Ưu tiên chi tiêu công cho giáo dục cơ bản

(BĐT) - Kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được công bố trong Báo cáo “Tăng trưởng thông minh hơn: học tập và phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương” cho thấy, các hệ thống giáo dục hàng đầu ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đều áp dụng ba nguyên tắc chi tiêu hiệu quả các nguồn lực công. 
Học tập có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược tăng trưởng dựa trên năng suất lao động. Ảnh: Hoài Tâm
Học tập có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược tăng trưởng dựa trên năng suất lao động. Ảnh: Hoài Tâm

Đây là một gợi ý cho Việt Nam trong việc phân bổ nguồn lực đầu tư công cho phát triển kinh tế - xã hội.

Các nguyên tắc này gồm: ưu tiên chi tiêu công cho giáo dục cơ bản, quản lý hiệu quả các đầu vào thiết yếu, và tăng cường phân phối công bằng các nguồn lực. Theo khuyến nghị của các chuyên gia, các quốc gia nhắm đến xây dựng nguồn nhân lực vững chắc cho tăng trưởng kinh tế cần ưu tiên chi tiêu công cho giáo dục cơ bản.

Thực tế cho thấy, chi tiêu công cho giáo dục không tương quan với kết quả học tập. Mức chi tiêu công cho giáo dục rất khác nhau giữa các quốc gia trên thế giới và trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Tại các quốc gia hàng đầu trong khu vực, giáo dục đào tạo được ưu tiên đầu tư nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước. Singapore dành gần 1/3 ngân sách quốc gia cho giáo dục kể từ năm 1952 và tỷ lệ này giảm liên tục khi thu nhập gia tăng, cho đến nay, tỷ lệ này chỉ còn 1/5. Tại Hàn Quốc, chi tiêu cho giáo dục chiếm 14,3% tổng ngân sách tính trong năm 1963, tiếp tục tăng lên 20,4% vào năm 2000, sau đó giảm xuống còn 12,8% năm 2013. Tại Nhật Bản, 14,5% chi tiêu của Chính phủ được dành cho giáo dục tính trong năm 1955 và được duy trì cho 30 năm tiếp theo, trước khi giảm xuống còn 8,1% - 9,3% trong giai đoạn 2009 - 2013. Các nền kinh tế tăng trưởng tốt ở Đông Á - Thái Bình Dương đều tập trung đầu tư vào giáo dục tiểu học cho đến giáo dục đại học.

Đánh giá xu hướng chi tiêu công, theo kết quả nghiên cứu của WB, chi tiêu công cho giáo dục trên mỗi học sinh tiếp tục tăng theo thực tế, ngay cả khi nó được kiểm soát chặt chẽ như là một phần của GDP và chi tiêu của chính phủ. Đầu tư công hiệu quả ở các nền kinh tế tăng trưởng tốt đã giúp tạo dựng nền tảng vững chắc cho các hệ thống giáo dục. Ngược lại, học tập có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược tăng trưởng dựa trên năng suất lao động của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Ở các hệ thống giáo dục hàng đầu, khi nền kinh tế tăng trưởng và nhu cầu đối với lao động có kỹ năng cao ngày càng tăng, tỷ trọng chi tiêu cho cấp giáo dục cao hơn được tăng lên. Sự kiểm soát ngân sách cho giáo dục ở cấp trung ương cho phép chính phủ đảm bảo đầu tư bền vững và chỉ đạo trực tiếp việc sử dụng nguồn lực. Sự kiểm soát này đã giúp đảm bảo trách nhiệm giải trình ở cấp địa phương và nhà trường.

Sự kiểm soát ngân sách cho giáo dục ở cấp trung ương cho phép chính phủ đảm bảo đầu tư bền vững và chỉ đạo trực tiếp việc sử dụng nguồn lực. Sự kiểm soát này đã giúp đảm bảo trách nhiệm giải trình ở cấp địa phương và nhà trường.
Kinh nghiệm cho thấy, các quốc gia giàu có hơn thường phân bổ chi tiêu nhiều hơn cho các cấp giáo dục thấp hơn. Tuy nhiên, so với các hệ thống giáo dục hàng đầu, Việt Nam vẫn ưu tiên đầu tư công nhiều hơn cho giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở. Trung Quốc cũng ưu tiên đầu tư công cho giáo dục tiểu học, dạy nghề và giáo dục mầm non. Ngay cả khi đã gia tăng đầu tư cho các cấp giáo dục cao hơn, các nền kinh tế tăng trưởng tốt vẫn tiếp tục tăng mức chi tiêu tuyệt đối cho học sinh tiểu học và trung học để nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp này. Hàn Quốc và Singapore đã tăng gấp đôi mức chi tiêu thực trên mỗi học sinh cho giáo dục cơ bản. Nhật Bản cũng tăng mức chi tiêu tuyệt đối cho mỗi học sinh trong giai đoạn 2000 - 2013. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc - nơi đầu tư cho giáo dục đại học chủ yếu là từ khu vực tư nhân - chi tiêu công trên mỗi học sinh ở cấp giáo dục đại học chưa bao giờ vượt quá chi tiêu cho giáo dục cơ bản.

Các hệ thống giáo dục hàng đầu ở Đông Á - Thái Bình Dương quản lý hiệu quả hai hạng mục đầu tư quan trọng: chi tiêu cho giáo viên và chi tiêu cho hạ tầng trường học. Nguồn lực được phân bổ đầy đủ để thu hút và giữ chân đội ngũ nhân lực giỏi, với mức lương thưởng và lợi ích xứng đáng cho các giáo viên có kinh nghiệm và có thành tích giảng dạy trên lớp. Singapore thường xuyên điều chỉnh mức lương cho giáo viên, đảm bảo các khoản bù đắp khác, và áp dụng thưởng dựa trên đánh giá kết quả hoạt động. Tại Hàn Quốc, giáo viên có trên 15 năm kinh nghiệm có thu nhập cao hơn so với các đồng nghiệp của mình nhờ có nhiều cơ hội làm việc trong khu vực tư nhân. Tại cả Nhật Bản và Hàn Quốc, giáo viên có trên 15 năm kinh nghiệm (và được đánh giá thường xuyên) được hưởng mức lương tương ứng là 125% và 140% GDP bình quân đầu người.

Chuyên đề