Trọng dụng nhân tài trong tư tưởng Hồ Chí Minh

(BĐT) - Mặc dù đã bước qua cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng vẫn luôn đau đáu về những bài học trọng dụng người tài trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong thời khắc chuyển mùa, đất trời giao hòa, cây cối đâm chồi nảy lộc, phóng viên Báo Đấu thầu có dịp ghé thăm và được nghe ông chia sẻ về những nỗi niềm này.
Nhờ sức cảm hóa, ảnh hưởng nhân cách của Bác Hồ cùng với chính sách đúng đắn, chân thành, cởi mở… mà nhiều thế hệ nhân tài đã cống hiến cho đất nước
Nhờ sức cảm hóa, ảnh hưởng nhân cách của Bác Hồ cùng với chính sách đúng đắn, chân thành, cởi mở… mà nhiều thế hệ nhân tài đã cống hiến cho đất nước

Muốn kiến quốc, phải tìm người tài đức

Ông Nguyễn Trọng Phúc mở đầu rằng, từ khi tìm đường cứu nước cho đến khi về nước lãnh đạo cuộc cách mạng tháng Tám thành công, Bác rất chú trọng việc học hỏi bên ngoài. Ngay khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước, mong muốn của Bác là học hỏi kiến thức nhân loại, xem người ta làm thế nào để về giúp nước mình, gắn kết trí tuệ và khát vọng của nhân loại với trí tuệ và khát vọng của dân tộc.

Dân tộc mình vốn đã có truyền thống trọng dụng nhân tài. Với truyền thống đó, Bác rất quan tâm tới việc nâng cao dân trí. Cho nên, ngay khi chuẩn bị thành lập Đảng, Bác đã coi trọng yếu tố con người, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Quảng Châu. Chọn người có trình độ, năng lực thì mới xây dựng được Đảng mạnh. Từ đó, Bác đề ra tư cách của người làm cách mạng trong tác phẩm Đường Kách mệnh năm 1927. Theo đó, ngoài đạo đức, người làm cách mạng cần phải vươn tới sự nhận thức, hiểu biết thì mới làm tròn vai trò của người cộng sản. Khi trở về nước vào năm 1941, Bác đã có lời kêu gọi tất cả các nhân sĩ, thân hào có tinh thần yêu nước tham gia Mặt trận Việt Minh để cống hiến trí tuệ của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Và khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, việc sử dụng nhân tài của Bác rất đáng được chú ý. Xét về mặt quan điểm, Bác có hai bài viết quan trọng, gồm: “Nhân tài và Kiến quốc”, “Tìm người tài đức”.

Trong bài viết “Nhân tài và Kiến quốc”, Bác cho rằng, kiến quốc là muốn đất nước phát triển. Muốn kiến quốc thành công thì phải có nhân tài. Từ đó, Bác đi đến quyết định thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch Kiến quốc của Chính phủ. Lúc đầu, vào cuối năm 1945, Ủy ban này có 30 nhân sĩ, trí thức thời đó ở tất cả các ngành, lĩnh vực như: kinh tế, luật pháp, y tế, giáo dục, văn hóa xã hội... được tập hợp để cố vấn cho Chính phủ kế hoạch xây dựng đất nước. Đến đầu tháng Giêng năm 1946, Ủy ban được bổ sung thêm 10 người nữa, nâng tổng số lên 40 người, trong đó có những người cộng sản như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp... Như vậy, Bác vừa thể hiện quan điểm, vừa thể hiện bằng hành động cụ thể, chứ không kêu gọi chung chung. Sau này, Bác có tổng kết lại là: “Kháng chiến là phải tất thắng, kiến quốc là phải tất thành”.

Còn bài “Tìm người tài đức” Bác viết vào năm 1946, sau khi đi Pháp về. Bác cho rằng, ở nước ta, nhân tài dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều. Do đó, Bác đã ra Sắc lệnh, đề ra cụ thể nhiệm vụ của các địa phương là phải quan tâm để ý, phát hiện người tài ở địa phương mình, báo cáo lên Chính phủ để trọng dụng người tài đó. Bài viết đề ra cụ thể nhiệm vụ các địa phương phải quan tâm để ý đến việc phát hiện người tài.

Tâm đắc một điều đặc biệt, ông Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, có lẽ chỉ có Cách mạng tháng Tám – cuộc cách mạng do Đảng lãnh đạo với sự dẫn đường của Bác Hồ mới làm được, đó là sử dụng người có tài của chính quyền cũ, chính quyền phong kiến quân chủ. Cách mạng tháng Tám là lật đổ chế độ thuộc địa của Pháp, Nhật, nhưng đồng thời lật đổ chế độ phong kiến, quân chủ. Thế nhưng lại rất độc đáo là không hề kỳ thị, hay đối xử không tốt với chính quyền phong kiến cũ, mà cụ Hồ rất chú trọng vai trò của người tốt, người tài, người có tinh thần yêu nước. Thậm chí, Bác còn mời cựu hoàng Bảo Đại (ông vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam thoái vị ngày 30/8/1945) ra Hà Nội làm cố vấn tối cao cho Chính phủ. Cùng với đó, những người khác trong chính quyền phong kiến cũng được Bác mời ra giúp sức cho chính quyền mới như: cụ Phan Kế Toại (sau này làm Phó Thủ tướng), cụ Phạm Khắc Hòe, cụ Vũ Đình Hòe, cụ Phan Anh... Đây là những người không chỉ có tinh thần yêu nước, mà còn có trình độ, hiểu biết, thông thạo nhiều vấn đề. Và họ đã thủy chung với cách mạng đến cùng. Điều này khác với cuộc cách mạng Pháp, cách mạng Nga... Tại Pháp, sau khi lật đổ chính quyền phong kiến, người ta đã chém đầu vua Louis 16.

Khi Chính phủ lâm thời được thành lập ngày 28/8/1945 (trước khi ra mắt tuyên bố độc lập), trong số 15 vị, chính quyền cộng sản chỉ có 6 ghế, còn lại là các trí thức yêu nước như: Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Mạnh Hà, Phạm Ngọc Thạch, Cù Huy Cận, Nguyễn Văn Xuân, Vũ Đình Hòe... Sau đó, đến Chính phủ liên hiệp mở rộng năm 1946 và Chính phủ chính thức sau bầu cử Quốc hội, thành phần trí thức đều rất đông đảo.

“Những điều đó cho thấy sự tuyệt vời của Bác Hồ trong việc lựa chọn và sử dụng nhân tài”, ông Nguyễn Trọng Phúc cảm kích.

Thông cáo “Tìm người tài đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên trang nhất của Báo Cứu Quốc số ra ngày 20/11/1946

Muốn trọng dụng người tài đức, phải có chính sách đúng

Ông Nguyễn Trọng Phúc khẳng định, tư tưởng của Bác để lại nhiều suy nghĩ về trọng dụng nhân tài. Đó là, muốn trọng dụng nhân tài thì phải có chính sách đúng, đây là cái gốc. Không thể ngồi đợi người tài tự đến với mình, mà phải đi vận động. Vận động ở đây không có nghĩa là dùng tiền bạc, mà bằng sự chân thành, cởi mở, lấy tinh thần yêu nước làm động lực, chứ không phải vì động cơ để có quyền cao chức trọng, hay lợi ích vật chất.

Bên cạnh đề cao việc lựa chọn người tài, Bác còn luôn chăm lo cho đội ngũ trí thức. Ông Nguyễn Trọng Phúc kể, Tết năm 1946 là cái Tết độc lập đầu tiên, hay Tết Đinh Hợi năm 1947 trong khi đang phải dồn tâm sức chỉ đạo toàn quốc kháng chiến, nhưng Bác vẫn dành thời gian đi thăm hỏi các nhân sĩ, trí thức.

Từ những việc làm đó của Bác Hồ, các nhân sĩ, trí thức nhận thấy ở Đảng Cộng sản, ở cụ Hồ sự quý trọng chân thành, chứ không phải là sự lợi dụng nhất thời, nên họ đã gắn bó chung thủy suốt đời với cách mạng.

Trong chuyến thăm nước Pháp vào năm 1946, Bác vận động Việt kiều ở Pháp đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Có người đã từ bỏ địa vị, công việc có bổng lộc cao ở Pháp để theo Bác về nước, đi vào kháng chiến, phục vụ kháng chiến như: giáo sư - bác sĩ Trần Hữu Tước, Trần Đại Nghĩa... Cũng với tinh thần như thế, trong kháng chiến chống Pháp, có những trí thức làm ở nước ngoài trở về phục vụ đất nước như bác sĩ - nhà nông học Lương Định Của (quê ở Nam Bộ, từ Nhật Bản trở về)...

Ngoài việc tìm kiếm, trọng dụng người tài trong nước, Bác còn thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi và đề nghị các chuyên gia nước bạn giúp đỡ Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Phúc đánh giá, nhờ sức cảm hóa, ảnh hưởng nhân cách của Bác đối với các nhà trí thức cùng với chính sách đúng đắn, chân thành, cởi mở và động viên cao độ tinh thần yêu nước như vậy, biết bao thế hệ nhân tài trong và ngoài nước đã cống hiến tài năng, trí tuệ và sức lực cho kháng chiến, dựng xây đất nước. 

Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

Đến thời xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Bác căn dặn: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Muốn có người tài thì phải giáo dục, đào tạo. Bên cạnh việc nhờ các chuyên gia nước ngoài đào tạo giúp, Bác còn chủ trương cử người đi học, rồi mới có đội ngũ các nhà khoa học đông đảo sau này. Thậm chí, trước đó, cuối kháng chiến chống Pháp, Bác đã cử học sinh đi Pháp, Liên Xô để tiếp cận khoa học của các nước tiên tiến.

Học tập tư tưởng của Bác Hồ về trọng dụng nhân tài, Đảng ta đã rất quan tâm xây dựng đội ngũ trí thức mới, để nắm bắt được các vấn đề mới và lớn của khoa học, công nghệ.

Theo ông Phúc, muốn có đội ngũ trí thức giỏi thì phải có chính sách tốt. Chính sách ở đây không nên nghĩ chỉ là đãi ngộ vật chất, tiền lương nhiều. Vấn đề quan trọng hơn là điều kiện làm việc, phương pháp để phát huy tối đa thế mạnh tốt nhất của mỗi người.

Ông Nguyễn Trọng Phúc cũng nhấn mạnh, bản thân các trí thức, nhà khoa học cũng phải ý thức được tinh thần trách nhiệm đối với đất nước. Người xưa có câu “Quốc gia hữu sự, sĩ phu hữu trách”. Tức là đất nước thịnh hay suy, trí thức đều có trách nhiệm.        

Chuyên đề