Tổng biên tập “3 trong 1” bên hầm Đại tướng

(BĐT) - Chưa qua một ngày làm báo nhưng cơ duyên lịch sử đã khiến Hoàng Xuân Tùy trở thành Chủ nhiệm Báo Quân đội nhân dân (chức vụ tương đương Tổng biên tập ngày nay). Một tổng biên tập đặc biệt hiếm có, kiêm thư ký riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kiêm Trưởng ban Tuyên huấn Mặt trận Điện Biên Phủ.
Toà soạn Báo Quân đội nhân dân họp tại hang Thẩm Púa (ông Hoàng Xuân Tùy ngồi thứ hai từ phải qua) - ảnh tư liệu
Toà soạn Báo Quân đội nhân dân họp tại hang Thẩm Púa (ông Hoàng Xuân Tùy ngồi thứ hai từ phải qua) - ảnh tư liệu

Sự lựa chọn lịch sử

Nói về ông, nhà báo lão thành Phạm Phú Bằng xúc động: “Chính nhờ có anh Hoàng Xuân Tùy, thư ký riêng của Đại tướng, Trưởng ban Tuyên huấn Mặt trận kiêm Chủ nhiệm báo nên tờ báo có vị thế, thật sự là “tai mắt” của Bộ Tổng tư lệnh, cập nhật chủ trương, tin tức cực kỳ nhanh”.

Nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp, người may mắn được làm việc với ông nhiều nhất nhận xét: “Không phải ngẫu nhiên mà Đại tướng chọn ông vào vị trí quan trọng đó. Đại tướng biết rất rõ tài đức của ông, một nhà trí thức đại học trước cách mạng, một chính uỷ trung đoàn dạn dày trận mạc và cũng đã từng làm thư ký riêng cho Đại tướng”.

Tên thật của ông gợi một cái gì đó rất văn chương: Hoàng Tiêu Diêu. Ông sinh ngày 24/11/1922 tại Thanh Hóa, quê gốc ở làng Xuân Tùy, Thừa Thiên Huế. Thời gian ông ở Thanh Hóa rất ngắn vì theo bố ông làm ở tòa sứ.

Thời nhỏ, Hoàng Xuân Tùy, khi theo học tiểu học ở Trường Paulbert (Huế) rồi Trường Quốc học Quy Nhơn (Collège Quy Nhơn) hay học ở Vinh đều liên tục đứng nhất lớp. Vì gia đình không dư giả, ông ra Hà Nội vừa theo học Trường Cao đẳng Công chính vừa tự học chương trình trung học phổ thông. Năm học 1944 - 1945, ông theo học tiếp lớp kỹ sư và cử nhân tính toán tích phân, vi phân cùng chứng chỉ cơ học thuần lý.

Ông tâm sự: “Tôi chỉ có ước mơ học xong cử nhân để đi làm thầy giáo trung học phổ thông”. Nhưng rồi, “bão” cách mạng đã cuốn ông đi. Thời gian học ở Hà Nội, ông được Việt Minh giác ngộ và giao nhiệm vụ đưa sách báo bí mật tuyên truyền trong giới sinh viên, trí thức…

Đầu năm 1947, ông lên Việt Bắc, nhận quyết định về làm chính trị viên Trung đoàn 23 (sau đổi tên thành Trung đoàn 72), khi mới ở tuổi 25. Ông là chính trị viên trung đoàn gương mẫu, đồng cam cộng khổ với anh em, trực tiếp tham gia chiến đấu. Ông tâm sự: “Có lẽ vì thế, tôi được chọn làm thư ký riêng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mặc dầu tôi không quen biết ai ở Bộ Tổng tư lệnh”. Ông được giao chuẩn bị văn bản cho Đại tướng, được Đại tướng nhận xét “có trình độ lý luận, viết lách được”.

Không thích ngồi bàn giấy, ông nhiều lần ngỏ ý với Đại tướng xin được cho ra đơn vị. Ít lâu sau, ông được điều về làm Chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308. Sau Chiến dịch biên giới, ông được điều về làm Chủ nhiệm chính trị Đại đoàn 308. Tháng 5/1951, ông về Cục Tuyên huấn, phụ trách Phòng Thông tin kiêm phụ trách Báo Quân đội nhân dân. 

Tổng biên tập “3 trong 1” bên hầm Đại tướng ảnh 1

Ông Hoàng Xuân Tùy

Trưởng ban Tuyên huấn ba chiến dịch

Trước Điện Biên Phủ, ông hai lần được cử làm Trưởng ban Tuyên huấn chiến dịch Hòa Bình và chiến dịch Tây Bắc. Về công việc tại Điện Biên Phủ, ông kể: “Cuộc chiến đấu ở Mặt trận Điện Biên Phủ rất gian khổ, quyết liệt. Vì vậy, công tác tuyên truyền trước, trong và sau mỗi trận chiến đấu đều phải kịp thời, rất sát với cuộc chiến đấu hàng ngày. Các đơn vị gặp khó, vượt khó, đánh thắng địch đều được giới thiệu hàng ngày trên báo và trên các tờ bướm…”.

Ông chính là người chấp bút bản thông cáo lịch sử về chiến thắng Điện Biên Phủ cho Đại tướng. Ông kể: “17 giờ ngày 7/5/1954, địch đầu hàng. Là người phát ngôn của Chiến dịch, tôi không bao giờ có thể quên được giờ phút này. Tiếng reo hò vang dậy, niềm hân hoan không thể tả được. Tôi nghĩ ngay đến nhiệm vụ phải chuẩn bị gấp một bản thông cáo về chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau vài lần chỉnh lý, bản thông cáo được hoàn chỉnh và điện ngay về cho Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. 11h30 ngày 8/5, tin chiến thắng Điện Biên Phủ được lan truyền khắp thế giới và đặc biệt đã đến Hội nghị Giơ-ne-vơ đúng lúc khai mạc hội nghị bàn về Đông Dương”.

Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp nhớ lại: “33 số báo còn mang đậm dấu ấn, sức sống của một Tổng biên tập, một nhà báo tài năng ở tuổi 32. Chỉ làm việc tại Báo khoảng 3 năm nhưng anh đã để lại dấu ấn không thể nào quên”.

Vậy công việc của Tổng biên tập “3 trong 1” Hoàng Xuân Tùy như thế nào?

Nhà báo Phạm Phú Bằng khi kể với chúng tôi phải thốt lên rằng: “Anh Hoàng Xuân Tùy thì quá nhiều việc, nhiều đến mức chúng tôi không hiểu anh làm cách nào để hoàn thành”.

Lịch làm việc của ông thường bắt đầu từ rất sớm. Ông kể: “Tôi được tham dự các buổi giao ban của Cục Tác chiến. Hàng ngày, vào lúc 5 giờ sáng, tôi sang lán của Đại tướng ở gần lán của tôi bật đài Pháp Á để Đại tướng cùng nghe. Sau khi nghe đài khoảng 30 phút, Đại tướng thường phát biểu một số ý kiến nhận định và hướng dẫn. Trên cơ sở đó, tôi về triển khai công việc”.

Tổng biên tập Hoàng Xuân Tùy luôn có tính kế hoạch rất cao. Nhà báo Khắc Tiếp kể: “Chiến trường thì rộng lớn, quân số đông hàng vạn, dân công hàng chục vạn, nhưng anh đã vận hành khéo léo bộ máy nhỏ nhoi của tòa soạn, huy động được lực lượng đông đảo cộng tác viên để tờ báo chiến trường ra đều đặn, kịp thời, có lúc hai ngày ra hai số. Chỉ đạo rõ ràng, cụ thể, dứt khoát, đó là tác phong làm báo của anh… Anh nắm rất chắc, rất cụ thể toàn bộ chiến trường. Không cần bản đồ, anh hướng dẫn chúng tôi chính xác nơi cần đến, ở đó có vấn đề gì cần chú ý… Nhờ đó, phóng viên tác nghiệp rất thuận lợi, bài vở đúng hướng”. 

Ngòi bút chính luận hàng đầu

Trên 33 số báo, không hề có một dòng tên Hoàng Xuân Tùy. Tuy nhiên, nếu đọc nhiều bài chính luận trên trang nhất với văn phong ngắn gọn, súc tích,  ký tên “Chính Nghĩa” thì có thể biết ngay, đó chính là những bài ông viết. Bộ đội thường đón đọc những bài Chính Nghĩa viết và có khi trong bài của Chính Nghĩa còn cài chi tiết để đánh lạc hướng quân địch. “Những bài ấy được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam để cho đối phương nghe”, nhà báo Trần Cư tiết lộ.

Hoàng Xuân Tùy luôn thể hiện là một Tổng biên tập mẫu mực, thương yêu, tạo điều kiện hết sức cho đội ngũ phóng viên. Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp cho biết: “Làm việc dưới quyền anh trong suốt mấy năm anh làm chủ báo, dù lúc báo ra bình thường ở hậu phương hay ở chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, đặc biệt là ở Điện Biên Phủ, không bao giờ chúng tôi thấy anh có một lời nói gay gắt, một thái độ bực bội, một cử chỉ nóng giận với anh em. Anh là một người hòa nhã, sống tình nghĩa. Chất người đó làm cho chúng tôi rất gần gũi, tin yêu, kính phục anh, cả vì tài, vì đức. Anh gọi tờ báo là một "gia đình đoàn kết".

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông được đề bạt làm Phó chính ủy sư đoàn song ông đã từ chối và “nguyện suốt đời làm một nhà báo quân đội, phục vụ cho đến ngày cuộc kháng chiến toàn thắng”.

Tuy nhiên, ước nguyện ấy của ông đã… không được đáp ứng. Đại tướng và Trung ương đã nhìn nhận khả năng của ông, thấy cần có ông cho việc phát triển giáo dục và đào tạo. Năm 1956, ông được Bộ Chính trị giao về phụ trách Trường Đại học Bách khoa mới được thành lập. Tháng 10/1965, ông được điều về làm Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Nghỉ hưu tại TP.HCM, ông tích cực tham gia hoạt động xã hội và là một trong những người sáng lập Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TP.HCM.

Như một duyên nợ với nghề báo, ông ra đi ở tuổi 92, đúng một ngày sau ngày báo chí cách mạng Việt Nam (22/6/2013)…

Chuyên đề