Tranh luận quyết liệt về máy chủ của Facebook, Google

Các đại biểu Quốc hội tranh luận về quy định trong dự thảo Luật An ninh mạng yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông internet phải đặt cơ quan đại diện và máy chủ quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phát biểu. - Ảnh: VGP
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phát biểu. - Ảnh: VGP

Sáng 23/11, là người đầu tiên phát biểu khi thảo luận về dự án Luật An ninh mạng, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An, cho biết yêu cầu đặt máy chủ đã được 14 nước trên thế giới như Mỹ, Nga, Australia, Canada, Columbia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… đặt ra.

"Yêu cầu này vì sao các nước đó làm được, Việt Nam lại không làm được?”, ông Cầu nói và cho rằng các doanh nghiêp internet nước ngoài thu lợi nhuận từ việc cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, thì phải chịu các quy định bình đẳng như các doanh nghiệp khác.

"Chúng ta chỉ yêu cầu đặt máy chủ, quản lý người dùng Việt Nam chứ không phải đặt toàn bộ máy chủ dữ liệu vì máy chủ dữ liệu cung cấp cho nhiều quốc gia chứ không cho một nước cụ thể", ông Cầu phân tích thêm.

Mặt khác, Giám đốc Công an Nghệ An cho biết, nghiên cứu Hiệp định TPP quy định về ngoại lệ an ninh nêu rõ "không có quy định nào của hiệp định này ngăn cản một bên áp dụng những biện pháp cần thiết để thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến giữ gìn và khôi phục hòa bình, an ninh quốc tế hay bảo vệ lợi ích an ninh thiết yếu của quốc gia”. Tức là quy định như dự thảo Luật không trái với TPP.

Quan điểm của ông Cầu được nhiều đại biểu như đại biểu Triệu Tuấn Hải, tỉnh Lạng Sơn, đại biểu Lê Tấn Tới - Giám đốc Công an Bạc Liêu… đồng tình.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu không đồng tình với quy định đặt máy chủ như trong dự thảo Luật, thậm chí dùng tới quyền tranh luận với ông Nguyễn Hữu Cầu.

Quy định ‘trái với cam kết hội nhập'?

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, TP Đà Nẵng, quy định này trái với cam kết WTO và Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam. Vì trong các am kết này, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam.

Hơn nữa, Hiệp định TPP đã quy định không bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng của chương này được sử dụng hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của bên mình để xem đó như là điều kiện kinh doanh trong lãnh thổ đó để triển khai công việc.

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình đàm phán để ký kết Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) , đại biểu được biết quy định trên là không thay đổi và phía Việt Nam cũng không đòi hỏi thay đổi điều này. “Do đó, Luật An ninh mạng không nên đặt ra những quy định trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”, bà Thúy nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng Luật An ninh mạng không nên đặt ra những quy định trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. - Ảnh: VGP

Sử dụng quyền tranh luận với các đại biểu Nguyễn Hữu Cầu và Triệu Tuấn Hải, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, tỉnh An Giang cho biết ông hoàn toàn ủng hộ đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy.

“Nếu theo các đại biểu Cầu và Hải, chúng ta có thể bắt ép các công ty đa quốc gia đặt máy chủ tại Việt Nam, nhưng tôi xin đặt lại vấn đề là nếu chúng ta bắt người ta đặt máy đấy nhưng người ta không sử dụng, hay sử dụng những công nghệ đám mây thì chúng ta làm gì được. Nếu chúng ta quản lý cứng nhắc hiệu quả không được bao nhiêu, nhưng hình ảnh hội nhập sáng tạo của Việt Nam trên thế giới chắc chắn bị ảnh hưởng”, ông phân tích.

Đại biểu Hiếu cũng đề nghị “đừng thấy những con số hàng trăm triệu USD quảng cáo mà không thu được thuế là chúng ta đã bị mất hoàn toàn”. Lý do, những thông tin bổ ích mà hàng ngày mạng xã hội mang lại là một bộ phận rất quan trọng trong sự phát triển của kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống xã hội, dân trí của người dân Việt Nam, góp phần xây dựng một Chính phủ sáng tạo, hành động và liêm chính.

Đại biểu Lê Thu Hà, tỉnh Lào Cai cũng đề nghị cân nhắc kỹ quy định về máy chủ. Ngoài việc không phù hợp với các cam kết của Việt Nam, vấn đề đặt ra ở đây là nếu các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông do tính toán kinh tế, tính toán đến lợi ích và chi phí họ từ chối đặt máy chủ tại Việt Nam thì giải pháp của chúng ta là gì?

“Theo tôi, trong khi chúng ta chưa có được giải pháp thay thế một cách toàn diện thì việc đặt máy chủ ở đâu không quan trọng bằng quy trình đảm bảo an ninh mạng đối với dữ liệu trên đó cũng như việc khai thác, sử dụng các dữ liệu đó ra sao”, bà Thúy nói.

Đại biểu Trần Hồng Hà, Vĩnh Phúc cho rằng Google, Facebook chỉ có một số trung tâm dữ liệu để chứa máy chủ của họ trên toàn thế giới, không phải tại nước nào họ cũng đặt máy chủ. 

Nếu quy định như dự thảo thì sẽ khó thực hiện được, nếu các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Facebook không chấp nhận đặt máy chủ người dùng tại Việt Nam thì người dùng tại Việt Nam không thể sử dụng rất nhiều dịch vụ tiện ích. Điều này có thể làm kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung số đang bùng nổ hiện nay.

Lo ngại trùng lắp điều kiện kinh doanh

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, dự thảo Luật An ninh mạng quy định Bộ Công an thẩm định về năng lực, điều kiện đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Trong khi đó khoản 1 Điều 44 Luật An toàn thông tin mạng đã quy định Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng.

Như vậy, một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ phải chịu 2 lần thẩm định năng lực, điều kiện kinh doanh, bởi 2 cơ quan quản lý khác nhau.

“Điều này không chỉ làm cho thủ tục hành chính cồng kềnh một cách phi lý mà còn dẫn đến tình trạng bế tắc, nếu kết quả thẩm định và quyết định cấp giấy phép kinh doanh của 2 cơ quan quản lý mâu thuẫn nhau. Giả sử doanh nghiệp chỉ nhận được một bộ cấp giấy phép thì có được kinh doanh không?”, bà Thúy đặt vấn đề.

Cùng lo ngại này, đại biểu Phan Văn Tường, tỉnh Thái Nguyên cho rằng việc trách nhiệm bộ ngành chồng lấn trong hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông  sẽ đương nhiên tác động đến rất nhiều đến doanh nghiệp theo hướng không tích cực, nếu không xem xét đánh giá kỹ cụ thể.

Chuyên đề