báo sẽ chịu một số tác động. Ảnh: Lê Tiên
Với chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và một số nền kinh tế khác, nền kinh tế Việt Nam năm 2019 dự báo sẽ chịu một số tác động. Ảnh: Lê Tiên

Đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2019 cao hơn 2018

Nền kinh tế đã đi qua 1/3 chặng đường của năm 2018. Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Dự kiến trình Chính phủ ký ban hành vào đầu tháng 7/2018, dự thảo này mới đây đã được gửi tới các bộ, ngành lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện.

Được xác định là năm “nước rút”, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, nên Bộ KH&ĐT xác định, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 là “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2018, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế”.

Mục tiêu tăng trưởng năm 2019 cao hơn năm 2018 được các chuyên gia kinh tế đánh giá là có cơ sở, khi theo dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 sẽ nhận được hỗ trợ đáng kể từ đà tăng trưởng tích cực của năm 2018. Hiện tại, sau mức tăng trưởng GDP quý I/2018 ở mức 7,38%, cộng thêm các dự báo tương đối lạc quan về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, thì nhiều khả năng, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ đạt từ 6,7 - 6,8%. Đây là mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều thách thức, biến động khó lường và kinh tế trong nước đang trong giai đoạn thực hiện nhiều cải cách mạnh mẽ.

Ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2019 dự báo sẽ được hưởng lợi từ đà tăng trưởng của năm 2018 và tính chu kỳ của nền kinh tế. Tính toán cho thấy, chu kỳ của nền kinh tế trong ngắn hạn đang tiếp tục xu hướng phục hồi từ giữa năm 2017, báo hiệu xu hướng tăng trưởng khả quan của nền kinh tế trong năm 2018 và các tháng đầu năm 2019.

Đặc biệt, với những chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết 01/NQ-CP, diễn biến tích cực của hoạt động sản xuất dự báo tiếp tục trong năm 2018, kéo dài sang năm 2019, sẽ hỗ trợ đáng kể cho tăng trưởng. 

Còn nhiều thách thức

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng, nền kinh tế năm 2019 dự báo vẫn còn rất nhiều rủi ro cần phải lường trước, đòi hỏi sự thận trọng trong điều hành. Đó cũng là lý do mà “nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế” được xác định là một mục tiêu quan trọng trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Rủi ro dễ thấy nhất mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2019 là chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và các quốc gia khác. Thực tế, trước những động thái gần đây của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, nguy cơ về một cuộc chiến thương mại sẽ tác động lớn tới kinh tế toàn cầu, là mối lo của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có chính sách ứng phó kịp thời.

Ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, với xu hướng bảo hộ thương mại, những ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ không lớn, nhưng những thay đổi chính sách của Mỹ, bao gồm cả việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất USD, sẽ gây áp lực đến tỷ giá và giá trị của VND. Nếu VND bị mất giá, nhập khẩu sẽ chịu hệ lụy.

Cũng theo ông Cao Viết Sinh, cùng với chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ và một số nền kinh tế khác, nền kinh tế Việt Nam năm 2019 dự báo sẽ còn phải đối mặt với một loạt thách thức khác. Đó là tăng trưởng đột biến của khu vực chế biến, chế tạo khó có khả năng duy trì; dư địa hạn hẹp của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; tốc độ xử lý các tập đoàn kinh tế, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm… Bên cạnh đó, nguy cơ các nền kinh tế chủ chốt gia tăng cạnh tranh về kinh tế, tài chính, tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ cũng là thách thức được dự báo. Do vậy, tăng khả năng chống chịu là cách tốt nhất để nền kinh tế Việt Nam có thể dễ dàng vượt qua các cú sốc.

Chuyên đề