Tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư

(BĐT) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và các năm tiếp theo (Nghị quyết 19-2018). Đây là năm thứ 5 liên tiếp, một danh mục rất chi tiết các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được đặt ra. Sức nóng cải cách đã thực sự lan tỏa đến từng bộ, ngành, địa phương.
Phạm vi cải thiện môi trường kinh doanh được mở rộng tại Nghị quyết 19-2018, đặc biệt là trong các ngành du lịch, logistics. Ảnh: Tường Lâm
Phạm vi cải thiện môi trường kinh doanh được mở rộng tại Nghị quyết 19-2018, đặc biệt là trong các ngành du lịch, logistics. Ảnh: Tường Lâm

Nhiều điểm mới

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, về cơ bản, Nghị quyết 19-2018 vẫn giữ mục tiêu như Nghị quyết 19-2017, bởi môi trường kinh doanh dù có những cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đạt được những mục tiêu đề ra. Chất lượng chỉ số môi trường kinh doanh vẫn chưa bằng mức trung bình của ASEAN 4.

Tuy nhiên, điểm mới của Nghị quyết 19-2018 là tập trung vào các chỉ số trong những năm qua chưa đạt hoặc chưa tăng hạng, chậm cải thiện hoặc chưa cải thiện như: Khởi sự doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp hợp đồng, hay giải quyết phá sản doanh nghiệp (DN). Cụ thể, Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu năm 2018, chỉ số khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và chỉ số giải quyết phá sản DN, mỗi chỉ số tăng thêm 10 bậc.

“Dư địa để nâng cao thứ hạng môi trường kinh doanh thông qua việc cải thiện những chỉ số môi trường kinh doanh đang ở thứ hạng thấp như phá sản DN, tranh chấp hợp đồng, khởi sự kinh doanh là khá nhiều. Riêng đối với chỉ số khởi sự kinh doanh, việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, một cửa duy nhất, tăng cường trao đổi thông tin và phối hợp xử lý thủ tục giữa các cơ quan quản lý có thể giảm số thủ tục cũng như thời gian thực hiện khởi sự kinh doanh”, ông Hiếu cho biết.

Cũng theo ông Hiếu, một điểm mới nữa của Nghị quyết 19-2018 là phạm vi cải thiện môi trường kinh doanh được mở rộng, đặc biệt là trong các ngành và lĩnh vực mang tính chất lan tỏa như du lịch và logistics… Đối với ngành du lịch, Chính phủ xác định đây sẽ là ngành công nghiệp mũi nhọn, vì vậy cần tạo ra sự thay đổi tích cực hơn để thúc đẩy phát triển du lịch, đóng góp vào công cuộc tái cơ cấu kinh tế. Còn đối với ngành logistics, đây là ngành đang tạo ra chi phí rất lớn, làm giảm khả năng cạnh tranh của DN, nên cần đặt mục tiêu cải thiện nhằm hỗ trợ DN, giúp giảm chi phí cũng như tăng năng lực cạnh tranh.

Bãi bỏ, đơn giản hoá một nửa số điều kiện kinh doanh

Trên thực tế, với các phiên bản Nghị quyết số 19 của Chính phủ, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam liên tục được cải thiện. Minh chứng là năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, từ 82 lên 68/190 nền kinh tế; đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế. Tuy nhiên, so với khu vực, những cải thiện về môi trường kinh doanh vẫn chưa bền vững và chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Kinh nghiệm từ thực hiện Nghị quyết 19 giai đoạn 2014 - 2017 cho thấy, kết quả đạt được không đồng đều, có sự chênh lệch lớn giữa các chỉ số, các bộ, ngành, địa phương. Các chỉ số có sự cải thiện lớn đa phần tập trung ở các ngành, lĩnh vực có vấn đề nóng, được dư luận đặc biệt quan tâm, có phản biện, góp ý và yêu cầu mạnh mẽ từ phía DN, hiệp hội DN. Bên cạnh đó, những chỉ số, lĩnh vực, địa phương mà người đứng đầu thực sự vào cuộc, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, sát sao, bám sát nghị quyết của Chính phủ thì đạt được kết quả và có cải thiện rõ rệt.

Đó cũng là lý do để Nghị quyết 19-2018 tiếp tục đặt mục tiêu phải hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan; giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25 - 27% hiện nay xuống còn dưới 10%.

Các chuyên gia nhận định, có nhiều căn cứ để tin rằng mục tiêu của Nghị quyết 19-2018 có thể thực hiện được, bởi đây là nghị quyết đã được vận hành 4 năm nên nhận thức của các bộ, ngành về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của việc thực thi đã có. Đặc biệt, với sự chỉ đạo ngày càng quyết liệt của Chính phủ, sự phát triển của cộng đồng DN đòi hỏi lợi ích cũng ngày càng tăng lên sẽ là động lực thúc giục mạnh mẽ việc hiện thực hoá các cam kết từ Nghị quyết 19. 

Chuyên đề