Tìm cách kích hoạt mạnh mẽ kinh tế tư nhân

(BĐT) - “Tiềm năng, thế mạnh lẫn điều kiện của kinh tế tư nhân còn nhiều ràng buộc. Vì vậy, chúng ta cần tạo điều kiện không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn". Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam ngày 2/5/2019.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. Ảnh: Hiếu Nguyễn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Bình đẳng và được trao cơ hội

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Dù chưa có đánh giá đầy đủ nhưng hoạt động của kinh tế tư nhân cho thấy khát vọng vươn lên của khu vực này. Kinh tế tư nhân có vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế, cần tìm cách kích hoạt tốt hơn nữa".

Chia sẻ chủ trương, quan điểm, định hướng lớn về phát triển kinh tế tư nhân, những quyết sách tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân góp phần phát triển kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dùng một số cụm từ như: “bình đẳng”, “được bảo vệ”, “được khích lệ và được trao cơ hội”.

Cụ thể, theo người đứng đầu Chính phủ, kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, trong cạnh tranh, phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận nguồn lực. Đặc biệt, cần giảm sự chồng chéo, tầng lớp trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân.

Khu vực này cần được khích lệ bằng cách tôn vinh các dự án tốt và cần lên án, đấu tranh đối với các doanh nghiệp (DN) vi phạm đạo đức kinh doanh.

Mặt khác, DN cần được trao cơ hội qua việc tạo điều kiện tiếp cận nguồn lực, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm... tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, thuận lợi. 

Cần hoàn thiện thể chế, chính sách

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ những vấn đề then chốt để hoàn thiện thể chế liên quan đến kinh tế tư nhân.

Theo ông Hiển, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã tập trung thể chế hoá các chính sách kinh tế liên quan đến kinh tế tư nhân. Nhờ đó, kinh tế tư nhân đã có bước phát triển tích cực.

Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vẫn có một số vấn đề cần giải quyết. Đó là việc thực thi pháp luật để tạo điều kiện cho DN phát triển còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, chi phí tuân thủ pháp luật thời gian qua chưa được giải quyết tốt, thời gian làm thủ tục quản lý còn kéo dài. Điều đó đặt ra bài toán cần phải rà soát lại hệ thống pháp luật, nhất là những luật liên quan đến thể chế, công chức viên chức, chế độ kinh tế, chính sách kinh tế.

“Phải phá vỡ rào cản và tạo điều kiện cho các DN tư nhân tiếp cận được với nguồn lực về đất đai, tài chính, yếu tố sản xuất... Ngoài ra, cần cố gắng để cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật như lệ phí kinh doanh, chi phí không chính thức gây khó khăn cho các DN”, ông Hiển nói.

Từ phía cộng đồng DN, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân không thể tách rời các chính sách tái cấu trúc khu vực DN nhà nước và thu hút chọn lọc các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để vừa tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, vừa tạo dư địa cho phát triển kinh tế tư nhân.

“Tạo điều kiện cho khu vực tư nhân, nhất là các DN nhỏ và vừa, có thể tham gia mua cổ phần của các DN nhà nước. Xây dựng bộ lọc “tiêu chuẩn” về kỹ thuật, môi trường, quy mô… để định hướng sóng đầu tư FDI mới phù hợp với yêu cầu không chèn ép sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước. Có chính sách vận động, khuyến khích các DN FDI chủ động liên kết với khu vực tư nhân trong nước”, ông Lộc nhấn mạnh.

Với những bài học thực tiễn từ VinFast, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup nêu một số ý kiến để góp phần thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Thứ nhất, cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao và các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến.

Thứ hai, cần đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo đại học, đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân sự cho phát triển kinh tế tư nhân.

Thứ ba, tiếp tục tạo điều kiện cho Chương trình kết nối Mạng lưới đổi mới sáng tạo để phát huy, góp phần thu hút chất xám của đội ngũ Việt kiều.

Thứ tư, có những chính sách để thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp hỗ trợ, bởi lĩnh vực này đóng vai trò bổ trợ rất lớn cho ngành công nghiệp ô tô phát triển và sẽ tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.

Thứ năm, Chính phủ cũng cần tiếp tục tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Vingroup nhận thấy, sắp tới sẽ có thêm nhà đầu tư chọn Việt Nam để xây dựng các nhà máy cung cấp dịch vụ đến các nước trong khu vực châu Á.

Chuyên đề