Thương vụ không được ngồi chờ doanh nghiệp

(BĐT) - Bỏ ngay tư duy nhiệm kỳ, đừng ngồi chờ doanh nghiệp (DN) đến “nhờ” mới làm, thay vào đó các thương vụ, đặc biệt là các tham tán phải chủ động làm việc với các đối tác sở tại nhằm đưa thương mại Việt Nam, xuất khẩu Việt Nam đạt được những thành tích mới. 
Các thương vụ đã hỗ trợ tích cực trong việc thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản… Ảnh: Hoài Tâm
Các thương vụ đã hỗ trợ tích cực trong việc thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản… Ảnh: Hoài Tâm

Yêu cầu này được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2018 diễn ra sáng ngày 7/2, tại Hà Nội.

Thị trường xuất khẩu tiếp tục mở rộng

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2017, thương mại của Việt Nam đã đạt con số ấn tượng với kim ngạch 425 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 214 tỷ USD. Đạt được con số ấn tượng này có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống thương vụ Việt Nam. Sau 10 năm gia nhập WTO (2007 - 2017), tổng kim ngạch thương mại Việt Nam tăng gấp 3 lần.

Chia sẻ cụ thể, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương chỉ ra nhiều thành tựu nổi bật trong hoạt động thương mại của Việt Nam. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu 2 năm 2016 và 2017 giữ được đà tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức trung bình 15%/năm. Năm 2017, thị trường xuất khẩu và cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục có chuyển biến tích cực. Xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do đều ghi nhận mức tăng trưởng khá. Đến nay, cả nước có 25 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Quan hệ hợp tác quốc tế về công nghiệp tiếp tục sôi động. Hầu hết các dự án trọng điểm trong ngành công nghiệp đều có dấu ấn của các hoạt động hợp tác quốc tế.

Đánh giá cao vai trò của các thương vụ, tham tán trong việc kết nối thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam khẳng định, các thương vụ đã hỗ trợ rất lớn cho hoạt động xuất khẩu của các DN dệt may. Nhờ sự hỗ trợ này, đến nay, xuất khẩu dệt may Việt Nam có quy mô đứng thứ 4 thế giới, nhiều thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Năm qua dù tổng cầu về dệt may trên thế giới không tăng, nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn tăng.

Đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, nhờ sự hỗ trợ của các thương vụ, Hapro đã đẩy mạnh kết nối xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như tìm kiếm các thị trường mới. 

Nâng cao trách nhiệm của các thương vụ

Kim ngạch xuất khẩu 2 năm 2016 và 2017 giữ được đà tăng trưởng trung bình 15%/năm. Năm 2017, thị trường xuất khẩu và cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục có chuyển biến tích cực.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của các thương vụ thông qua Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan khác để xem “nước sở tại họ cần gì, loại sản phẩm nào, tiêu chuẩn làm sao…” để chúng ta có thị trường ổn định cho các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh, lợi thế so sánh.

Do đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương có hình thức khen thưởng, động viên xứng đáng đối với những thương vụ, tham tán làm việc tích cực trong năm qua, nhất là tại các thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu cao hơn mức tăng xuất khẩu chung là 21% của cả nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đề nghị có biện pháp xử lý cần thiết, thuyên chuyển những cán bộ làm tham tán thương mại ở các nước mà không biết làm việc. Thủ tướng cũng lưu ý, còn có cán bộ “lo việc nhà hơn việc nước”, hời hợt, ít am hiểu thị trường, chưa thông thạo công việc, ngại khó ngại khổ hay còn có thương vụ ít đề xuất về nước những vấn đề đặt ra đối với thị trường mình phụ trách.

Kể về câu chuyện một tham tán thương mại của Nhật Bản tại Việt Nam có quan hệ tốt với các cấp chính quyền, DN Việt Nam, lăn lộn, chịu khó, có kiến thức sắc sảo, hiểu biết pháp luật Việt Nam từ sắc thuế đến thuế suất và có nhiều ý kiến đối với các vướng mắc cản trở thương mại Việt Nam - Nhật Bản, Thủ tướng đặt vấn đề, có phải đây là bài học kinh nghiệm cho các tham tán thương mại Việt Nam?

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có 57 thương vụ (thương vụ Venezuela tạm thời đóng cửa) và 7 chi nhánh thương vụ tại nước ngoài. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 15 thương vụ và 4 chi nhánh, khu vực châu Phi - Tây Nam Á có 13 thương vụ, khu vực châu Âu có 20 thương vụ và 1 chi nhánh (bao gồm cả Phòng WTO tại Geneva), khu vực châu Mỹ có 9 thương vụ và 2 chi nhánh.

Năm 2016 - 2017, các thương vụ đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai hiệu quả các hoạt động chuyên môn; chủ động tìm hiểu thị trường sở tại và thông tin kịp thời để Nhà nước có đối sách phù hợp; đồng thời hỗ trợ tốt cho các DN, đã hỗ trợ triển khai hơn 500 hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức theo chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

Tuy nhiên, theo ông Lê Viết Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, ngoài việc hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản…, thời gian tới, các thương vụ cần tích cực làm cầu nối cho các DN xây dựng Việt Nam với các quốc gia khác để thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp của Việt Nam ra nước ngoài. Đây là lĩnh vực mà Việt Nam đang cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ và bước đầu có thể cạnh tranh được với một số quốc gia trong khu vực.

Chuyên đề