Ưu tiên ổn định vĩ mô và chống lạm phát

(BĐT) - Mặc dù sản xuất công nghiệp giảm, song tốc độ tăng trưởng của một số ngành kinh tế lại đang được cải thiện. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, đây là những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. 
Lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả mang về giá trị cao hơn xuất khẩu dầu thô. Ảnh: Minh Long
Lần đầu tiên, xuất khẩu rau quả mang về giá trị cao hơn xuất khẩu dầu thô. Ảnh: Minh Long

Mục tiêu GDP năm 2017 tăng 6,7% không phải là nhiệm vụ bất khả thi, tuy nhiên vấn đề quan trọng là phải bảo đảm mục tiêu ổn định vĩ mô và chống lạm phát.

Số liệu công bố mới đây cho thấy, GDP quý I tăng thấp. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra lý giải về mức tăng trưởng thấp này, trong đó chủ yếu là do ngành công nghiệp tăng trưởng thấp. Ông nhận định như thế nào?

Tăng trưởng GDP quý I năm nay đạt 5,1%, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Trước đó, quý I/2015 là 6,12%; quý I/2016 là 5,48%. Điều này cho thấy Việt Nam đang đi vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại.

Cả khai khoáng dầu thô, khí, than đều giảm, dẫn đến kết quả chung toàn ngành khai khoáng chỉ đạt 90%, âm 10%. Việc giảm sản lượng công nghiệp khai khoáng là do Nhà nước chủ động thu hẹp và cũng do giá thế giới giảm, khai thác thì lỗ. Ngành nông nghiệp chưa phục hồi.

Tuy nhiên, có hai điều “an ủi” mà chúng ta vẫn kỳ vọng, đó là bao giờ GDP quý I cũng thấp nhất trong 4 quý. Nhiều năm trở lại đây đều có xu hướng quý sau cao hơn quý trước. Hy vọng năm nay cũng thế. Thế giới họ đánh giá nếu 2 quý liên tiếp suy giảm thì mới là suy thoái.

Một điều đáng ghi nhận là, mặc dù sản xuất công nghiệp giảm song có một số ngành kinh tế đang được cải thiện. Ví dụ như trong lịch sử chưa bao giờ xuất khẩu dầu thô lại mang về giá trị thấp hơn rau quả. Nếu tiếp tục cải tiến cơ cấu nông nghiệp, áp dụng kỹ thuật cao thì tiếp tục sẽ có những đột phá mới. Đây là những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.

Ưu tiên ổn định vĩ mô và chống lạm phát ảnh 1
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong
Tuy còn hơi sớm để lo ngại về nguy cơ nền kinh tế bước vào giai đoạn trì trệ, nhưng việc đưa ra những biện pháp để kích thích sản xuất, tiêu dùng, theo ông có cần thiết?

Tôi cho rằng tổng cầu trong quý I không phải thấp. Như số liệu công bố cho thấy, tổng cầu ô tô tăng hơn mấy chục phần trăm so với năm ngoái, tăng như vậy rất mạnh. Tôi chỉ băn khoăn về vấn đề là lệch cầu, trong đó tiêu dùng xa xỉ, tiêu dùng theo kiểu vội vàng vì thuế giảm khá ồ ạt.

Hiện Nhà nước vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp kích cầu như việc tăng lương, chủ trương hạ lãi suất, có những biện pháp thận trọng trong việc tăng giá dịch vụ công… Tuy nhiên, sắp tới có một số yếu tố có thể sẽ ảnh hưởng đến tổng cầu, đó là việc tăng thuế môi trường xăng dầu cao gấp đôi sẽ đẩy giá xăng cao, hay việc tăng một số thuế tiêu thụ trong nước. 

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài  công bố cho thấy, trong quý I/2017 đã thu hút được hơn 7,7 tỷ USD vốn FDI, tăng tới 77,6% so với cùng kỳ năm 2016. Liệu đây có thể là sự bổ sung động lực tăng trưởng cho từ nay đến cuối năm?

Nếu so với con số hơn 18 tỷ USD năm ngoái thì 7,7 tỷ USD riêng trong quý I năm nay là tín hiệu tính cực. Điều này cho thấy một xu hướng tốt là lòng tin các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn rất tốt.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2017 theo giá hiện hành ước tính đạt 297,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước và bằng 32% GDP, bao gồm: vốn khu vực nhà nước đạt 99,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng vốn đầu tư và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 117,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 39,4% và tăng 13,8%; khu vực có vốn FDI đạt 80,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,1% và tăng 6,2%. Như vậy có thể thấy, đầu tư tư nhân là tăng mạnh nhất, đây là một tín hiệu tốt cùng với việc vốn FDI tiếp tục tăng. 

Theo ông, có nên cố gắng bằng mọi biện pháp theo đuổi mục tiêu GDP năm 2017 tăng 6,7% đã đặt ra?

Cố gắng đạt mục tiêu GDP năm 2017 tăng 6,7% không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay tôi cho rằng đó là duy trì mức độ tăng trưởng đủ nhanh nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định vĩ mô, chống lạm phát. Còn 6,5% hay 6,3% cũng được, miễn là sự phát triển phải bền vững.

Còn tất nhiên nếu chúng ta có biện pháp làm cho khu vực tư nhân phát triển vượt lên để đạt được con số 6,7% thì là điều quá tốt. Có một thông điệp mới tôi thấy rất hợp lý, đó là: Việt Nam ổn định là tốt, tăng trưởng là tốt. Nếu tốt hơn là tạo điều kiện để cho những người đi du học về Việt Nam, không phải “con ông nọ cháu bà kia” vẫn có cơ hội làm những vị trí quan trọng trong điều hành, phát triển đất nước.

Chuyên đề