Việt Nam mong muốn chung tay với cộng đồng quốc tế

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh việc ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) thể hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ cũng như mong muốn của Việt Nam được đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại cuộc vận động các nước ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại cuộc vận động các nước ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Ảnh: TTXVN

Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Đại hội đồng LHQ khoá 73, ngày 26/9, tại New York (Hoa Kỳ), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì cuộc gặp vận động các nước ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Phát biểu tại buổi vận động với sự tham dự của hơn 100 lãnh đạo cấp cao, Bộ trưởng Ngoại giao và Đại sứ, Đại diện các nước thành viên LHQ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc ứng cử vào Hội đồng Bảo an thể hiện đường lối đối ngoại hoà bình, độc lập, tự chủ cũng như mong muốn của Việt Nam được đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng khẳng định nếu trúng cử, Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực thúc đẩy đối thoại và hợp tác nhằm phòng ngừa xung đột, giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế, bảo vệ thường dân trong xung đột và xử lý hậu quả chiến tranh để xây dựng một nền hòa bình bền vững, đồng thời, tăng cường hợp tác giữa Hội đồng Bảo an với các tổ chức khu vực.

Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng với sự ủng hộ của các nước, Việt Nam sẽ hoàn thành trọng trách của một thành viên Hội đồng Bảo an, đóng góp vào bảo đảm hòa bình, an ninh ở khu vực và trên thế giới.

Trong trao đổi tại cuộc gặp, các nước đều bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và sẽ có những đóng góp tích cực đối với các công việc chung của LHQ cũng như của cộng đồng quốc tế.

* Cùng ngày, Phó Thủ tướng đã gặp song phương Bộ trưởng Ngoại giao các nước: Australia, Ukraine, Slovakia, Slovenia, Uganda, Ecuador và tiếp Phó Ngoại trưởng Hoa Kỳ.

Tại các cuộc gặp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cám ơn các nước đã gửi lời chia buồn sâu sắc về việc Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đại Quang qua đời.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng khẳng định với những thành tựu về đối ngoại và kết quả thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam sẵn sàng đảm đương và hoàn thành tốt trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ, thúc đẩy việc sớm ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Trong các cuộc trao đổi, các nước đều đánh giá cao vai trò, vị trí và những đóng góp quan trọng của Việt Nam vào các công việc chung của khu vực và cộng đồng quốc tế; khẳng định sẽ xem xét tích cực các đề nghị của Việt Nam và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam cùng góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đóng góp cho ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Về các nội dung hợp tác cụ thể, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne nhất trí tiếp tục duy trì việc trao đổi đoàn, nhất là các đoàn cấp cao, trao đổi về các biện pháp thúc đẩy kinh tế, thương mại giữa hai nước, trong đó có xuất nhập khẩu các sản phẩm nông sản; thúc đẩy tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế khu vực. Australia hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn vào lực lượng gìn giữ hòa bình, xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường trao đổi phối hợp tại các diễn đàn ASEAN, APEC, LHQ...

Tại cuộc trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Miroslav Lajcak, hai bên cho rằng cần tiếp tục có các biện pháp duy trì và thúc đẩy hơn nữa quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đề nghị Slovakia tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Slovakia và cộng đồng người Việt Nam sinh sống, kinh doanh ổn định, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội Slovakia.

Tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Slovenia Karl Erjavec, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị hai bên tiến hành đàm phán, ký kết một số văn kiện hợp tác khung, trong đó có Hiệp định tránh đánh thuế trùng và Hiệp định công nhận bằng cấp, chứng chỉ tương đương; tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như vận tải biển, du lịch, dược phẩm, đồ gia dụng…

Tiếp Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Uganda Henry Oryem Okello, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Chính phủ Uganda ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và Uganda có nhu cầu; tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Uganda, trong đó có Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) thăm dò thị trường đầu tư trong lĩnh vực viễn thông tại Uganda.

Hai bên nhất trí sẽ sớm đàm phán, ký kết Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ để tạo khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương.

Tiếp Phó Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Sullivan, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ trên các trụ cột kinh tế, thương mại, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật… Hướng tới kỷ niệm 25 năm Việt Nam, Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp và duy trì phối hợp chặt chẽ giữa hai Bộ Ngoại giao.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là sớm triển khai dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Biên Hòa.

Chuyên đề