Việt Nam thăng hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu

Việt Nam tăng 5 bậc so với năm ngoái, xếp thứ 55/137 trên toàn cầu với số điểm 4,36.
Việt Nam xếp thứ 5 ở Đông Nam Á về năng lực cạnh tranh.
Việt Nam xếp thứ 5 ở Đông Nam Á về năng lực cạnh tranh.

Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh Toàn cầu mới công bố của Diễn đàn Kinh tế (WEF) giới cho thấy một bức tranh hỗn hợp về châu Á, với sự nhảy vọt của Việt Nam và Indonesia. Trong khi đó, Nhật và Ấn Độ sa sút.

Việt Nam xếp vị trí thứ 55 trên bảng xếp hạng, tăng 5 bậc so với năm ngoái. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5, xếp sau Singapore (3), Malaysia (23), Thái Lan (34) và Indonesia (41).

WEF đánh giá các nước trên thang điểm 7. Theo đó, điểm năng lực cạnh tranh (GCI) của Việt Nam năm nay được 4,36 – cao hơn so với mức 4,31 năm ngoái.

Việt Nam được đánh giá có những tiến bộ trong mức độ sẵn sàng về công nghệ và hiệu quả thị trường lao động. Thương mại cũng là một yếu tố lớn giúp Việt Nam thăng hạng.

Việc Mỹ rút khỏi TPP có thể mất đi một số cơ hội giao thương trong tương lai. Tuy nhiên, báo cáo của WEF cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam vẫn sẽ được duy trì nhờ xuất khẩu mạnh.

Các tiêu chí đánh giá của WEF được chia thành 3 nhóm chính, gồm: Yêu cầu căn bản (kinh tế vĩ mô, giáo dục cơ bản - y tế, cơ sở hạ tầng, thể chế); Các yếu tố nâng cao hiệu suất (giáo dục và đào tạo bậc cao, độ hiệu quả trên thị trường lao động, hiệu quả trên thị trường hàng hóa, sự phát triển của hệ thống tài chính, trình độ công nghệ, quy mô thị trường) và các yếu tố về tinh vi - đột phá (sự tinh vi của hệ thống doanh nghiệp, khả năng đột phá).

Trong 3 nhóm này, Việt Nam được chấm điểm cao nhất ở Yêu cầu căn bản, với 4,4 điểm, xếp thứ 55.

Trên thế giới, 3 vị trí đứng đầu năm nay lần lượt là Thụy Sĩ (5,86 điểm), Mỹ (5,85) và Singapore (5,71). Trong top 10 có 6 đại diện châu Âu, 3 châu Á và một châu Mỹ.

Chuyên đề